| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Cần bước đi 'chậm nhưng chắc' cho cây sắn

Thứ Sáu 31/03/2023 , 08:12 (GMT+7)

Cùng với việc giá sắn tăng và có các nhà máy thu mua, cây sắn ở Nghệ An đang được nông dân mở rộng. Tuy nhiên, cần bước đi chậm và chắc cho cây sắn.

Miền tây Nghệ An đất rộng, đồi núi nhiều, mật độ dân cư thấp, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với tập quán canh tác giản đơn, đầu tư thâm canh ít nên cây sắn đã gắn bó máu thịt với người dân nơi đây từ xa xưa. Ngày nay, trình độ sản xuất của người dân miền núi đã được nâng lên, trồng cây gì có thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập khá là bà con tập trung sản xuất cây đó nhiều.

Dễ trồng, cho thu nhập khá

Bà Ngân Thị Cư ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên gia đình bà trồng được hơn nửa ha sắn ở chân đồi, cuối năm cho thu hoạch, bán hết ngay tại ruộng cho thương lái với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg sắn củ tươi, thu về trên 20 triệu đồng. Sang năm 2022, thấy sắn vừa là loại cây dễ trồng, vừa cho thu nhập khá, lại dễ tiêu thụ nên gia đình bà mở rộng diện tích trồng sắn lên gần 1ha.

Sắn là cây dễ trồng, đầu tư ít, cho thu nhập khá nên nông dân rất dễ dàng mở rộng diện tích.

Sắn là cây dễ trồng, đầu tư ít, cho thu nhập khá nên nông dân rất dễ dàng mở rộng diện tích.

Mặc dù sắn từ khi trồng đến khi cho thu hoạch mất gần 1 năm, nhưng không phải mất nhiều công chăm sóc và trồng loại giống sắn cao sản do Phòng NN-PTNT huyện đem về nên cho năng suất từ 18 – 20 tấn/ha, cao hơn hẳn các giống sắn cũ của địa phương đã trồng trước đây. So với trồng lúa nương, lúa rẫy và trồng keo thì trồng sắn cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần.

Hiện nay, xã Tam Thái đang trồng xấp xỉ 200ha sắn, lãnh đạo UBND xã cho biết, bà con nông dân rất muốn mở rộng diện tích trồng sắn nhiều hơn nữa. Nhưng UBND xã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng ồ ạt để tránh tình trạng được mùa, mất giá như đã gặp phải những năm trước đây, tuy rằng ngày nay đã có nhà máy chế biến tinh bột sắn Á Châu sẵn sàng thu mua hết sắn củ cho bà con nông dân.

Không riêng gì ở xã Tam Thái, ở huyện Tương Dương còn có nhiều xã như Tam Hợp, Tam Quang… bà con dân bản đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng uỷ xã Tam Hợp cho biết, năm nay là năm thứ 3, bà con nông dân trong xã trồng sắn lên đến hàng trăm ha. Đảng uỷ và chính quyền xã khuyên bà con nông dân không nên vội vàng đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn, mặc dù 2 năm qua cây sắn đã cho bà con có thu nhập khá. Thấy bà con nông dân mở rộng diện tích trồng sắn lên hàng trăm ha, UBND xã đã liên hệ với nhà máy chế biến tinh bột sắn Á Châu để ký kết hợp đồng bao tiêu hết 100% sản phẩm sắn củ cho bà con.

Với việc các nhà máy chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động, việc tiêu thụ sắn cho nông dân tại Nghệ An đang được cải thiện.

Với việc các nhà máy chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động, việc tiêu thụ sắn cho nông dân tại Nghệ An đang được cải thiện.

Ông Lê Khăm Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tương Dương cho biết, năm 2022 toàn huyện trồng được 1.700ha sắn, năng suất đạt bình quân 18 tấn/ha. Năm 2023, huyện sẽ tiếp tục duy trì diện tích sắn ổn định và hướng chủ yếu tăng cường đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao, luân canh trên diện tích đã trồng sắn 2 - 3 vụ liên tục để bảo vệ đất.

Nhiều địa phương mở rộng diện tích

Ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn, cây sắn nguyên liệu đang được đưa vào cơ cấu cây trồng mới ở một số xã, điển hình như xã Bắc Lý. Nuối năm 2022, gia đình ông Moong Văn Bảy (xã Bắc Lý) lần đầu tiên được cầm trong tay hàng chục triệu đồng từ việc bán sắn củ. Rẫy sắn 3ha của gia đình ông Bảy được bộ đội đồn biên phòng Mỹ Lý hỗ trợ toàn bộ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho biết, cuối năm 2022, cả xã chỉ mới trồng được 7ha sắn, đầu năm 2023 này đã trồng lên đến gần 20ha và bà con dân bản đang tiếp tục trồng nhiều hơn nữa. Vấn đề khó khăn nhất và đáng lo nhất hiện nay đối với cây sắn là quãng đường vận chuyển từ địa bàn xã Bắc Lý về đến nhà máy chế biến tinh bột sắn quá xa nên giá bán thấp hơn so với giá thị trường.

Nông dân Nghệ An cần hết sức cảnh giác với bệnh khảm lá sắn, bởi đây là bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan, không thể phòng trị.

Nông dân Nghệ An cần hết sức cảnh giác với bệnh khảm lá sắn, bởi đây là bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan, không thể phòng trị.

Tại xã Mậu Đức (huyện Con Cuông) cũng có hiện tượng bà con nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn. Năm 2022, toàn xã trồng được 325/200ha kế hoạch (tăng 125ha). Bà Lang Thị Vân ở bản Chỏm Muông, xã Mậu Đức cho biết, sau 11 tháng trồng cây sắn xen với cây keo trên lưng đồi, đã cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Bà Vân thấy trồng cây sắn hiệu quả thật, nên năm 2023 gia đình bà đã quyết định giảm diện tích trồng keo để dành đất trồng sắn.

Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Con Cuông cho biết, năm 2021, toàn huyện trồng được 464ha sắn, sang năm 2022 diện tích sắn được trồng tăng lên hơn 703ha, năm 2023 này dự kiến diện tích trồng sắn sẽ tăng thêm nhiều vì sắn vừa là cây dễ trồng, đầu tư thâm canh không nhiều, giá cả thu mua sắn 2 năm nay tăng cao hơn các năm trước từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, lại dễ tiêu thụ do đã có nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua hết.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh năm 2022 diện tích trồng sắn vào khoảng từ 16 – 18 ngàn ha. Trong đó có trên 11 ngàn ha sắn nguyên liệu được trồng bằng các giống sắn cao sản, năng suất đạt bình quân 38,5 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 385.000 tấn, chủ yếu để phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Một số địa phương có diện tích sắn trồng nhiều như Tân Kỳ (2.600ha), Tương Dương (1.700 ha), Con Cuông (700ha), Quế Phong (850ha)…

Một số vấn đề người trồng sắn cần lưu ý

Thứ nhất: Sắn là cây dễ trồng, nhưng lại là cây lấy đi từ đất rất nhiều dinh dưỡng và nước. Vì vậy đất trồng sắn liên tục từ năm thứ 3 trở đi vừa nghèo kiệt dinh dưỡng, vừa khô cằn và ngày càng suy thoái, sản xuất kém hiệu quả nếu không luân canh cây trồng khác. Vì vậy, chỉ nên trồng sắn 1 – 2 năm, sang năm thứ 3 luân canh cây trồng khác để không làm hại đất.

khong-nen-mo-rong-dien-tich-san-theo-gia-thi-truong-1624_20211212_170-164228

Sắn là cây trồng lấy đi từ đất rất nhiều dinh dưỡng, nhưng gần như không trả lại cho đất được gì nên đất rất nhanh nghèo kiệt, suy thoái.

Thứ hai: Sắn là cây lấy đi từ đất nhiều dinh dưỡng và nước, nhưng trả lại cho đất hầu như không có gì đáng kể. Vì vậy, trồng sắn liên tục nhiều năm chỉ làm nghèo đất. Để hạn chế tình trạng này, bà con nông dân nên cố gắng trồng xen canh cây họ đậu (lạc, đậu đỗ các loại…) vào hai bên hông luống sắn để góp phần cải tạo đất, chống suy thoái đất.

Thứ ba: Luôn luôn cảnh giác và đề phòng bệnh khảm lá sắn (cassava mosaic virus), bệnh do virus thuộc chi Begomo virus gây ra. Loại bệnh này hiện tại chưa có thuốc phòng chống có hiệu quả. Vì vậy, bà con nông dân ở các vùng trồng sắn phải luôn cảnh giác và đề phòng loại bệnh này. Nếu ở đâu phát hiện ra trên cây sắn bị bệnh này thì lập tức tiêu huỷ ngay bằng cách thu gom hết cây sắn bị bệnh để đốt hoặc đào hố sâu bỏ tất cả thân, rễ, lá, củ của cây bị bệnh vào hố, xong rắc vôi bột lên và lấp đất lại.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.