| Hotline: 0983.970.780

Ngạc nhiên với những mô hình 'thuận thiên' mùa nước nổi thu nhập bạc tỷ

Thứ Hai 08/11/2021 , 19:47 (GMT+7)

ĐBSCL Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn hiện nay, nhiều nông dân ĐBSCL đã sáng tạo và thích ứng với các mô hình trồng lúa, nuôi cá, tôm, cua… theo tự nhiên.

Cá linh nuôi trong ruộng lúa mùa nổi 11ha của anh Bùi Trí Nhân ở phường An Bình B, TP Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Văn Vũ.

Cá linh nuôi trong ruộng lúa mùa nổi 11ha của anh Bùi Trí Nhân ở phường An Bình B, TP Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Văn Vũ.

Tại vùng biên giới Tây Nam, trên địa phận phường An Bình B, TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) lần đầu tiên xuất hiện mô hình nuôi cá linh non, tôm càng xanh kết hợp trồng lúa mùa nổi với diện tích 11ha khá độc đáo do anh Bùi Trí Nhân làm chủ.

Anh Nhân cho biết, một dịp tình cờ biết được chủ trương của TP Hồng Ngự đang triển khai các mô hình sinh kế mùa nước nổi 2021. Anh nhận thấy đất ruộng nhà mình phù hợp và bản thân cũng đang háo hức thay đổi hướng làm ăn nên đã chuyển đổi đất thuần lúa sang mô hình mới.

Nông dân không cần chăm sóc cá, tôm dưới nước, trên ruộng lúa không cần đầu tư phân bón hay phun thuốc BVTV mà vẫn cho thu nhập ổn định và thậm chí thu nhập tăng 1-2 lần so với sản xuất độc canh cây lúa như trước đây.

Ăn xong vụ lúa đông xuân 2021, anh cải tạo đất, làm bờ bao vững chắc, rồi đặt mua khoảng 5 triệu con cá linh bột ở Trường Đại học Đồng Tháp mang về thả vào ruộng nuôi. Tiếp đó, anh bơm thêm nước vào tạo nguồn dinh dưỡng cho cá linh mà không cần phải cung cấp thức ăn. Thông thường cá linh non đánh bắt ngoài tự nhiên trong mùa lũ thường bán vào thời điểm đầu vụ từ tháng 7 đến tháng 9 với giá rất cao từ 180-250 ngàn đồng/kg. Vì vậy anh Nhân đã canh thời điểm đó và thả giống nuôi cá linh non thu hoạch bán vào đầu vụ giống như cá linh ngoài tự nhiên đánh bắt.

Cá linh nuôi theo tự nhiên trong ruộng lúa chỉ sau 30 ngày anh thu hoạch được 2,2 tấn cá và bán với giá 130 ngàn đồng/kg cho thương lái đến tận nơi thu mua. Mô hình nuôi cá linh non trong ruộng lúa đã cho lợi nhuận gần 300 triệu đồng, tương đương số tiền anh trồng lúa 2 vụ/năm trước đây với diện tích 11 ha.  

Sau khi thu hoạch cá linh, anh Nhân tiếp tục tận dụng nguồn lợi có sẵn để trồng lúa mùa nổi và nuôi tôm càng xanh. Hiện nay ruộng anh đang canh tác 3 giống lúa mùa nổi khác nhau để kiểm chứng, chọn giống tốt nhất cho vụ sau. Đặc biệt giống lúa mùa nổi này có đặc tính mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, nước cao đến đâu cũng có thể vượt lên được để cho bông.

Tôm càng xanh nuôi kết hợp trong ruộng lúa mùa nước nổi. Ảnh: Văn Vũ.

Tôm càng xanh nuôi kết hợp trong ruộng lúa mùa nước nổi. Ảnh: Văn Vũ.

Cùng thời điểm xuống giống lúa, anh Nhân cũng thả khoảng 300.000 con tôm càng xanh ở ao bên cạnh. Sau 3 tháng, anh lựa những con tôm to bằng ngón tay, bẻ bớt càng để tôm phát triển phần thịt và thả vào ruộng lúa nuôi tiếp. Số tôm nhỏ sẽ tiếp tục nuôi trong ao. Hiện tôm càng xanh nuôi theo tự nhiên trong ruộng lúa đang phát triển tốt và đạt trọng lượng từ 70 - 80 con/kg. Anh dự tính số tôm này sẽ được xuất bán cùng thời điểm thu hoạch lúa mùa nổi vào dịp cuối năm nay.

Anh Nhân cho biết thêm, tôm trong ruộng ăn trứng nước và các loại rong rêu để phát triển, hoàn toàn không tốn chi phí thức ăn, chất lượng thịt lại rất ngon. Ngoài ra, anh còn lấy nước từ ngoài sông vào ruộng nên lượng cua, cá tự nhiên cũng vào theo rất nhiều. Riêng đối với con cua đồng sống tự nhiên trong ruộng lúa hàng ngày anh thu hoạch từ 100 - 200kg bán cho thương lái cũng kiếm từ 500 - 600 ngàn đồng.

Anh Nhân khoe với chúng tôi, Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ triển khai. Anh tính toán sau khi trừ hết chi phí, mô hình kết hợp nuôi tôm, cá, cua và trồng lúa mùa nổi năm 2021 này sẽ đem lại lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm.

Riêng đối với con cua đồng sống tự nhiên trong ruộng lúa hàng ngày anh Nhân thu hoạch từ 100-200kg bán cho thương lái cũng kiếm từ 500-600 ngàn đồng. Ảnh: Văn Vũ.

Riêng đối với con cua đồng sống tự nhiên trong ruộng lúa hàng ngày anh Nhân thu hoạch từ 100-200kg bán cho thương lái cũng kiếm từ 500-600 ngàn đồng. Ảnh: Văn Vũ.

Sang năm 2022, anh Nhân tiếp tục triển khai mô hình sản xuất kết hợp theo thuận thiên. Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, nuôi 2 vụ cá linh non, dự kiến thu hoạch khoảng 8 tấn cá, với giá trên 130.000 đồng/kg có thể thu 1 tỷ đồng. Sau đó gieo sạ lúa mùa và nuôi tôm càng xanh. Đến tháng 2 của năm sau, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn lúa mùa nổi và 5 - 6 tấn tôm càng xanh. Nếu bán lúa với giá 160 ngàn đồng/kg, tôm 150 -180 ngàn đồng/kg, thu trên 1 tỷ đồng. Như vậy, với diện tích trên 11ha của anh Nhân có thể thu hoạch cá linh, tôm, lúa, cua trên 3 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Két ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) lại chọn mô hình trồng cây điên điển và cây cà na xung quanh cánh đồng rộng 15ha. Vì 2 loại cây này không cần chăm sóc vẫn cho thu nhập hàng tuần từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Ông Két phấn khởi cho biết: Vụ lúa thu đông năm nay gia đình thực hiện canh tác lúa theo mô hình công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” để giảm chi phí đầu vào như phân bón và thuốc BVTV. Xung quanh các bờ đê ruộng ông trồng thêm cây cà na, bông điên điển vừa bảo vệ đê không cho sạt lở đất mà còn dẫn dụ nhiều thiên địch có lợi rất tốt để tiêu diệt thiên địch có hại nhằm bảo vệ lúa thu đông đang canh tác. Đồng thời 2 loại cây này sống theo tự nhiên nó tạo thu nhập có đồng ra đồng vào rất ổn định lo cho gia đình chuyện chợ búa và cơm nước hàng ngày.

Mô hình trồng bông điên điển xung quanh bờ đê ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Két ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) để thích nghi trong mùa lũ cạn cho thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Vũ.

Mô hình trồng bông điên điển xung quanh bờ đê ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Két ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) để thích nghi trong mùa lũ cạn cho thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Vũ.

Nhờ áp dụng theo mô hình “ruộng lúa bờ hoa” vụ lúa này gia đình ông Két giảm từ 1-2 cữ phun thuốc BVTV phòng trị sâu rầy và giảm từ 10-15kg phân bón/công ruộng so với trước đây. Từ đó giúp gia đình giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành tăng thu nhập và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp và An Giang, trong mùa lũ năm nay do nước về không nhiều và muộn vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh luôn tạo điều kiện và hỗ trợ các mô hình sinh kế để nông dân không còn bám theo con nước lũ để mưu sinh như trước đây nữa. Giờ đây bà con nông dân rất nhạy bén chuyển đổi sang các mô hình sinh kế mùa nước nổi như nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi cá linh kết hợp lúa mùa, nhử cá đồng mùa nước, trồng bông điên điển, rau nhút và cây cà na... Tất cả đều theo tự nhiên nên nông dân không tốn tiền đầu tư nhiều. 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.