Trước đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Gia Lai chủ yếu mang tính tự phát với quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nuôi cá nước ngọt có tiềm năng lớn, nhiều người dân ở nơi khác đã “gồng gánh” lên Gia Lai lập nghiệp. Theo đó, vùng nuôi cá nhiều tập trung ở các lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ, thủy điện YaLy, thủy điện Sê San, đập thủy lợi Ia Meur…
Trong khi đó, những loài cá đang được bà con nông dân nuôi trồng nhiều gồm: Cá diêu hồng, rô phi, chép, trắm, cá lóc... Bên cạnh đó, nhiều nơi người dân thử nghiệm nuôi cá đặc sản như cá chốt, thát lát, cá lăng,… loài cá nước ngọt đang có thị phần tiêu thụ lớn.
Ghi nhận tại Hợp tác xã Đức Thắng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất thu hoạch cá giống vẫn rất cao.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ nhiệm HTX Đức Thắng cho biết, hiện HTX có 5ha mặt nước nuôi cá thương phẩm chủ yếu tập trung vào cá trắm, cá chép. Trung bình mỗi vụ thu hoạch khoảng hơn 500 triễu đồng, trừ chi phí các thành viên cũng đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng/vụ.
Theo ông Thắng, để gặt hái được thành công này là do huyện Phú Thiện có nguồn nước Ayun Hạ phong phú, khí hậu rất thích hợp để phát triển mô hình nuôi cá. Cùng với đó, các thành viên trong HTX chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương nên chất lượng cá luôn được đảm bảo.
Ngoài cá thương phẩm, HTX Đức Thắng cũng phát triển rất mạnh mô hình sản xuất cá giống. Đến nay, HTX đã có 30 thành viên nuôi cá giống trên diện tích 15 ha, hàng năm cung cấp ra thị trường 60 tấn cá giống.
“Nuôi cá giống mang lại lợi nhuận rất cao. Cụ thể, nhiều thành viên chỉ có diện tích khoảng 5.000m2 mặt nước nhưng hàng năm cho sản lượng hơn 7 tấn cá, doanh thu hơn 400 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về cũng được hơn 200 triệu đồng”, ông Thắng cho biết.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, giá trị thủy sản năm 2021 đạt hơn 250 tỷ đồng, với tổng diện tích nuôi trồng trên 15.600 ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt hơn 7.000 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có hơn 900 lồng bè, tập trung trung nhiều nhất tại Thị xã An Khê, huyện Ia Grai, Chư Păh, Đăk Đoa, Chư Prông.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Gia Lai trong những năm gần đây đã phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến những mô hình nuôi cá lồng hiệu quả như nuôi cá tầm ở Kbang, nuôi cá thát lát ở huyện Phú Thiện.
Hiện nay, ngoài Trung tâm giống thủy sản cung cấp các con giống trên địa bàn tỉnh thì còn các HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản ở huyện Chư Sê, Phú Thiện… đã sản xuất ra những giống cá đặc sản phục vụ cho thị trường.
Định hướng đến 2025, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản là 16,3%/năm, chiếm gần 2% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp. Dự kiến đến 2025, khai thác có hiệu quả 20.800ha mặt nước trong đó diện tích nuôi trồng khoảng 3.800ha, còn lại là khai thác tự nhiện. Tổng sản lượng dự kiến là 16.360 tấn/năm, đồng thời phát triển thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Gia Lai tập trung phát triển nhưng giống cá đặc sản của địa phương như: Cá lăng, cá chốt, thát lát… để tạo ra giá trị kinh tế cao cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
“Gia Lai sẽ đẩy mạnh khai thác tối đa tiềm năng sẵn có về diện tích nuôi trồng, phát triển thủy sản, đáp ứng một phần nhu cầu thị trường của người dân địa phương, nâng cao đời sống người nuôi trồng thủy sản, gắn với du lịch sinh thái ở khu vực nuôi cá. Đặc biệt, Gia Lai đang hướng tới phát triển các sản phẩm thủy sản an toàn, các giống cá đặc sản bản địa, song song với huy động nguồn lực xã hội để phát triển HTX, tổ hợp tác thủy sản, liên kết trong tiêu thụ, qua đó làm tăng tỷ trọng của ngành thủy sản đối với phát triển kinh tế địa phương." Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai chia sẻ.