| Hotline: 0983.970.780

'Ngày tàn' của cây sắn Văn Yên

Thứ Hai 07/08/2023 , 15:20 (GMT+7)

Đất bạc màu nhanh, năng suất thấp, bệnh thối củ hoành hành, giá cả bấp bênh... khiến vùng sắn nguyên liệu ở Văn Yên (Yên Bái) đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Đất bạc màu nhanh, bệnh thúi củ hoành hành

Gắn bó với cây sắn hàng chục năm nay nhưng sau khi kết thục vụ sắn 2022 - 2023, gia đình bà Vũ Thị Lê ở thôn Sặt Ngọt, xã Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã chuyển 0,5ha đất đồi mọi năm trồng sắn sang trồng cây quế, cây sắn chỉ được trồng xen trên diện tích này.

Bà Lê chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 0,5ha đất đồi nhưng nhờ chăm sóc tốt nên mỗi vụ sắn gia đình cũng thu về được khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, từ vụ sắn năm trước, xuất hiện tình trạng thối củ nên năng suất giảm một nửa, chỉ thu được 20 triệu đồng. Thất thu nên sau khi thu hoạch nốt vụ sắn năm nay, gia đình tôi đã quyết định trồng quế và chỉ trồng xen cây sắn”.

Mọi năm, cả thôn Sặt Ngọt có khoảng 50ha trồng thuần sắn và bà con coi đây là cây chồng chủ lực. Tuy nhiên khoảng 2 - 3 năm gần đây, đã có gần 40ha đất trồng sắn được người dân trồng xen quế. Nếu tình trạng bệnh thối củ làm giảm năng xuất sắn không được khắc phục và khi các diện tích quế đã phát triển cao bằng đầu người thì cây sắn sẽ bị thế chân hoàn toàn bằng cây quế.

Người dân xã Đông Cuông thu hoạch sắn niên vụ 2022 - 2023 với nỗi buồn do năng suất thấp. Ảnh: Thanh Tiến

Người dân xã Đông Cuông thu hoạch sắn niên vụ 2022 - 2023 với nỗi buồn do năng suất thấp. Ảnh: Thanh Tiến

Ông Lương Ánh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết, năng suất cây sắn của địa phương đã liên tục giảm trong vài năm trở lại đây, dẫn đến diện tích cũng ngày một giảm theo. Từ vài trăm ha, đến nay toàn xã chỉ còn khoảng 100ha. Mỗi năm diện tích cây sắn giảm khoảng 50ha do đất bạc màu, năng suất thấp và bà con nông dân chuyển sang trồng cây quế, keo, bồ đề... Cây sắn chỉ được coi là cây trồng phụ khi cây quế và các loại cây lâm nghiệp còn nhỏ, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì một thời gian nữa, diện tích cây sắn trên địa bàn xã sẽ không còn.

Cùng thực trạng chung như xã Đông Cuông, diện tích cây sắn tại xã Châu Quế Thượng cũng bị thu hẹp liên tục trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2021, diện tích sắn toàn xã lên tới gần 700ha thì năm nay chỉ còn hơn 500ha.

Anh Đỗ Khắc Cương, cán bộ khuyến nông xã Châu Quế Thượng cho biết, bệnh thối củ xuất hiện từ năm 2021 chủ yếu tại 2 thôn Đồng Tâm, Ngòi Lèn ở xã. Những diện tích để lâu, thu hoạch muộn thì tỷ lệ bệnh thối củ càng nhiều hơn, dẫn đến năng suất, giá trị kinh tế thấp nên người dân chuyển đổi sang trồng quế và các cây lâm nghiệp khác.

Niên vụ sắn 2022 - 2023 đã kết thúc nhưng nhìn vào những con số thống kê của ngành nông nghiệp huyện Văn Yên có thể thấy rõ diện tích vùng nguyên liệu sắn đang ngày càng giảm mạnh. Thủ phủ sắn Văn Yên đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi diện tích, năng suất cây trồng này liên tục bị thu hẹp, nhiều diện tích sắn còn sản xuất nhưng đã được trồng xen cây lâm nghiệp khác để sẵn sàng thế chỗ. Hiện nay, tổng diện tích cây sắn toàn huyện chỉ còn khoảng 4.000ha, giảm một nửa so với trước đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm mạnh.

Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do diện tích canh tác sắn chủ yếu có độ dốc cao, sau nhiều năm liên tục độc canh cây sắn khiến đất bị xói mòn, rửa trôi mạnh, dẫn đến bạc màu, nghèo dinh dưỡng nên cây sắn sinh trưởng, phát triển chậm, năng suất thấp.

Bên cạnh đó, giá sắn bấp bênh, không ổn định, điệp khúc "được mùa mất giá" thường xuyên diễn ra dù Nhà máy sắn Văn Yên là đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm nhưng sự ràng buộc, cam kết về giá cho cả vụ gần như không có. Ngoài ra, hiện nay do canh tác lâu năm, cây sắn đã bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là nấm bệnh gây thối củ ngày càng phát triển lan rộng.

Bệnh thối củ gây giảm năng suất làm người dân nản lòng với cây sắn. Ảnh: Tư liệu.

Bệnh thối củ gây giảm năng suất làm người dân nản lòng với cây sắn. Ảnh: Tư liệu.

Ông Phạm Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết, để hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh thối củ, Trung tâm đã phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp canh tác như không sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh, đồng thời xử lý nguồn nấm bệnh trong đất bằng các biện pháp như vệ sinh nương sắn, bón vôi bột, ủ phân hữu cơ với chế phẩm sinh học Trichodema dùng bón lót trước khi trồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị bảo vệ thực vật của trung ương, của tỉnh triển khai thực hiện mô hình thử nghiệm phòng trừ bệnh thối củ trên cây sắn tại 2 xã Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ nhằm đánh giá hiệu quả và từng bước nhân rộng mô hình...

Nguy cơ "xóa sổ" vùng sắn nguyên liệu

Những năm trước, nhờ lợi thế của đất đai ven sông Hồng và đồi thấp, có nhà máy chế biến tại chỗ nên diện tích sắn ở Văn Yên phát triển mạnh. Giai đoạn 2010 - 2015 là thời điểm diện tích sắn phát triển mẽ nhất, đặc biệt năm 2012 giá sắn cao đã hối thúc người dân mở rộng diện tích, cây sắn không chỉ phát triển tại các xã vùng quy hoạch mà phát triển ở hầu khắp trên địa bàn các xã trên toàn huyện. Năm 2013, diện tích sắn của toàn huyện tăng lên hơn 8.000ha.

Việc phát triển ồ ạt đã dẫn đến tình trạng thừa nguyên liệu, thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên đã không ít lần người trồng sắn phải ngậm ngùi khi giá sắn xuống thấp, không đủ công đầu tư chăm sóc, đỉnh điểm vào niên vụ 2015 - 2016.

Từ thực tế đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Văn Yên chỉ đạo giảm dần diện tích sắn, sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến, chính quyền địa phương và nông dân. Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc với các biện pháp tổng hợp như trồng cây lâm nghiệp trên đỉnh đồi sắn, trồng băng cỏ, cốt khí, các cây họ đậu… hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, giữ ổn định năng suất, sản lượng cây sắn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, phù hợp với quy hoạch của địa phương và nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp.

Nhờ lợi thế đất đồi thấp ven sông Hồng nên diện tích sắn ở Văn Yên có thời điểm tăng lên 8.000ha, nhưng nay diện tích đang tụt rất mạnh. Ảnh: Tư liệu

Nhờ lợi thế đất đồi thấp ven sông Hồng nên diện tích sắn ở Văn Yên có thời điểm tăng lên 8.000ha, nhưng nay diện tích đang tụt rất mạnh. Ảnh: Tư liệu

Sau hơn hai chục năm phát triển vùng nổ ở Văn Yên, cây sắn đã từng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Mỗi năm, nông dân Văn Yên thu về trên 200 tỷ đồng từ cây sắn, trong đó sản phẩm tinh bột sắn, sắn lát khô đã được xuất sang thị trường nhiều nước như Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc... với trị giá gần chục triệu USD mỗi năm. Vị thế của cây sắn đã từng được khẳng định, không chỉ là cây xóa nghèo, làm giàu cho nông dân mà còn là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của huyện Văn Yên nói riêng và Yên Bái nói chung. 

Mặc dù hiện nay, huyện Văn Yên đã xây dựng kế hoạch ổn định diện tích sắn 3.500ha, tuy nhiên với thực tế đang diễn ra, vùng sắn Văn Yên có thể đứng trước nguy cơ xóa sổ nếu giá cả cây sắn vẫn tiếp tục bấp bênh và năng suất giảm do bệnh thối củ như hiện nay.

Do vậy, để cây sắn phát triển bền vững, cần đưa vào sản xuất những giống sắn có năng suất cao, có khả năng kháng các bệnh nguy hiểm cũng như đầu tư thâm canh, xen canh hiệu quả, đặc biệt là áp dụng các quy trình canh tác bền vững, chống thoái hóa, xói mòn, rửa trôi đất...

Ngoài ra, về lâu dài, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến cần chặt chẽ, thống nhất như tăng cường hỗ trợ giống, các biện pháp canh tác, thu mua sản phẩm…, đặc biệt là vấn đề cam kết, bảo đảm ổn định về giá của cơ sở chế biến đối với người trồng sắn.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, huyện đã ban hành Nghị quyết số 06 năm 2020 về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện xây dựng định hướng đến năm 2025 ổn định diện tích sắn khoảng 3.500ha; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc đạt 100% diện tích, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy sắn Văn Yên hoạt động.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.