Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án ứng phó hạn hán và các biện pháp đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước trong vùng thiên tai.
Kiểm tra, gia cố, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngăn mặn bảo vệ sản xuất. Trong trường hợp nếu chưa khắc phục được ngay thì triển khai các công trình tạm để xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại và lựa chọn giải pháp và tổ chức triển khai các công trình khẩn cấp theo quy định về tình huống khẩn cấp đối với các dự án, công trình cấp bách ứng phó hạn hán trong vùng thiên tai theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước đến các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời, UBND các xã, thị trấn, người dân trong vùng thiên tai; chỉ đạo tổ chức đo đạc mực nước trong vùng thiên tai hàng tuần; kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trong công tác ứng phó hạn hán…
Sở Giao thông Vận tải tiếp tục hướng dẫn chính quyền địa phương, người dân trong vùng thiên tai thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở, sụp lún đất; chủ trì phối hợp với sở, ngành, các địa phương có liên quan tổ chức lập phương án và triển khai sửa chữa các tuyến đường giao thông bị sụp lún, sạt lở hoặc có nguy cơ sụp lún, sạt lở do hạn hán gây ra theo phân cấp, đảm bảo an toàn lưu thông, an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Trước đó, Báo NNVN đưa tin, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau đang diễn biến ngày càng phức tạp, đã làm hơn 18.120 ha lúa bị thiệt hại. Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại, thì diện tích bị khô hạn đến nay là hơn 42.800ha. Trong đó cấp II là 8.160,4ha; cấp III là trên 12.000 ha; cấp IV là trên 12.000 ha và cấp V là khoảng 14.000 ha.
Hiện mực nước trên hệ thống kênh, mương cũng khô cạn rất nhanh, kênh trục và kênh cấp I chỉ còn khoảng 0,5 – 01m, kênh cấp II, III đã khô cạn. Một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy; đã có hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh gạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài 22 km.
Đặc biệt, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Theo nhận định của các chuyên gia, mùa khô năm 2019 - 2020 có thể kéo dài đến cuối tháng 5, thậm chí là đến tháng 6, làm cho đời sống, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.