| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn dịch bệnh dịp cuối năm: [Bài 3] Lấy hiện đại hóa làm 'khiên chắn' bảo vệ đàn vật nuôi

Thứ Tư 23/10/2024 , 07:00 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu Định hướng của ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ giới hóa ngành chăn nuôi nhằm tạo ‘khiên chắn’ vững chắc bảo vệ đàn vật nuôi trước các mối nguy dịch bệnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu có 34 vùng chăn nuôi tập trung gắn với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại. Ảnh: Lê Bình.

Bà Rịa - Vũng Tàu có 34 vùng chăn nuôi tập trung gắn với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại. Ảnh: Lê Bình.

“Khiên chắn” cho vật nuôi

Những năm qua, không ít các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong chăn nuôi. Việc thực hiện các giải pháp này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần giải bài toán về lao động, giảm chi phí, đảm bảo cho đàn vật nuôi môi trường sinh trưởng khỏe mạnh và góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Trang trại nuôi gà trong chuồng lạnh của ông Vũ Văn Thanh (ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 100 tấn gà thương phẩm. Trang trại có 8 khu nuôi gà được xây dựng khép kín, nhiệt độ bên trong được điều chỉnh theo độ tuổi của gà, hệ thống thức ăn và nước uống hoàn toàn tự động.

Nhờ đó, mỗi năm trang trại nuôi từ 4 - 5 lứa gà, tỉ lệ hao hụt thấp. Trọng lượng gà cao hơn hẳn so với nuôi cùng thời gian với chuồng hở. Mỗi trại của ông Thanh đang nuôi hơn 30.000 con gà, nhưng chỉ cần có 2 nhân công.

“Với việc áp dụng công nghệ vào trong quá trình chăn nuôi thì nó sẽ giảm ảnh hưởng về độ thiệt hại. Cụ thể là mình có thể điều khiển được tất cả mọi thứ, kể cả mầm bệnh của vật nuôi. Nếu mà mình nuôi theo kiểu truyền thống thì mầm bệnh tồn dư ở bên ngoài không có kiểm soát được. Do đó, nó sẽ ảnh hưởng tới phần kinh tế của người nuôi rất nhiều”, ông Thanh cho hay.

HTX Chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát, hiện có 4 trang trại nuôi gà công nghệ cao với quy mô 720.000 con gà tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc. Các trang trại này đang tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty TNHH De Hues Hà Lan để sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ gà cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Mô hình nuôi gà lông trắng trong chuồng lạnh của HTX Chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát tại huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Lê Bình.

Mô hình nuôi gà lông trắng trong chuồng lạnh của HTX Chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát tại huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Lê Bình.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX cho biết, với việc chăn nuôi trong chuồng lạnh và quy trình khép kín thì các lứa gà luôn được phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, đảm bảo năng suất và kế hoạch đề ra.

Việc liên kết sản xuất với các công ty lớn còn giúp hợp tác xã được đảm bảo về con giống khỏe mạnh, thức ăn chăn nuôi đủ tiêu chuẩn và bao tiêu về đầu ra. Đồng thời, mỗi trang trại sẽ có bác sĩ thú y giám sát, hướng dẫn chủ trang trại cách cho gà ăn và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình.

Ngay khi gà giống được nhập về nuôi, trang trại tiến hành ghi nhật ký điện tử về quá trình nuôi trên hệ thống phần mềm quản lý thông minh. Quá trình nuôi, xuất chuồng và đến tay người tiêu dùng thì được gắn tem truy xuất nguồn gốc QRCode để người tiêu dùng có thể biết gà mua được nuôi ra sao, ngày nuôi ăn thức ăn gì được.

“Chúng tôi nuôi gà theo tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản nên luôn đặt vấn đề kiểm soát dịch bệnh, sức khỏe con gà lông trắng lên hàng đầu. Với khoảng 3 triệu con/ lứa, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ và mọi quy trình chăn nuôi rất minh bạch. Đưa công nghệ vào trong sản xuất giúp chúng tôi tiết kiệm nhân công, tăng năng suất lên mà chi phí sản xuất lại hạ xuống”, ông Lê Văn Quyết nói.

Có thể nói, việc sử dụng công nghệ kĩ thuật vào trong chăn nuôi đang giúp con người quản lý tốt hơn cho vật nuôi. Nó không chỉ giúp con người chặn đứng được những nguy cơ nhiễm bệnh, ngược lại giúp đàn vật nuôi sinh trưởng tốt dù thời tiết có ẩm ương.

Tính đến đầu tháng 10/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu có 177 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó, có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Các công nghệ tự động hóa được sử dụng chủ yếu gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi.

Ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh trong suốt quá trình sinh trưởng mà chủ trang trại cũng giảm được chi phí đầu vào. Ảnh: Lê Bình.

Ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh trong suốt quá trình sinh trưởng mà chủ trang trại cũng giảm được chi phí đầu vào. Ảnh: Lê Bình.

Hiện đại hoá để phát triển bền vững

Thời gian qua, ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn gắn với việc ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Hướng đi này nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển ngành chăn nuôi bền vững của tỉnh.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch 34 vùng chăn nuôi tập trung tại thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc và Long Điền. Các trang trại ứng dụng công nghệ cao cũng được xây dựng nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu, trong số này mới chỉ có 1 đơn vị được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tới đây, UBND tỉnh đề nghị công nhận các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

“Với việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, các trang trại này không chỉ đảm bảo tốt đàn vật nuôi của mình được an toàn trước dịch bệnh mà còn đang thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống. Chúng tôi tin rằng, những trang trại này vẫn đảm bảo kế hoạch sản xuất, năng suất thực phẩm phục vụ thị trường cuối năm”, ông Nguyễn Xuân Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, các trang trại ứng dụng công nghệ cao còn giúp tạo ra các tiểu vùng khí hậu, đáp ứng và duy trì được môi trường nuôi ổn định. Từ đó dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, ít bệnh hơn. Từ đó, năng suất nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh được nâng cao, kéo theo việc thu nhập của người nuôi cao hơn.

Hệ thống camera giám sát và sức khỏe trong trang trại gà lông trắng vừa tiết kiệm nhân lực, vừa đảm bảo việc can thiệp y tế cho vật nuôi luôn kịp thời. Ảnh: Lê Bình.

Hệ thống camera giám sát và sức khỏe trong trang trại gà lông trắng vừa tiết kiệm nhân lực, vừa đảm bảo việc can thiệp y tế cho vật nuôi luôn kịp thời. Ảnh: Lê Bình.

Nhằm nâng tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đối với các mô hình chăn nuôi nhỏ và vừa, Sở NN-PTNT cũng triển khai cho vay vốn nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

“Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phù hợp với chủ trương xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và bảo đảm về môi trường, tạo tiền đề để ngành chăn nuôi phát triển bền vững”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định.

Một số trang trại trên địa bàn tỉnh cũng đang chú tâm hơn trong việc chăn nuôi phúc lợi động vật. Đây là yếu tố không thể thiếu trong chăn nuôi bền vững. Phúc lợi động vật còn giúp vật nuôi ít phải sử dụng đến kháng sinh, là tiêu chí quan trọng đáp ứng hàng rào kĩ thuật của một số thị trường xuất khẩu khó tính.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, vùng đã được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.