| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục

Thứ Tư 07/04/2021 , 08:00 (GMT+7)

Trong vòng 1 tháng, đã có đến 108 con trâu, bò của 1 huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 3 con đã chết và tiêu hủy.

Huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò ở 6 xã, thị trấn với 108 con gia súc mắc mệnh. Ảnh: L.K.

Huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò ở 6 xã, thị trấn với 108 con gia súc mắc mệnh. Ảnh: L.K.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này bắt đầu xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò từ đầu tháng 3/2021. Ban đầu, bệnh được ghi nhận tại 8 hộ chăn nuôi ở xã Bình Long. Đến nay bệnh đã bùng phát ra 98 hộ, 12 thôn, 6 xã (Bình Long, Bình Hiệp, Bình Hòa, Bình Phước, Bình Thanh và thị trấn Châu Ổ) của huyện Bình Sơn.

Đây là lần đầu tiên, người chăn nuôi gia súc ở tỉnh Quảng Ngãi gặp phải dịch bệnh này khiến họ rất lúng túng trong việc điều trị. Nếu không kịp thời có những giải pháp ngăn ngừa, dập dịch sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế khi giá trị của mỗi con gia súc đối với người nông dân là rất lớn.

Chị Lê Thị Thu Hòa (trú thôn Long Bình, xã Bình Long, huyện Bình Sơn) cho biết, cuối tháng 3 vừa rồi, gia đình vô cùng lo lắng khi thấy 6 con bò của mình có hiện tượng da nổi u cục, các khớp chân sưng to và bỏ ăn. “Sau đó, tôi đã báo cho cán bộ thú y đến kiểm tra thì mới biết được đàn bò nhà mình mắc bệnh viêm da nổi cục. Theo hướng dẫn, tôi cũng tiến hành các biện pháp để điều trị, nấu cháo cho chúng ăn, rải vôi gần khu vực nuôi nhốt nhưng những con nhỏ vì sức đề kháng yếu lại không ăn được nên đã có 1 con bị chết. Hiện tại, những con còn lại vẫn chưa có dấu hiệu khỏi bệnh”, chị Hòa nói.

Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết, về giải pháp hiện nay, Trung tâm đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trên địa bàn huyện biết sự nguy hiểm của căn bệnh này để họ biết phòng ngừa, ngăn chặn.

“Chúng tôi cũng yêu cầu người dân  không tổ chức bán chạy, không đến thăm, giao du để nhìn bệnh, không nên lơ là trong việc chăm sóc. trông coi gia súc. Việc nữa là chúng tôi cũng tổ chức cấp phát lượng hóa chất để phun tiêu độc, vệ sinh môi trường tổng thể nơi vùng có dịch bệnh cứ quy định 3 ngày phun 1 lần”, ông Khoa nói.

Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, tại Quảng Ngãi mới chỉ ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở huyện Bình Sơn với 108 con trâu, bò bị mắc. Trong đó có 3 con bị chết và đã được đưa đi tiêu hủy.

Sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngã đã tổ chức 1 cuộc họp với sự tham gia của toàn bộ các Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp các huyện trên toàn tỉnh. Yêu cầu các huyện rà soát và báo cáo lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn đồng thời phối hợp với Chi cục để cùng chống dịch.

“Vừa qua, chúng tôi cũng đã lấy mẫu xét nghiệm ở một số huyện khác như Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi… Kết quả cho thấy, ngoài huyện Bình Sơn các huyện, thành phố khác đều cho kết quả âm tính với dịch bệnh viêm da nổi cục.

Chúng tôi đã cấp cho huyện Bình Sơn 3.000 lít hóa chất để dùng phun, tẩy, sát trùng toàn bộ các hộ chăn nuôi. Đối với toàn tỉnh thì Chi cục cũng xuất ra khoảng 16.000 lít hóa chất để tổng vệ sinh các khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, Chi cục cũng đã đệ trình với UBND tỉnh xin mua khoảng 20.000 liều vắc xin viêm da nổi cục để tiêm phòng bao vây vùng có dịch” ông Hạ thông tin.

Cũng theo vị đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, cơ quan chức năng địa phương vẫn đang tích cực tuyên truyền các hộ chăn nuôi cách ly các đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm với những con còn khỏe mạnh để theo dõi.

Bên cạnh đó, nghiêm cấp việc di chuyển gia súc ra khỏi địa phương để hạn chế lây lan dịch bệnh. Khuyến khích các hộ chăn nuôi cho gia súc ăn thêm các chất bổ để tăng cường đề kháng. Vệ sinh chuồng trại thường xuyên, nhất là phải phun diệt công trùng ruồi, muỗi, ve bò. Kịp thời phát thiện các trường hợp gia súc bị bệnh, nghi bị bệnh để báo với chính quyền địa phương.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.