| Hotline: 0983.970.780

Nam Định tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thứ Sáu 21/08/2020 , 08:46 (GMT+7)

Nam Định phát triển sản phẩm OCOP không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Nam Định đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; tạo động lực thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh phát triển.

Nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Ảnh: Mai Chiến.

Nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Ảnh: Mai Chiến.

62 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định chia sẻ, Chương trình OCOP tại Nam Định được triển khai từ năm 2019 trong điều kiện nguồn lực của tỉnh không lớn. Song, Nam Định cũng chọn cho mình cách làm riêng.

Nhờ vậy, đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 - 4 sao; được Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP Trung ương đánh giá là 1 trong những tỉnh triển khai tích cực chương trình OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 - 4 sao) của 29 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình; trong đó có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 44 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Ngoài ra, có 1 sản phẩm được lựa chọn đề cử tham gia bình chọn sản phẩm OCOP quốc gia (5 sao) do Bộ NN-PTNT tổ chức vào cuối năm 2020.

Có được kết quả này, là do thời gian qua, UBND tỉnh, Hội đồng tư vấn, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế tại các cơ sở sản xuất và các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Tính riêng, đợt 1/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đã đánh giá, phân hạng 26 sản phẩm của UBND huyện Hải Hậu. UBND tỉnh Nam Định đã quyết định phê duyệt và công bố kết quả, đánh giá, phân hạng và công nhận 26 sản phẩm OCOP (trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản pẩm đạt 3 sao).

Hiện nay, Sở NN-PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh đang phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tư vấn hỗ trợ trên 80 sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP đợt 2/2020.

“Dự kiến, đến hết tháng 8/2020, các sản phẩm sẽ hoàn thiện hồ sơ và đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ước kết quả đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 100 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên”, ông Tiến nói thêm.

Hải Hậu là huyện dẫn đầu tỉnh Nam Định về kết quả thực hiện Chương trình OCOP với 42 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Theo Hội đồng tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao của Hải Hậu đều có chất lượng tốt; mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa đa dạng và là sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, bước đầu chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Các sản phẩm OCOP cấp tỉnh của huyện Hải Hậu khá đa dạng trên các lĩnh vực như văn hóa, du lịch, thực phẩm, nông sản, thủy sản…

Nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát sau khi thu hoạch được sơ chế và đóng vào hộp, đảm bảo an toàn sức khỏe. Ảnh: Mai Chiến.

Nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát sau khi thu hoạch được sơ chế và đóng vào hộp, đảm bảo an toàn sức khỏe. Ảnh: Mai Chiến.

Ônh Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) cho hay, HTX chuyên sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư và một số loại nấm khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi được UBND xã giới thiệu, HTX đã đăng kí các sản phẩm gồm: Rượu nấm linh chi Linh Phát, Nấm linh chi Linh Phát, Nấm bào ngư Linh Phát tham gia Chương trình OCOP. Hiện, cả 3 sản phẩm này đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

“HTX đã xác định được sản phẩm chủ lực của mình là sản phẩm của cây nấm linh chi, ngoài ra còn có sản phẩm nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ, rượu nấm linh chi. Đặc biệt, HTX đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất trà nấm linh chi hòa tan, đây là sản phẩm thế mạnh của HTX”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành khẳng định: Tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, thị trường được mở rộng, giá trị sản phẩm được tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX…

Coi trọng chất lượng hơn số lượng

Ông Tiến cho biết, Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và được các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hưởng ứng. Tiềm năng phát triển sản xuất từ các sản phẩm chủ lực, làng nghề, đặc sản địa phương còn rất lớn.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương. Số sản phẩm mới tập trung ở huyện Hải Hậu và thành phố Nam Định. Các huyện khác còn ít và mới bắt đầu triển khai đăng ký sản phẩm. Chất lượng một số sản phẩm chưa cao. Sản phẩm mới còn ít.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT Nam Định tham quan khu sản xuất nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát. Ảnh: Mai Chiến.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT Nam Định tham quan khu sản xuất nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát. Ảnh: Mai Chiến.

Nguyên nhân, do công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình OCOP ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ dân sản xuất kinh doanh… tham gia Chương trình OCOP ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát.

Hiện nay, Chương trình OCOP đang được hiện xuyên suốt, trọng tâm, được coi là linh hồn của Chương trình xây dựng NTM. Và, đang được các huyện, thành phố triển khai song song cùng với Chương trình xây dựng NTM.

Bởi, có khai thác được thế mạnh của sản xuất nông nghiệp, khai thác được những sản phẩm vùng nông thôn thì mới góp phần được nâng cao đời sống cho người dân. Đến nay, đã có những xã phát huy được thế mạnh Chương trình OCOP. 

“Chương trình OCOP thực hiện rất khó, phải huy động được sự tham gia của các chủ thể, và họ phải chủ động tham gia thì Chương trình mới có sức lan tỏa rộng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cấp xã, huyện phải nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn được sản phẩm thế mạnh của địa phương để khuyến khích, vận động cũng như tạo điều kiện cho các chủ thể, đẩy mạnh phát triển sản phẩm”, ông Tiến chia sẻ.

Để triển khai bền vững Chương trình OCOP, theo ông Tiến, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ các cấp. Lồng ghép Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP vào mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ thể; đặc biệt là HTX, tổ hợp tác, mô hình cá nhân. Bởi, kiến thức về thị trường, xúc tiến thương mại, khoa học kĩ thuật, cũng như kiến thức chung về chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã sản phẩm của họ vẫn còn hạn chế. Thông qua đây, họ sẽ từng bước hoàn thiện về chất lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP…

Theo Sở NN-PTNT, Nam Định đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Theo Quyết định 490/QĐ-TTg 2018, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu của chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bình luận mới nhất