| Hotline: 0983.970.780

'Ngắc ngoải' vì ô nhiễm

Thứ Năm 20/08/2015 , 07:49 (GMT+7)

Hàng nghìn hộ dân quanh bãi rác phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang phải sống "ngắc ngoải" vì ô nhiễm hơn 15 năm qua.

Nuôi cá, cá chết, lúa cấy thì mất mùa, bơm nước tưới vườn, cây lụi dần, đêm ngủ phải đeo khẩu trang …, đó là tình cảnh “sống dở chết dở” của hàng nghìn hộ dân quanh bãi rác phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) hơn 15 năm qua.

Bỏ nhà vì ô nhiễm

Là người sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Trung Sơn, ông Nguyễn Hữu Hào nhớ như in năm 1997 về trước, môi trường sống ở Trung Sơn cực kỳ sạch sẽ, trong lành. Chiều chiều từ người già đến trẻ nhỏ kéo nhau ra sông Đơ tắm rửa, giặt giũ, nước sinh hoạt bơm từ giếng khoan, giếng đào lên trong veo, không một chút gợn.

 “Thế nhưng từ năm 2000 đến nay, môi trường ở đây bị đầu độc nghiêm trọng. Rác thải của cả thị xã tập trung về bãi chứa rác của phường, qua thời gian thẩm thấu xuống đất, chảy ra sông Đơ, khiến cả con sông dài hàng chục cấy số đen ngòm, chẳng ai còn dám lội xuống nữa. Thậm chí, hôm nào trở trời cá lại chết nổi trắng sông”, ông Hào cho biết.

Tuy chưa có xét nghiệm nào đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường do bãi rác phường Trung Sơn gây ra, nhưng theo ông Hào nguồn nước bị ô nhiễm đã thấy rõ bằng mắt thường, ảnh hưởng trực tiếp đến trồng trọt, chăn nuôi của bà con nông dân.

“Năm 1995 gia đình tôi được đánh giá là hộ dẫn đầu thị xã Sầm Sơn về chăn nuôi. Mỗi năm tôi xuất bán hàng nghìn con lợn, gà, vịt cùng hàng tấn cá.

Đùng một cái, từ năm 2000 đến nay cá thả xuống ao là chết hết, vịt, gà cũng chết sạch. Chúng tôi càng đầu tư càng thua lỗ nên phải bỏ chăn nuôi đi làm việc khác”, ông Hào nói.

Ngoài hộ ông Hào, hàng chục hộ dân khác trong vùng cũng lần lượt giã từ nghề chăn nuôi; nhiều diện tích đất hai lúa quanh bãi rác phải bỏ hoang vì lúa cấy xuống không thể sống nổi.

Thậm chí, có 3 hộ dân phải bỏ nhà ra đi vì không thể chịu cảnh ô nhiễm môi trường là bà Lệ, thôn Khanh Tiến – phường Trung Sơn; ông Lý, thôn Long Sơn, bà Xuân, thôn Đồng Xuân – phường Bắc Sơn.

08-51-14_2
Một nhà dân phải bỏ đi do ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Ngọc Ký, thôn Đồng Xuân nói: “Hôm nay các chị xuống họ mới lấp đất nên đỡ mùi chứ bình thường đứng ở đây chỉ có nôn ra. Chúng tôi đã phải sống cùng bãi rác này hơn 15 năm nay rồi”.

Theo ông Ký, nhà ông chỉ cách bãi rác tầm 200 m. Vừa rồi ông đào giếng để lấy nước tưới cây ăn quả nhưng càng tưới cây càng còi cọc, lụi tàn. Khi ông bơm nước vào chậu, chỉ một lúc sau nước đóng váng vàng khè.

“Chúng tôi phải đóng mỗi hộ hơn 5 triệu đồng kéo đường ống nước sạch về sử dụng. Khổ nỗi, do đường ống xa nhà máy nên nhiều hôm mất nước phải xách can đi hơn 1 cây số xin nước về nấu ăn, tắm rửa. Khổ ghê gớm”, ông Ký thở dài.

Được biết, tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác phường Trung Sơn gây ra đã được người dân kiến nghị bằng đơn thư, trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Hữu Hào, mỗi khi trái gió trở trời, đêm đến hàng trăm hộ dân thuộc các xã Quảng Châu (huyện Quảng Xương), phường Bắc Sơn, Trường Sơn, Trung Sơn (TX Sầm Sơn) phải đeo khẩu trang để ngủ, ăn cơm phải đóng kín cửa tránh ruồi, muỗi.

Còn nguồn nước, ngoài các phường bao quanh bãi rác thì các xã ven sông Đơ từ Quảng Tiến đến Quảng Vinh (huyện Quảng Xương) đều phải chịu chung cảnh ô nhiễm.

Bất cập từ quy hoạch

Mặc dù người dân đã kiến nghị “phải di dời dân hoặc di dời bãi rác” để bà con ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của khu du lịch biển Sầm Sơn nên mỗi ngày hàng tấn rác thải vẫn nườm nượp chất lên thành đống, tra tấn người dân nơi đây.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng BQL dự án xây dựng công trình thị xã Sầm Sơn thừa nhận: “Dân kêu ô nhiễm là không sai”.

08-51-14_3
Ngoài bãi xử lý chất thải rắn, người dân nơi đây còn phải sống chung với khu hồ chứa nước thải của toàn thị xã Sầm Sơn

Về hướng xử lý tới đây, theo ông Quang là chờ bãi chứa rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn hoàn thành thì sẽ đóng cửa bãi rác Trung Sơn. Khi được hỏi: Dự kiến khi nào bãi rác xã Đông Nam hoàn thành, ông Quang nói: “Chắc là vài ba năm nữa. Cái này còn phụ thuộc vào nguồn vốn...”.
Vậy nên nếu đúng như ông Quang trả lời, thì người dân quanh bãi rác phường Trung Sơn còn phải sống chung với ô nhiễm dài dài.

Đồng thời, cho biết, tháng 8/2014 Ban được giao thực hiện dự án xây dựng bãi rác phường Trung Sơn 0,3 ha với tổng mức đầu tư 25,7 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường, nhằm làm giảm ô nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.

“Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành, người dân rất đồng tình hoan nghênh”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV thì không đúng như lời ông Quang nói, dự án vẫn đang xây dựng, đường vào bãi xử lý rác chưa xong, bờ tường chưa bao kín. Đặc biệt, theo người dân phản ánh, hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện nên nước thải vẫn xả thẳng ra sông Đơ.

Việc người dân bỏ nhà đi vì ô nhiễm môi trường có hay không?, ông Quang trả lời: “Chỉ có mấy nhà dân ở gần bãi rác nhưng họ không ý kiến gì. Đó chỉ là một hai nhà ở tạm (?!)”.

Đối với diện tích lúa bỏ hoang, ông Quang cho hay: “Lúa ở đấy không ảnh hưởng gì. Họ vẫn trồng bình thường? Dân bỏ ruộng do năng suất thấp chứ không phải do ô nhiễm môi trường. Tôi nghĩ thế vì tôi không đi khảo sát”.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, việc quy hoạch bãi xử lý rác thải phải cách khu dân cư ít nhất 1.000 m. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, bãi rác phường Trung Sơn chỉ cách nhà dân chừng 200 – 300 m.

Ngay như ông Quang cũng khẳng định: “Việc quy hoạch nghĩa trang, bãi xử lý rác phải có khoảng cách ly, giới hạn nhất định nhưng cái này (bãi rác Trung Sơn) do tồn tại từ ngày xưa của các lãnh đạo trước nên bây giờ chúng tôi đang tìm cách khắc phục dần”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.