Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết, nền kinh tế tiều tụy Triều Tiên, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này đang ngày một co lại.
Trước đó, GDP của Triều Tiên chỉ tăng trưởng 0,4% vào năm 2019, sau khi sụt giảm 4,1% vào năm 2018 và 3,5% vào năm 2017.
Tuy nhiên vào năm ngoái, quốc gia trên 25 triệu dân đã trải qua một đợt suy thoái kinh tế được cho là tồi tệ nhất kể từ năm 1997, khi GDP tiếp tục sụt giảm tới 6,5% trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát động "một cuộc hành quân gian khổ" (thuật ngữ được Bình Nhưỡng sử dụng để mô tả những khó khăn của người dân trong nạn đói những năm 1990) để vượt qua thách thức.
Một quan chức BOK cho hay, sự suy thoái kinh tế của Triều Tiên vào năm ngoái là do "các lệnh trừng phạt tăng cường của Liên Hợp quốc, cộng với điều kiện thời tiết khí hậu bất lợi gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là việc đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19".
“Thương mại quốc tế của Triều Tiên bị giảm 73,4% trong năm 2020, xuống còn 860 triệu USD do các tàu hàng đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này bị hạn chế vì đại dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu của miền Bắc chỉ đạt khoảng 90 triệu USD, giảm 67,9% so với năm 2019, trong khi nhập khẩu là 770 triệu USD, giảm 73,9% so với một năm trước đó”, BOK cho biết.
Tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên danh nghĩa của Triều Tiên chỉ ở mức 35 nghìn tỷ won (30,1 tỷ USD) vào năm 2020. Con số này chỉ tương đương 1,8% GNI của Hàn Quốc. Trong khi GNI bình quân đầu người của miền Bắc vào năm 2020 ở mức 1,38 triệu won, tương đương với 3,7 phần trăm của miền Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, người vừa có chuyến công du Hàn Quốc để đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên, cũng đã cảnh báo về tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực do đại dịch COVID-19 tại quốc gia nghèo nhất Đông Á.
Bà Sherman nói với các phóng viên ở Seoul: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với người dân CHDCND Triều Tiên, những người thực sự đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn nhất do đại dịch gây ra, và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh lương thực của họ”.