| Hotline: 0983.970.780

Nan giải giống khoai tây không trồng được mùa mưa

Thứ Năm 31/12/2020 , 10:15 (GMT+7)

Khoai tây được phát triển mạnh ở Lâm Đồng và tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất không đều do chưa có giống phù hợp với mùa mưa.

Tại Lâm Đồng, cây khoai tây bén rễ từ nhiều năm trước và nhanh chóng trở thành sản phẩm có tiếng trên thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha khoai tây các loại và tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng và thành phố Đà Lạt.

Nông dân dùng máy thu hoạch khoai tây ở xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân dùng máy thu hoạch khoai tây ở xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương phát triển mạnh khoai tây và chính loại cây trồng này đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Gần chục năm nay, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đề án phát triển khoai tây và liên kết với Công ty PepsiCo Việt Nam để thúc đẩy sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đa dạng về giống khoai tây và hiện nay, vùng trồng nhiều nhất phải kể đến là huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng.

Tại đây, Công ty PepsiCo Việt Nam đang liên kết với người dân, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lên đến 500ha.

Lâm Đồng có diện tích sản xuất khoai tây khoảng 1.500ha. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng có diện tích sản xuất khoai tây khoảng 1.500ha. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài ra, người dân cũng đang liên kết sản xuất với Công ty Orion. Song song với khoai tây trồng phục vụ chế biến, Lâm Đồng cũng hình thành vùng trồng khoai tây ăn tươi ở Đà Lạt và nông sản này trở thành sản phẩm nổi tiếng, được thị trường trong nước đón nhận.

“Phải nói rằng chất lượng khoai tây của Đà Lạt đứng đầu cả nước, thậm chí đứng đầu các nước ở Đông Nam Á. Năng suất chung hiện nay của tỉnh khoảng 25-27 tấn/ha, sản lượng khoảng 40 nghìn tấn mỗi năm”, ông Nguyễn Văn Châu cho hay.

Cũng theo ông Châu, việc liên kết với các doanh nghiệp mà đặc biệt là Công ty PepsiCo Việt Nam để sản xuất sản phẩm là hướng đi rất bền vững.

“Chúng tôi đã phối hợp với PepsiCo từ năm 2012 và đến nay mô hình liên kết này rất hiệu quả. Công ty PepsiCo Việt Nam đã cung cấp nguồn giống khoai tây cho các hợp tác xã, nông dân đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cuối cùng là bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Đây là liên kết bền vững, người dân tạo được nguồn nguyên liệu cho công ty, đổi lại công ty tạo điều kiện cho người dân phát triển, làm giàu”, ông Nguyễn Văn Châu thổ lộ.

Liên kết với các doanh nghiệp để trồng khoai tây nên người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Liên kết với các doanh nghiệp để trồng khoai tây nên người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Sản xuất khoai tây giúp cho người dân có nguồn thu nhập cao, tuy nhiên việc sản xuất chỉ tập trung chủ yếu vào mùa khô. Ông Nguyễn Tiến Minh, một nông dân trồng khoai tây ở huyện Đơn Dương cho biết, gia đình có 4 sào đất (4.000m2) và chỉ trồng khoai vào mùa khô, còn mùa mưa thì chuyển qua trồng cây khác.

“Khoai tây là giống cây trồng lấy củ nên phù hợp với điều kiện mùa khô và trồng ngoài trời nên mưa xuống là cây kém phát triển, thậm chí thối lụn. Do vậy, có nhiều đơn vị đến đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm đều đặn 12 tháng trong năm nhưng gia đình không thể đáp ứng”, ông Minh thổ lộ.

Đối với Lâm Đồng, khoai tây là một trong những cây ăn củ chủ lực, có giá trị kinh doanh với diện tích lớn và đặc biệt giữ được thương hiệu cho nông sản địa phương. Do vậy, địa phương hướng đến phát triển hơn nữa cây trồng này.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu của Bộ NN-PTNT để tập trung nghiên cứu các bộ giống thích hợp với khí hậu. Đặc biệt nghiên cứu giống phù hợp với mùa mưa để có thể phát triển quanh năm.

Hiện nay, các giống khoai tây tại đây phù hợp với thời tiết khô ráo nên chỉ tập trung được vào vụ Đông Xuân. Do vậy, công tác nghiên cứu giống được đặt lên hàng đầu và tiếp đến là duy trì, xây dựng liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.