Trước đó Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, bệnh lở mồm long móng trên bò xảy ra trên địa bàn huyện Sông Hinh.
Theo đó, từ ngày 18/3 trên địa bàn huyện này có 224 con trâu, bò của 91 hộ bị mắc bệnh. Trong đó, thị trấn Hai Riêng có 34 con của 10 hộ; xã Đức Bình Tây có 122 con của 42 hộ và xã Ea Bia có 68 con của 39 hộ.
Ngay sau khi xảy ra bệnh lở mồm long móng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên đã phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, tiêm phòng bao vây đạt tỷ lệ 81% tổng đàn. Đồng thời, ngành thú y đã cử 4 cán bộ thú y cùng cán bộ Trạm Thú y huyện Sông Hinh trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách ly gia súc bị bệnh, tiến hành điều trị.
Bên cạnh đó, tỉnh sử dụng 427 lít thuốc sát trùng và 65 kg vôi bột thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường tại ổ dịch và khu vực lân cận mỗi ngày 1 lần, hạn chế người và phương tiện ra vào ổ dịch. Đồng thời tăng cường hoạt động đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, mua bán gia súc ra vào huyện; duy trì việc kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ gia súc trong huyện, nhất là tại các xã có dịch đang xảy ra nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và hạn chế việc phát tán mầm bệnh.
Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho trâu, bò định kỳ 2 lần/năm. Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi nếu thấy trâu, bò có các triệu chứng bệnh lở mồm long móng như bỏ ăn, chảy nước miếng, lở loét chân, miệng phải báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, qua theo dõi dịch bệnh từ ngày 19/4/2021 đến nay không phát sinh trường hợp mới và con bò khỏi bệnh cuối cùng đã qua 21 ngày. Do đó, căn cứ điều 31 Luật Thú y về điều kiện để công bố hết dịch, Chi cục thông báo trên địa bàn tỉnh Phú Yên không còn bệnh lở mồm long móng kể từ ngày 10/5/2021.