Trong nhận định 10 mảng kinh doanh nông nghiệp sinh lời nhất năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, từ cao xuống thấp gồm có chăn nuôi (319,2 tỷ USD), phân bón (196 tỷ USD)…đến canh tác chính xác (7 tỷ USD), canh tác thẳng đứng (3,9 tỷ USD). Tuy nhiên, có lẽ Ngân hàng Thế giới đã 'quên' tính đến mảng lan đột biến của Việt Nam bởi cứ như giá được rao của hàng ngàn, hàng vạn các vụ giao dịch trên mạng, tổng số phải đến cả chục tỉ USD (tương đương trên 230.000 tỉ đồng).
Cụ thể: Vào tháng 7/2020, cộng đồng chơi lan ầm ầm chia sẻ hình ảnh một chậu lan Juliet đã chuyển nhượng với mức giá 83 tỷ đồng tương đương cỡ gần 4 triệu USD cho một chủ nhân ẩn danh. Vào tháng 9/2020, vườn lan Chính Trương ở Phú Thọ đã rao bán cây lan Bướm Đại Ngàn với giá 100 tỷ đồng trên mạng tương đương cỡ gần 5 triệu USD nhưng không thành công. Vào tháng 12/2020, cộng đồng người chơi lan xôn xao về hình ảnh quay trực tiếp buổi chuyển nhượng 14 chậu lan quý gồm 5 cánh trắng Pleiku, 5 cánh trắng Cờ Đỏ, 5 cánh trắng Đại Cát, Thảo Chi, Hồng Chương Chi của một chủ vườn ở Hòa Bình mà giới thạo tin ước lượng tổng giá trị cỡ 200 tỉ, tương đương ngót 10 triệu USD.
Cũng trong tháng 12/2020, một nữ đại gia lan đột biến ở Quảng Ninh rao bán chậu lan Vĩnh Khang với giá 50 tỷ đồng trên mạng tương đương cỡ hơn 2 triệu USD. Sau Tết, tình hình thị trường lan đột biến im ắng một thời gian do dịch Covid rồi cơn sốt lại bùng lên vào tháng 3 với giao dịch kỷ lục, xô đổ giá mọi cuộc mua bán trước đó khi anh Bùi Hữu Thanh chủ vườn lan var Đất Mỏ loan tin bán cây Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ tương đương hơn 10 triệu USD.
Ở mức giá 'khiêm tốn' hơn của lan đột biến, cỡ 1 triệu USD tức hơn 20 tỉ đồng trên mạng có có hàng trăm cuộc giao dịch; mức 100.000 USD tức hơn 2 tỉ có hàng ngàn cuộc giao dịch; mức 10.000 USD thì không thể đếm xuể.
Bởi vậy, nhiều người hóm hỉnh nhận định Ngân hàng Thế giới đã thống kê 'sót' mảng kinh doanh lan đột biến của Việt Nam. Và đặc biệt hơn chỉ một mảng kinh doanh tại một quốc gia mà có thể “cân” hết cả mảng kinh doanh của toàn thế giới.