| Hotline: 0983.970.780

Ngành hàng cá tra tái khởi động trong bộn bề khó khăn

Thứ Ba 16/11/2021 , 10:14 (GMT+7)

Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh nghiệp và nông dân đang bắt tay đẩy mạnh thả giống cá tra vào ao, tiến tới phục hồi sản xuất trong giai đoạn mới.

Nông dân và doanh nghiệp tăng tốc

Hiện nay, cả nông dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất cá tra đều đã khởi động trở lại. Người thì dọn ao chuẩn bị thả cá giống, người thì nuôi thúc đàn cá bố mẹ để chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới. 

Ông Lê Văn Thơm ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang) có 20 năm làm nghề nuôi cá giống. Sau khi tỉnh có chủ trương khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vợ chồng ông đã trở lại nông trại.

Để chuẩn bị cho quá trình sản xuất, ông Thơm đã thả cá bột, cung ứng cá giống ra thị trường, khởi đầu thời kỳ làm ăn mới được dự báo rất khó khăn. Giá thức ăn đang ở mức cao, nghề nuôi cá giống cần đến 70% vốn dành cho khâu này, trong khi nguồn vốn giờ đã cạn.

Sản xuất cá tra giống ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Sản xuất cá tra giống ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Theo ông Thơm, hiện giá cá tra thương phẩm đang ở mức thấp, con giống chưa có dấu hiệu tăng giá. Theo dự báo, sắp tới thị trường sẽ rất cần con giống, vì 2 năm qua, nhiều người đã bỏ nghề do thua lỗ, tạo cho thị trường một khoảng trống thiếu hụt. Khó khăn là vậy nhưng các doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh đã khởi động cho giai đoạn làm ăn mới một cách khẩn trương.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, để có thể phục hồi và phát triển bền vững ngành hàng cá tra hậu đại dịch, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ người nuôi và các doanh nghiệp thủy sản thực hiện các dự án đầu tư sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Trong đó có Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Mặt khác, tạo điều kiện mở rộng mô hình sản xuất cá tra theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ “quyền lợi và trách nhiệm”, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi. Đây sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng để có thể sớm phục hồi và có thể tận dụng được những cơ hội xuất khẩu, khi một số thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam đang bắt đầu đặt hàng trở lại.

Song song đó, An Giang luôn chú trọng để người lao động tham gia trong chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra phải được phủ tiêm phòng vacxin ngừa Covid-19. Đồng thời còn đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Cụ thể, cấp 1 là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, đến nay đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ để thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh.

Doanh nghiệp và nông dân đang bắt tay đẩy mạnh phục hồi sản xuất cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Doanh nghiệp và nông dân đang bắt tay đẩy mạnh phục hồi sản xuất cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cấp 2 nòng cốt là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết, tổng số lượng cá bố mẹ 26.300 con (chiếm 64% số lượng cá tra bố mẹ toàn tỉnh), năng lực cung cấp 6,8 tỷ cá bột/năm. Các đơn vị này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Cấp 3 gồm các Chi hội ương giống cá tra với 54 hội viên, tổng diện tích mặt nước ương là 251 ha (chiếm hơn 43% diện tích ương giống cá của tỉnh hiện nay), năng lực sản xuất giống 700-800 triệu con/năm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt nhận định, đợt dịch vừa rồi đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động từ khâu nuôi, chăm sóc và chế biến xuất khẩu cá tra của Nam Việt. Kể từ đầu tháng 10 trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, công nhân đã được tiêm phòng vacxin nên hoạt động của tập đoàn cơ bản đã trở lại gần 90%.

Hiện nay, Tập đoàn Nam Việt đã có rất nhiều khách hàng ở các nước muốn cung ứng sản phẩm cá tra từ nay đến cuối năm. Chính vì vậy Nam Việt đã sớm nhanh chóng khởi động lại việc sản xuất của các nhà máy, nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng đơn hàng khoảng 20.000 tấn cá thành phẩm, cung cấp cho các đối tác nhập khẩu trên thế giới. Các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho mùa lễ Giáng sinh, tết dương lịch. Tập đoàn đang thu tuyển khoảng 3.000 công nhân vào làm việc để góp phần giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội.

Thị trường nước ngoài ổn định

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, tổng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh là 1.235 ha, trong đó doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết doanh nghiệp là 1.049 ha cho sản lượng ước 400.000 - 450.000 tấn/năm. Vùng nuôi cá tra tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân và TP Long Xuyên.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính đến nay toàn tỉnh thu hoạch sản lượng cá tra trên 400.000 tấn, giảm so với cùng kỳ. Hiện An Giang có 19 nhà máy chế biến thủy sản đăng ký hoạt động xuất khẩu thủy sản trên địa bàn. Vì vậy trong 9 tháng đầu năm 2021, cá tra đem lại cho  An Giang trên 200 triệu USD, bằng với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu thủy sản vẫn giữ ổn định ở các thị trường truyền thống như: Nga, Mexico, Brazil, Thái Lan, Trung Quốc…

Để ngành cá tra có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, trước nhất người nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong tỉnh An Giang cần phải cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay.

An Giang đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường.

Đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao.

Thu hút nhiều tập đoàn lớn

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có lợi thế phát triển ngành hàng cá tra lớn nhất, nhì ở trong khu vực miền Tây và thành công nhất với Đề án "Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL", được Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao.

Với đề án này, tỉnh  An Giang đã thực hiện định hướng cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, từng bước đáp ứng đủ về nhu cầu con giống cá tra chất lượng tốt cho vùng ĐBSCL, góp phần tái tạo ngành hàng cá tra theo hướng bền vững và chuỗi ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong chuỗi sản xuất.

Những năm gần đây rất mừng là An Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn đến địa phương đầu tư về mặt công nghệ và con người, khu sản xuất cá tra công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ là tiền đề góp phần phát triển nghề nuôi cá tra của ĐBSCL.

Hy vọng với những bước đột phá toàn diện về mọi mặt, liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao phục vụ nuôi và chế biến xuất khẩu góp phần để cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới. 

L.H.Vũ

                                                                                    

    Tags:
Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.