| Hotline: 0983.970.780

Lúa mùa nổi không phân, không thuốc

Thứ Ba 02/11/2021 , 08:30 (GMT+7)

Lúa mùa nổi ĐBSCL cho năng suất thấp nhưng lợi nhuận lại cao bởi nông dân hầu như không bón phân, không phun thuốc BVTV, không cực công chăm sóc mà vẫn lãi 3,5 triệu/công.

Sản xuất lúa mùa nổi ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Sản xuất lúa mùa nổi ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Lúa mùa nổi được người dân vùng ĐBSCL trồng trước năm 1985, (floating rice) là tên gọi giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo. Nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón, không thuốc trừ sâu, gieo sạ vào tháng 5 âm lịch... Cây lúa tự ngậm sương mà nẩy mầm, rồi lớn.

Bài liên quan

Khi nước lũ từ sông Mekong đổ về, nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó từ 3 – 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông... Hiện toàn vùng ĐBSCL có trên dưới 300ha tập trung tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú (An Giang), huyện Tam Nông, Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Tân Hưng (Long An)…mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn lúa thương phẩm.

Th.S Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Trường Đại học An Giang) có nhiều năm gắn bó và nghiên cứu giống lúa mùa nổi ở ĐBSCL nhận định: Đặc điểm của cây lúa mùa nổi là thân dài, thích ứng tốt trong điều kiện ngập sâu.

Mặc dù lúa mùa nổi cho năng suất thấp nhưng lợi nhuận lại cao bởi nông dân hầu như không phải bón phân, phun thuốc BVTV hay cực công chăm sóc. Với năng suất dù chỉ đạt 2 tấn/ha, nhưng sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được doanh nghiệp bao tiêu, sản lượng thường không đủ đáp ứng cho thị trường.

Lúa mùa nổi ĐBSCL rất tốt tươi dù không hề phải bón bất kỳ loại phân, thuốc BVTV nào. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Lúa mùa nổi ĐBSCL rất tốt tươi dù không hề phải bón bất kỳ loại phân, thuốc BVTV nào. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Bình quân mỗi vụ, nông dân trồng lúa mùa nổi lãi trên 3,5 triệu đồng/công/vụ 6 tháng, hiệu quả từ bằng đến cao hơn so với lúa cao sản theo truyền thống dùng phân và thuốc BVTV hóa học như hiện nay.

Bài liên quan

Còn vào mùa khô, sau khi thu hoạch xong lúa mùa nổi, người dân tận dụng gốc rạ có sẵn của lúa mùa nổi để trồng một số cây hoa màu khác để tăng thêm thu nhập như: Cây kiệu cho lợi nhuận từ 22 - 24 triệu/công/vụ; trồng ớt đạt 16,5 triệu đồng/công/vụ; bí hồ lô khoảng 4,8 triệu đồng/công/vụ; khoai mì 3,1 triệu đồng/công/vụ…

Để phát triển lúa mùa nổi ở ĐBSCL, mới đây Tập đoàn Lộc Trời cùng UBND huyện Tân Hưng (Long An) đã ký kết hợp tác sản xuất giống lúa mùa nổi ở ĐBSCL khoảng 100 ha được canh tác theo quy trình bền vững.

Từ đầu tháng 8/2021, đội bay của Công ty Quản Nông Xanh thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành sử dụng drone sạ giống lúa mùa nổi 100 ha thuộc xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) với lượng giống khoảng 80 kg/ha bằng thiết bị bay không người lái, thay vì sạ bằng tay như thói quen trước đây của bà con nông dân gần 200 kg/ha.

Trong kế hoạch liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Lộc Trời và huyện Tân Hưng, việc canh tác lúa mùa nổi của bà con nông dân sẽ có sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” để cung cấp các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý đồng ruộng trong suốt quá trình liên kết.

Bình quân mỗi vụ nông dân trồng lúa mùa nổi lãi trên 3,5 triệu đồng/công/vụ, hiệu quả từ ngang bằng đến hơn lúa cao sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Bình quân mỗi vụ nông dân trồng lúa mùa nổi lãi trên 3,5 triệu đồng/công/vụ, hiệu quả từ ngang bằng đến hơn lúa cao sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Cuối vụ, Tập đoàn Lộc Trời đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản lượng sau thu hoạch. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng sẽ hỗ trợ HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng lúa và nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi trên thị trường.

Dự kiến từ đây đến khi thu hoạch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, các kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” sẽ sát cánh cùng bà con để chăm sóc, quản lý suốt mùa vụ, tiếp tục ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào canh tác. 

Trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường, với 2 mùa phân hóa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô ở ĐBSCL, việc hồi sinh hệ sinh thái nông nghiệp lúa mùa nổi được xem là giải pháp nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, "nói không" với việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV mà lúa vẫn cho năng suất, lợi nhuận, hiệu quả kinh tế chấp nhận được. Việc sản xuất mô hình lúa mùa nổi này, đồng thời còn tạo sinh kế ổn định cho người dân mỗi mùa nước nổi về.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.