Ngày 20/11 bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Thị trường hoa tươi cho ngày 20/11 cũng nhộn nhịp mà thị trường quà tặng ngày 20/11 cũng nhộn nhịp. Nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức đổi mới phương pháp dạy và học, nhưng ngày 20/11 vẫn mang lại bao nhiêu cảm giác ấm áp về tình thầy trò.
Ngày 20/11, tôi nhớ về trường xưa và thầy cũ. Những hình ảnh như những thước phim âm bản lướt qua năm tháng mưa gió mà vẫn sinh động và bâng khuâng.
Phải thú thật, đến năm 10 tuổi, tôi vẫn còn là một cậu bé nhút nhát. Gia cảnh không mấy khá giả và nhịp điệu buồn tẻ ở tỉnh lẻ không thể nào giúp tôi thoát khỏi cái vỏ bọc đầy mặc cảm và tự ti. Thế nhưng, có một người thầy giáo đã kéo tôi ra khỏi vùng bóng tối ái ngại ấy. Thầy giáo tên Bình.
Thời bao cấp khó khăn, một buổi thầy lên lớp, một buổi thầy đạp xích lô. Phương tiện đi dạy của thầy cũng chính là chiếc xích lô. Tôi không bao giờ quên, trong cái nắng miền Trung gay gắt, người thầy giáo cao gầy mỗi ngày xếp chiếc xích lô ở một góc sân trường rồi lấy khăn lau mồ hôi ướt đẫm trên trán trên lưng, trước khi bước vào bục giảng. Cái tuổi thơ lấm láp của tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ không ít ánh mắt khắt khe từ vài đồng nghiệp giáo viên khác đã nhìn về phía thầy Bình. Thậm chí tôi còn biết thầy đã bỏ ngoài tai cả những lời bình luận không hay ho gì dành cho mình.
Có lần tôi muộn giờ học, chân thấp chân cao chạy quáng quàng trên hè phố, chợt nghe tiếng gọi, quay lại thấy thầy Bình đang đạp xe cùng chiều. Thầy kêu: “Lên đi!”. Tôi chần chừ, thầy lại giục, tôi phải rụt rè leo lên xích lô làm một hành khách bé bỏng miễn phí. Thầy vừa đạp xe vừa mách bảo: “Sắp tới có cuộc thi kể chuyện dành cho học sinh toàn thị xã. Em tham dự nhé!”. Tôi ấp úng không biết trả lời ra sao. Thầy lại nói: “Muốn chiến thắng người khác, em phải loại bỏ sự sợ hãi khi đứng trước đám đông. Thầy sẽ dạy em cách khắc phục!”. Tôi nửa tin nửa ngờ, hay nói đúng hơn là tôi lo lắng ngổn ngang.
Cuối buổi học hôm đó, thầy gọi: “Lên đi!”. Tôi ngoan ngoãn leo lên xích lô. Thầy chở tôi đến ngã năm, trung tâm của thị xã, và ra lệnh: “Đứng trên cái trụ bùng binh mà cảnh sát giao thông vẫn thường đứng. Và hát đi!”. Tôi không dám cãi, lập cà lập cập làm theo. Giờ tan tầm, người đi đường không biết hai thầy trò đang làm gì, cứ tò mò ngó dọc ngó ngang.
Thầy chỉ đôi chân đang run rẩy của tôi, và quát: “Đứng cho ngay ngắn! Thuộc bài nào thì hát bài ấy!”. Không còn chọn lựa nào khác, tôi lắp bắp hát: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu nước…”. Và đến khi giọng tôi thật sự dõng dạc để hát hết câu “Nước non Việt Nam ta vững bền” thì thầy mới chở tôi về tận nhà, lúc trời đã tối mịt.
Tôi còn nhớ, thầy Bình đã tốn ba buổi để bày tôi kể câu chuyện “Truyền thuyết về đất nước triệu voi”. Bữa cuối cùng xem như “tổng duyệt” trước khi ứng thí, thầy nhận định: “Chỉ cần cái mở đầu ấn tượng của em, đã xứng đáng giành giải nhất rồi!”, khiến tôi tự tin lắm. Ngày thi, lúc mạch lạc vào câu dẫn: “Nói về nước Lào láng giềng, Bác Hồ có viết “Việt – Lào hai nước chúng ta. Vừa là đồng chí, vừa là anh em”, tôi nhìn xuống thấy khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, nhưng không thấy thầy Bình đâu. Tôi nghĩ, chắc giờ này thầy đang guồng chân trên chiếc xích lô để kiếm thêm chút thu nhập nuôi gia đình, và tôi cố gắng hoàn thành phần thi một cách trọn vẹn.
Quả nhiên, tôi được giải nhất. Phần thưởng đáng kiêu hãnh của cậu học trò lớp 5 là một cái giấy khen cùng quyển sách “Lê Nin và cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại” in rất đẹp. Khi tôi đứng lên lễ đài nhận phần thưởng, mới thấy thầy Bình xuất hiện. Vẫn bộ quần áo cũ sờn mỗi ngày lam lũ, thầy nhìn tôi với một nụ cười độ lượng và lấy khăn lau nước mắt. Thầy khóc. Trong khoảnh khắc đáng tự hào nhất suốt thời thơ ấu đơn sơ và yên ả của mình, tôi nhận ra thầy lau nước mắt bằng cái khăn vẫn dùng lau mồ hôi trước giờ vào lớp.
Tôi tốt nghiệp tiểu học, chia tay thầy Bình và mái trường ôm ấp giấc mơ thơ dại. Tuy nhiên, tôi vừa trở thành học sinh lớp 6 chưa được mấy tháng, thì một buổi chiều thầy đến nhà tìm tôi. Vẫn cử chỉ quen thuộc: “Lên đi!” và chiếc xích lô chở hai thầy trò loanh quanh mấy con đường nhỏ và hẹp của đô thị miền Trung nhiều nắng nhiều gió. Vòng xe cứ lăn đều mà thầy không nói gì cả, mà tôi cũng không dám thắc mắc gì cả.
Hồi lâu, thầy cất giọng khe khẽ, tôi không thể phân biệt là câu hỏi hay câu cảm thán: “Xứ sở mình đẹp thật nhỉ?”. Rồi thầy vừa đạp xe vừa hát trong hoàng hôn chập choạng: “Nhật nguyệt í a trên cao, ta ngồi ối à dưới thấp. Một dòng í a trong veo, sao lòng ối a còn đục”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe nhạc Trịnh, không biết vì hồn vía người hát, hay vì tài năng tác giả, đã mang cho tôi sự rung động xao xác khôn nguôi. Thầy mải mê hát, còn tôi bần thần nghe, không hề để ý màn đêm kéo đến từ lúc nào.
Mãi khi chở tôi về nhà, thầy mới ngừng hát và nói: “Con gái duy nhất của thầy đã đậu đại học Y. Ngày mai thầy đem chiếc xích lô này vào Sài Gòn để đạp xe nuôi nó hoàn thành 7 năm mơ ước ở giảng đường!”. Tôi đứng ngơ ngác trông theo cái dáng cao gầy của thầy lầm lũi đạp xe đi ngược con phố hắt hiu ánh điện. Tôi muốn nhìn thật kỹ lưỡng để mai mốt gặp lại có thể nhận ra người thầy nhân hậu, nhưng mắt tôi cứ nhòa đi trong tiếng hát lãng đãng: “Bầy vạc í a bay qua, kêu mòn ối a tĩnh lặng. Đường đời í a không xa, sao chồn ối a gối chân”.
Những năm tháng học phổ thông, thỉnh thoảng tôi đi ngang căn nhà nhỏ của thầy Bình, chỉ thấy cửa khóa im ỉm. Người ta nói, căn nhà của thầy Bình đã bán cho người khác rồi. Tôi có hỏi thăm vài anh chị đang là sinh viên ở Sài Gòn, cũng không ai biết thông tin về thầy Bình. Chắc thầy không còn cơ hội đứng trên bục giảng, mà phải xuôi ngược với những cuốc xích lô để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Ngay phút giây đặt bàn chân cậu sinh viên năm thứ nhất trên mảnh đất Sài Gòn, tôi đã mong mỏi gặp lại thầy Bình. Mỗi lần có chiếc xích lô nào lướt qua, cũng khiến tôi giật thột dõi theo. Vậy mà giữa thành phố mênh mông ngày càng nhộn nhịp góc trời phương Nam, đã 20 năm rồi tôi vẫn không có tin tức gì về thầy. Cuộc sống bon chen danh lợi đã dạy cho tôi nhiều điều dửng dưng và lạnh lùng, nhưng ký ức về thầy Bình và chiếc xích lô vẫn vẹn nguyên trong tôi một miền hoài niệm ấm áp và trân trọng!
Có lẽ hiện tại con gái của thầy đã là một bác sĩ lành nghề. Có lúc nôn nao, tôi bỗng băn khoăn, bao nhiêu người bệnh được chăm sóc bởi bàn tay nữ bác sĩ ấy, có biết rằng trên màu trắng chiếc áo blouse kia có những vệt mồ hôi trĩu nặng của một thầy giáo đạp xích lô không?
Nhiều người quan niệm, chiếc xích lô là chứng tích của một giai đoạn bần hàn. Thế nhưng không ai phủ nhận được hình ảnh gần gũi của loại xe này trong nhịp điệu hối hả hôm nay. Ngành du lịch đang sử dụng chiếc xích lô để kích cầu du khách nước ngoài. Người đạp xích lô cũng từng ngày chuyên nghiệp như những người làm dịch vụ thời hội nhập. Riêng tôi, mỗi lần nhìn thấy người đạp xích lô trong bộ đồng phục lịch lãm thì bất giác nhớ quay quắt miếng vá trên vai áo cũ sờn của thầy giáo năm xưa!