Tên lửa đẩy mang vệ tinh Nga lên quỹ đạo năm 2014. Ảnh: Roscosmos. |
Nga tuyên bố đưa thành công ba vệ tinh liên lạc Kosmos-2530, Kosmos-2531 và Kosmos-2532 cùng một tầng tên lửa đẩy lên quỹ đạo Trái đất trong vụ phóng được thực hiện hôm 30/11 tại trạm vũ trụ Plesetsk Cosmodrome, miền tây nước này, theo Drive.
Tuy nhiên, Trung tâm Tác chiến Không gian Hỗn hợp Mỹ (CSpOC) phát hiện có tổng cộng đến 5 vật thể được Nga đưa vào vũ trụ trong vụ phóng. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng này có thể do tầng trên của tên lửa đẩy bị vỡ làm đôi hoặc Moskva đã phóng kèm một vệ tinh quân sự mà không công bố.
Giới quan sát phương Tây nhận định phát hiện của CSpOC rất đáng lo ngại, bởi Nga từng nhiều lần bị cáo buộc phóng vệ tinh "được vũ khí hóa" hoặc gây ảnh hưởng tới hoạt động vũ trụ của các quốc gia khác lên quỹ đạo.
Hồi đầu năm, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Yleem Poblete nhận định rằng các hoạt động bất thường của vệ tinh Nga trong vũ trụ có thể là bằng chứng cho thấy Moskva đang chuẩn bị triển khai một hệ thống vũ khí laser mới.
Quan chức Mỹ ám chỉ tới vụ phóng vệ tinh được Nga công bố giữa năm ngoái, tiếp nối các vệ tinh Kosmos-2491, Kosmos-2499 và Kosmos-2504 được đưa lên không gian trong giai đoạn 2013-2015. Moskva khẳng định 4 vệ tinh này chỉ có chức năng đánh giá hư hại và sửa chữa những hệ thống thăm dò trên vũ trụ, trong khi Washington cho rằng chúng có thể là những "sát thủ không gian" chuyên phá hủy vệ tinh đối phương.
Nhà phân tích Joseph Trevithick cho rằng những vệ tinh có khả năng áp sát và tương tác với thiết bị khác trên vũ trụ đều có thể trở thành loại vũ khí nguy hiểm. "Chúng có thể lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy hoàn toàn hoặc gây hư hại các thiết bị nhạy cảm trên vệ tinh. Kích thước nhỏ cho phép loại vệ tinh sửa chữa này ẩn nấp gần các vật thể khác, đặc biệt là những khối 'rác vũ trụ' ở quỹ đạo gần Trái Đất", Trevithick nhận định.
Các chuyên gia cũng nghi ngờ vệ tinh Nga có thể mang hệ thống tác chiến điện tử hoặc vũ khí laser nhằm vô hiệu hóa mạng lưới vệ tinh trinh sát và cảnh báo sớm. Chúng thậm chí còn có thể chặn tín hiệu và chèn thông tin giả vào dữ liệu của đối phương. Điện Kremlin đến nay chưa bình luận về thông tin do CSpOC đưa ra.