Theo tuyên bố chung được ký kết giữa một số thành viên NATO và Ukraine, Mỹ, Đức và Romania sẽ cung cấp cho Ukraine 3 khẩu đội Patriot mới, trong khi Hà Lan và các đối tác khác sẽ cung cấp các linh kiện để "cho phép vận hành thêm một khẩu đội Patriot nữa". Italy cũng cam kết viện trợ cho Ukraine một hệ thống SAMP-T mới.
"Ngoài ra, trong những tháng tới, Mỹ và các đồng minh dự định cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật, bao gồm các hệ thống NASAMS, HAWK, IRIS T-SLM, IRIS T-SLS và Gepard", tuyên bố cho biết. Nhìn chung, Washington hứa sẽ cung cấp thêm cho Ukraine "hàng trăm tên lửa đánh chặn trong năm tới".
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, ông Biden khẳng định rằng Mỹ sẽ ưu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine. "Mỹ sẽ đảm bảo rằng khi chúng tôi xuất khẩu các tên lửa đánh chặn quan trọng, Ukraine sẽ nhận được đầu tiên", Tổng thống Biden nói, đồng thời tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tại một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi giới lãnh đạo Mỹ ở Washington đừng chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 mới viện trợ cho Ukraine.
Trong nhiều tháng qua, Kiev đã liên tục cảnh báo rằng số lượng hệ thống phòng không được phương Tây cung cấp cho đến nay gần như không đủ để ngăn chặn hiệu quả các cuộc không kích của Nga. Tổng thống Zelensky hồi tháng 4/2024 kêu gọi NATO rằng Ukraine cần thêm ít nhất 7 khẩu đội Patriot hay các hệ thống phòng không tương tự. Kể từ năm 2023, Moscow đã thông báo phá hủy một số bệ phóng Patriot của Ukraine.
Nga cho rằng việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine không chỉ không thể thay đổi cục diện cuộc chiến, mà còn có thể kéo các nước này vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.