| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ - Tây Nguyên thắng lớn vụ hè thu

Thứ Ba 05/09/2023 , 19:16 (GMT+7)

Vụ lúa hè thu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dù thời tiết bất thuận, nhưng đến thời điểm này đã thắng lợi lớn về năng suất, giá cả.

Vụ lúa hè thu năm nay, người dân các tỉnh Duyển hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều được mùa, được giá. Ảnh: AT.

Vụ lúa hè thu năm nay, người dân các tỉnh Duyển hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều được mùa, được giá. Ảnh: AT.

Vụ hè thu năm 2023, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên xuống giống được trên 349.100ha lúa. Đến thời điểm này, lúa trong khu vực nhiều vùng đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.

Theo đánh giá của các địa phương, năng suất lúa vụ hè thu năm nay dự báo đạt cao hơn những năm trước. Trong đó, các tỉnh phía bắc Duyên hải Nam Trung bộ ước đạt từ 55 - 61 tạ/ha, còn phía nam Duyên hải Nam Trung bộ dự kiến từ 60 - 85 tạ/ha. Khu vực Tây Nguyên năng suất lúa dự kiến đạt từ 54,8 - 70 tạ/ha và lúa rẫy trung bình 17 - 17,5 tạ/ha.

Để có được kết quả này, các địa phương trong vùng đã có quá trình chuẩn bị kỹ từ khâu xây dựng kế hoạch xuống giống linh hoạt theo tình hình thực tế của từng địa phương và sử dụng nguồn nước hiệu quả. Đặc biệt, nhờ các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống ngay từ đầu vụ nên sinh vật gây hại ở mức thấp, giúp lúa đạt năng suất cao và giá bán tốt.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật), vụ hè thu năm nay, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên chịu tác động nghiêm trọng của thời tiết cực đoan tới sản xuất nông nghiệp, nhất là các đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, mưa lớn tập trung và kéo dài. 

Thả bọ đuôi kìm khống chế sâu non bọ cánh cứng hại dừa. Ảnh: AT.

Thả bọ đuôi kìm khống chế sâu non bọ cánh cứng hại dừa. Ảnh: AT.

Ngoài ra, nhiều sinh vật gây hại mới nổi và phát sinh cục bộ đã xuất hiện trên cây trồng trong vụ hè thu 2023 như: Trên cây lúa, sâu đục thân 2 chấm phát sinh gây hại nặng cục bộ tại Bình Thuận, nguyên nhân do Bình Thuận có nhiều trà lúa gối nhau trên đồng ruộng, thời tiết ảnh hưởng liên tục của bão số 2, số 3 gây mưa lớn trên diện rộng kéo dài đã làm giảm hiệu quả phòng chống; cây nhân sâm Bố Chính đang có hiện tượng chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài và kèm theo các đợt mưa dông gây nên hiện tượng sốc nhiệt; sâu đầu đen gây hại cục bộ trên các vườn dừa bỏ hoang, không đầu tư chăm sóc và không thu hoạch…

Từ nay đến cuối vụ, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đề nghị chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh trong khu vực phân công cán bộ kỹ thuật tập trung cao độ bám sát địa bàn trọng yếu, bảo vệ tốt sản xuất vụ hè thu.

Kiểm tra sinh vật gây hại trên cây sầu riêng. Ảnh: AT.

Kiểm tra sinh vật gây hại trên cây sầu riêng. Ảnh: AT.

Cụ thể trên cây lúa, chú ý bệnh đạo ôn cổ lá + cổ bông, bệnh lem lép thối hạt… gây hại trên lúa giai đoạn đòng - trổ - ngậm sữa trong điều kiện thời tiết ngày nắng, sáng sớm và chiều tối có mưa rào và dông.

Trên cây sầu riêng, bệnh nứt thân, xì mủ tiếp tục gia tăng gây hại trong điều kiện thời tiết bất thuận và bón phân NPK không cân đối, sử dụng phân chuồng chưa hoai mục ở giai đoạn chăm sóc sau thu hoạch. Trên cây sắn, bệnh khảm lá virus tiếp tục gây hại ở các vùng trồng sắn...

Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung để chỉ đạo và có biện pháp xử lý kịp thời.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.