Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022, phê duyệt Đề án "Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030".
Mục tiêu trọng tâm, là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD năm 2030, trong đó kim ngạch trên 20,4 tỷ USD.
Chính phủ cũng giao chỉ tiêu giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.
Song song với tăng giá trị xuất khẩu gỗ này, Chính phủ yêu cầu ngành lâm nghiệp có trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Những mục tiêu kể trên dựa trên cơ sở là thành tích trong năm 2021 của ngành lâm nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020; xuất siêu khoảng 12,94 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Dù vậy, ngành lâm nghiệp còn gặp những khó khăn, vướng mắc như nguồn vốn đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng chưa tương xứng với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến còn hạn chế.
Trước thực tại đó, Đề án "Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất.
Chính phủ giao nhiệm vụ thành lập 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ; một Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế; ưu tiên phát triển các nguyên liệu phụ trợ như keo dán gỗ, chất sơn phủ, trang trí bề mặt thân thiện với môi trường và các dịch vụ logistics.
Trong bối cảnh, nguồn lực đầu tư hạn chế, ngành lâm nghiệp tập trung phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường như: đồ nội thất, ván nhân tạo, đồ mỹ nghệ, dăm gỗ.
Trên quan điểm xây dựng và phát triển thương hiệu "Gỗ Việt", Đề án khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu "Gỗ Việt", góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để đảm bảo và nâng cao nguồn nhân lực, Đề án nêu giải pháp đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo tại cơ sở nhằm thu hút hơn nữa người lao động; phấn đấu đào tạo lại từ 100.000 - 150.000 lao động ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Chính phủ giao Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện Đề án, sao cho phù hợp với Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch vùng; đồng thời phối hợp các Bộ: Công thương, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, cùng các đơn vị liên quan để triển khai có hiệu quả đề án.