| Hotline: 0983.970.780

Ngành nuôi dế hàng chục triệu USD ở Thái Lan

Thứ Hai 10/05/2021 , 11:10 (GMT+7)

Nghề nuôi dế của nông dân nghèo vùng đông bắc Thái Lan đạt doanh thu 1 tỷ bạt (32 triệu USD) vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Sinh kế của hộ nghèo

Trưởng làng Tueang Yarum, 45 tuổi, là một hộ nông dân ở vùng đông bắc đã chuyển sang nghề nuôi dế làm thực phẩm theo một chương trình của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan khuyến khích nông dân đa dạng hóa cây trồng vật nuôi.

Hiện Thái Lan đã có trên 20.000 trang trại nuôi dế làm thực phẩm, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho cộng đồng dân cư các vùng nông thôn nghèo. Ảnh: ScienceNordic

Hiện Thái Lan đã có trên 20.000 trang trại nuôi dế làm thực phẩm, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho cộng đồng dân cư các vùng nông thôn nghèo. Ảnh: ScienceNordic

Cách nay ba năm, bà Tueang cùng với 50 hộ dân ở làng Ban Makha Tai, xã Ban Yang, huyện Muang thuộc tỉnh Buri Ram đã được chính quyền tỉnh Buri Ram và Cục Khuyến nông hỗ trợ chuyển đổi sản xuất sang nghề nuôi dế.

Tính đến năm 2018, Thái Lan đã có hơn 20.000 trang trại nuôi dế trên toàn quốc với sản lượng hơn 700 tấn/năm, đạt trị giá hơn 1 tỷ bạt. Theo Cục Khuyến nông, chi phí đầu tư trung bình để nông dân làm ra 1 kg dế thương phẩm là 41 bạt (1,32 USD). Mỗi vụ nuôi cần từ 45-50 ngày, các hộ giàu kinh nghiệm có thể thu hoạch sáu vụ một năm, bán với giá 80 bạt/kg (2,60 USD). Tính ra lợi nhuận trung bình khoảng 163.464 bạt/năm (5.233 USD).

“Những con dế chiên bạn mua từ những người bán hàng ven đường là một phần của ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh, khi kim ngạch xuất khẩu dế được định giá 1 tỷ bạt/mỗi năm (tương đương 32 triệu USD)”, trưởng làng cho biết.

Bà Tueang kể, ban đầu mô hình nuôi dế của làng được khoản hỗ trợ 100.000 bạt (3.200 USD) để một số hộ làm thí điểm cho mọi người học theo. Và giờ đây các sản phẩm từ con dế đã nhanh chóng trở thành thương hiệu đặc sản của địa phương và ngày càng được ưa chuộng. Từ một vụ nuôi kéo dài 1,5-2 tháng, bây giờ chúng tôi có thể sản xuất và thu hoạch mỗi vụ từ 80-100 kg dế tươi thương phẩm, giúp nhiều nông hộ cải thiện thu nhập.

Ngoài 50 hộ ban đầu, giờ đây nhiều nông dân khác trong làng cũng đã chuyển hẳn sang nghề nuôi dế, chẳng hạn như các hộ Khan Juanram, 49 tuổi, Eye Youyot, 57 tuổi và Noi Thinaram, 52 tuổi, đều biết ơn dự án vì nó đã giúp họ thoát nghèo và có thu nhập thường xuyên hơn.

Những hộ này cho biết họ đang muốn mở rộng trang trại nuôi dế của gia đình bởi không chỉ nhu cầu ở địa phương mà còn xuất khẩu hiện đều đã vượt xa nguồn cung.

Bà Khan, một hộ nuôi dế ở đây cho biết: "Tôi thích cho dế ăn. Thi thoảng tôi cho chúng ăn bí ngô để cải thiện hương vị". Trong khi đó, bà Eye và bà Noi thì cho biết loài dế có thể sinh bệnh nếu ở trong môi trường ẩm ướt nên người nuôi phải thường xuyên theo dõi chuồng trại để cảnh giác.

Món dế chiên được bày bán làm thực phẩm ở nhiều miền quê Thái Lan. Ảnh: BKP

Món dế chiên được bày bán làm thực phẩm ở nhiều miền quê Thái Lan. Ảnh: BKP

Hiện làng Ban Makha Tai đã thành lập một đơn vị kinh doanh để giao dịch với khách hàng nhằm đưa loại côn trùng này vươn xa hơn. Theo đó, họ cũng đang phát triển một nền tảng tiếp thị trực tuyến để giúp việc sản xuất và kinh doanh được mở rộng hơn nữa.

Để khuyến khích nghề nuôi dế, vào năm ngoái một sự kiện có sự tham gia của Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, Đại học Khon Kaen, Đại học Maha Sarakham, Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm và Hàng hóa Nông nghiệp vùng Đông Bắc và Cục Chăn nuôi Thái Lan đã tổ chức một hội thảo nhằm nâng cao tiêu chuẩn trang trại nuôi dế và tạo niềm tin hơn đối với người tiêu dùng.

Nguồn thực phẩm thay thế bền vững

Nuôi dế cũng như nhiều loại côn trùng khác gần đây đã trở thành một xu thế chăn nuôi bền vững, như một nguồn protein bền vững trong bối cảnh thế giới tiếp tục vật lộn với sự gia tăng dân số và tiêu thụ thịt gia tăng.

Bột dế được hãng Global Bugs Asia chế biến thành thanh protein được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Ảnh: Nikkei

Bột dế được hãng Global Bugs Asia chế biến thành thanh protein được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Ảnh: Nikkei

Vừa qua, Thái Lan đã khai trương một dự án mới nhằm phát triển nghề nuôi dế do ông Mechai Viravaidya, cựu Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng khởi xướng. Đó là trung tâm nghiên cứu dế ở huyện Khok Klang, thuộc tỉnh nghèo nhất nước Buri Ram. Dự án hiện đã nhận được sự hỗ trợ là nguồn trứng dế, tư vấn kỹ thuật nuôi và thức ăn do hãng Global Bugs Asia, một công ty liên doanh giữa Thái Lan và Thụy Điển bảo trợ. Global Bugs Asia là công ty chuyên sản xuất thanh protein, đồ ăn nhẹ và các sản phẩm khác từ bột dế. Các sản phẩm của hãng đã được ưa chuộng không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Nhật Bản và nhiều nơi khác.

"Tôi rất vui khi được tham gia vào dự án. Tôi hy vọng nó sẽ giúp nông dân kiếm tiền và cải thiện cuộc sống từ nghề nuôi dế", anh Peerawat Khan-Ngern, 21 tuổi, người tham gia dự án cho biết.

Theo các chuyên gia, mối quan tâm đến côn trùng như một nguồn protein mới trên khắp thế giới đang ngày một tăng lên. Thống kê của Liên Hợp quốc, dân số thế giới dự kiến ​​sẽ đạt 10 tỷ người vào năm 2050 và để có đủ nguồn lương thực đầu vào, sản lượng sẽ phải tăng hơn 50% so với mức năm 2010.

Tuy nhiên, các hoạt động chăn nuôi gia súc truyền thống như trâu bò và lợn đang tạo ra gánh nặng cho môi trường. So với gia súc, lợn và gà, thì nuôi dế đòi hỏi ít đất đai, thức ăn và nguồn nước, trong khi đó chúng lại tạo ra ít khí thải nhà kính như mêtan và carbon dioxide hơn rất nhiều.

Nghề nuôi dế sẽ trở thành nguồn cung cấp thực phẩm thay thế bền vững với môi trường. Ảnh: BKP

Nghề nuôi dế sẽ trở thành nguồn cung cấp thực phẩm thay thế bền vững với môi trường. Ảnh: BKP

Theo ông Mechai, ít người biết rằng dế đã được coi là "nguồn protein của tương lai" bởi 70% cơ thể của chúng đều là nguồn dinh dưỡng. Bởi vậy việc nuôi côn trùng, đặc biệt là dế, sẽ trở thành nguồn cung cấp protein bền vững với môi trường.

Giám đốc điều hành của dự án, Kanitsanan Thanthitiwat, bày tỏ hy vọng rằng mô hình mới sẽ trở thành nơi cung cấp dế chất lượng cao ổn định, đồng thời tạo công ăn việc làm cho những người dân làng có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm người già, người tàn tật và phụ nữ, những người bị mất việc làm do đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia, nghề nuôi dế xuất khẩu của Thái Lan đang được ưa chuộng ở các thị trường nước ngoài, nơi nhu cầu đang tăng trưởng 23% mỗi năm, đặc biệt là ở Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Ngoài ra, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cũng đang khuyến khích người dân chuyển sang tiêu dùng dế vì đây là nguồn cung cấp protein giá rẻ. Nhất là khi dế có thể được sản xuất hoặc chế biến dưới nhiều hình thức tươi sống, chiên, đông lạnh, chiên giòn để phù hợp với thị hiếu của đa dạng khách hàng.

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang hy vọng sẽ mở rộng sản xuất dế ở vùng đông bắc nước này như các tỉnh Khon Kaen, Kalasin, Nakhon Phanom, Buri Ram và Maha Sarakham. Sau ba năm nuôi thử nghiệm nhiều loại dế khác nhau, đến nay người dân tỉnh Buri Ram đã tổng hợp được ba loại dế phù hợp và đáp ứng các tiêu chí bao gồm: giống dế thongkham (vàng), thongdaeng (đen) và thonglai (nâu đất).

(BKP, Nikkei Asian Review)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.