| Hotline: 0983.970.780

Cây sắn không có lỗi...

Thứ Tư 09/03/2022 , 07:05 (GMT+7)

Chưa bao giờ nông dân chúng ta có khái niệm phải tổ chức ruộng chuyên nhân giống sắn. Khi dịch khảm lá sắn bùng phát, hệ thống cung ứng giống rơi vào lúng túng.

Có một quan niệm khá cực đoan cho rằng sắn là cây xóa đói giảm nghèo, không thể làm giàu từ sắn được. Nhưng bây giờ, nếu nhìn lại thì tổng diện tích trồng sắn của cả nước vẫn khoảng 500.000 – 600.000ha (tương đương với cây cà phê). Cây sắn cũng mang lại giá trị xuất khẩu từ 1 – 1,2 tỷ USD năm. Đời sống của hàng trăm nghìn hộ nông dân phụ thuộc vào đó.

GS. TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

GS. TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Nỗi buồn cây sắn!

Bài liên quan

Thực tế, vẫn có người làm giàu được từ cây sắn nếu tích tụ được nhiều ruộng đất, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cũng giàu lên nhờ chế biến tinh bột sắn. Nếu chăm sóc tốt, năng suất sắn có thể đạt 40 tấn củ/ha, ở Tây Ninh là hoàn toàn đạt được. Trong khi đó, giá sắn dao động từ 2.000 - 4.000/kg (do đó doanh thu từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, đây là nguồn thu không hề nhỏ). Sở dĩ diện tích trồng sắn lan nhanh như vậy vì đây là cây dễ trồng, ai cũng có thể trồng được.

Thái Lan có khoảng hơn 1 triệu ha trồng sắn, sản lượng gấp đôi Việt Nam. Sắn

Bài liên quan

được coi là cây trồng quan trọng của “xứ sở chùa vàng”. Trong tương lai, có lẽ chúng ta vẫn sẽ đi theo con đường phát triển như vậy (phát triển từ cây có giá trị thấp đến cây có giá trị cao và chưa thể bỏ được cây sắn).

Bên cạnh đó, nhiều người cũng quan niệm “sắn là cây làm giảm độ phì của đất” do độ che phủ không cao và dễ gây xói mòn. Nhưng thực ra cây nào cũng vậy, chúng ta phải trả lại đất những thứ đã lấy đi thì mới đảm bảo bền vững được. Không thể có khái niệm “bóc lột” dinh dưỡng của đất mãi được.

Tại một hội nghị về phát triển cây sắn ở Phú Thọ, có một đại biểu đã nói rằng: “Khi tôi còn bé xíu chạy ngoài đồng, thì đằng trước nhà tôi là ruộng sắn. Và bây giờ nó vẫn là ruộng sắn”. Vậy ai đó nói rằng sắn làm giảm độ phì của đất, và giảm như thế nào?

Là cây trồng xuất khẩu 'tỷ đô', nhưng cây sắn những năm qua rất ít được quan tâm, chú trọng về đầu tư cho khoa học công nghệ. Ảnh: Văn Dũng.

Là cây trồng xuất khẩu "tỷ đô", nhưng cây sắn những năm qua rất ít được quan tâm, chú trọng về đầu tư cho khoa học công nghệ. Ảnh: Văn Dũng.

Bài liên quan

Năm 2015, lần đầu tiên chúng ta có một hội nghị toàn quốc về phát triển cây sắn do nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì. Tôi nhớ mãi câu nói của Bộ trưởng khi ấy: “Cây sắn không có lỗi, mà chúng ta là người có lỗi”. Trong hội nghị đó, ông Phát giao cho Viện Di truyền nông nghiệp nhập các giống sắn có năng suất tốt, chất lượng tốt và kháng bệnh về Việt Nam.

Y lệnh của Bộ trưởng, chúng tôi liên hệ với đối tác thân thiết là Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Viện Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (IITA, là cơ quan nghiên cứu tạo ra nhiều giống sắn cho châu Phi, châu Mỹ La Tinh) và một số đối tác khác để nhập về tập đoàn mấy trăm giống kháng bệnh khảm lá sắn và các giống có năng suất, chất lượng cao.

“Giật gấu vá vai” để khảo nghiệm giống sắn kháng bệnh khảm lá

Rất may, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế đã hỗ trợ Viện Di truyền nông nghiệp để nhập về giống sắn dưới dạng cây con, nhỏ như que tăm trong ống nghiệm (mỗi giống chỉ được 3 cây) và hỗ trợ kinh phí duy trì phòng thí nghiệm. Nhưng kinh phí để khảo nghiệm trong nước thì không có. Chúng tôi 3 lần “gõ cửa” các bộ, ngành liên quan để đề xuất dự án nhưng đều không được chấp nhận.

Khi bệnh khảm lá sắn bùng phát ở một số tỉnh phía Nam, năm 2018, chúng tôi liên hệ với các tổ chức quốc tế như FAO, JICA, ACIAR… để xin hỗ trợ và cùng thực hiện một số việc. Thứ nhất là mang toàn bộ giống sắn của Việt Nam vào Tây Ninh để đánh giá, tìm xem có giống nào kháng được bệnh khảm lá hay không (vì Tây Ninh là vùng bị bệnh rất nặng). Từ kết quả thực tiễn, chúng tôi đi đến kết luận: Việt Nam không có giống nào kháng được bệnh, tất cả các giống đều nhiễm.

Thiếu hạ tầng và kinh phí để khảo nghiệm và nhân giống, việc đưa giống sắn kháng bệnh khảm lá ra sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: NNVN.

Thiếu hạ tầng và kinh phí để khảo nghiệm và nhân giống, việc đưa giống sắn kháng bệnh khảm lá ra sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: NNVN.

Đồng thời, Viện Di truyền nông nghiệp cũng mang tập đoàn giống sắn nhập ngoại để đưa vào Tây Ninh, kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật của tỉnh này để đánh giá. Do nguồn kinh phí huy động kiểu “giật gấu vá vai” nên mãi tới cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Viện mới chọn ra được 2 giống kháng bệnh khảm đầu tiên là HN3 và HN5.

Đoàn của Bộ NN-PTNT gồm đại diện lãnh đạo Bộ, đại diện Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và đánh giá khả năng kháng bệnh của 2 giống trên rất tốt và tương đối phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam (năng suất và hàm lượng tinh bột khá), đặc biệt là kháng được bệnh khảm lá, trồng với mật độ cao từ 20.000 – 25.000 gốc/ha.

Những giống trên đã được cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân trồng như một biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu thiệt hại do bệnh khảm lá sắn gây ra. Ví dụ, nếu bệnh khảm lá sắn gây thiệt hại giảm 50% năng suất trên các giống bản địa, nhưng giống mới đưa ra, dù chưa thích nghi hoàn toàn với điều kiện canh tác của Việt Nam nhưng năng suất chỉ giảm 20% so với các giống sắn trước khi xảy ra bệnh khảm lá thì đó vẫn là điều rất tốt cho nông dân.

Trong quá trình khảo nghiệm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục tìm ra 2 giống tốt hơn, ít phân cành hơn, thích hợp với điều kiện Việt Nam hơn gồm: HN80 và HN97. Đặc biệt, đầu năm 2022, Viện đã chọn ra giống có kiểu hình thân thẳng, không phân cành, hàm lượng tinh bột cao và thích ứng với điều kiện canh tác của Việt Nam, đó là giống HN1 và HN36.

Nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá: Khó trăm bề!

Hệ số nhân giống của sắn khoảng 10 lần. Ví dụ, năm đầu có 1 ha sản xuất giống thì năm thứ 2 chỉ có 10ha, sang năm thứ ba chỉ nhân được 100ha, năm thứ 4 đạt 1.000ha.

Hiện nay, Tây Ninh đã có giống kháng được bệnh khảm lá là HN3 và HN5, nhưng diện tích đưa ra sản xuất còn rất hạn chế. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, Tây Ninh đã có giống kháng được bệnh khảm lá là HN3 và HN5, nhưng diện tích đưa ra sản xuất còn rất hạn chế. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, đang nảy sinh một vấn đề nan giải, đó là làm sao để đáp ứng được ngay nguồn giống sắn kháng bệnh cho người dân. Bởi thời điểm ban đầu, các giống sắn này chỉ được khảo nghiệm trên vài nghìn m2. Để nhân nhanh, đối tác tham gia khảo nghiệm cùng chúng tôi ở Tây Ninh đặt điều kiện chỉ cho Viện mang ra ngoài tỉnh từ 25% lượng giống, còn lại phải giữ lại để phục vụ sản xuất cho bà con. Đây là đề xuất hợp lý, vì diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn ở Tây Ninh là 100%.

Hiện nay, diện tích sản xuất giống sắn kháng bệnh khảm lá mới chỉ có vài chục ha, nên nguồn cung chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu thực của nông dân. Các địa phương khác hiện nay cũng rất sốt sắng vào cuộc, nhưng quan trọng là số lượng giống gốc ban đầu của chúng ta quá ít, thứ hai là không có kinh phí triển khai thực hiện việc nhân giống bằng công nghệ cao như nuôi cấy mô, nhân nhanh giống bằng nhà màng nên không thể nhân nhanh được.

Xưa nay, chúng ta chưa bao giờ có vấn đề về giống sắn, nên nông dân cần bao nhiêu thì gọi điện cho cơ sở kinh doanh giống chuyển đến. Chưa bao giờ nông dân chúng ta có khái niệm phải tổ chức ruộng chuyên nhân giống cho mình, chưa bao giờ có khái niệm phải đặt hàng trước để mua giống. Bởi vậy, khi dịch khảm lá sắn bùng phát, hệ thống cung ứng giống của chúng ta lúng túng.

Bệnh khảm lá đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất sắn những năm gần đây. Ảnh: NNVN.

Bệnh khảm lá đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất sắn những năm gần đây. Ảnh: NNVN.

Mặc dù Viện Di truyền nông nghiệp đã có hệ thống nhân giống In vitro (nuôi cấy mô), nhưng hệ số nhân của cây sắn rất thấp và giá thành sản xuất cao (khoảng 15.000 – 20.000/cây, người dân không thể chịu nổi), phương pháp này chỉ dùng để nhân giống đầu dòng.

Bên cạnh đó, Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp Úc (ACIAR) cũng đã hỗ trợ Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hưng Lộc, Đại học Tây Nguyên và một số đơn vị hệ thống nhân giống bằng nhà màng. Với một nhà màng khoảng 40m2 được trang bị hệ thống tưới tự động, nhà màng mỗi năm có thể đảm bảo cung cấp giống cho khoảng 1ha. Tuy nhiên chi phí cho nhà màng đã mất khoảng 50 triệu đồng, chưa kể tiền vận hành. Do đó, giá sắn giống nhân ra bằng cách này cũng không hề rẻ.

Cho nên, phương án thực thi nhất hiện đối với các địa phương vẫn là tổ chức sản xuất những giống truyền thống ở vùng chưa bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như ở miền Nam nhiễm bệnh nặng thì có thể lùi ra miền Trung, miền Bắc để sản xuất giống rồi đưa trở lại miền Nam. Đó là giải pháp tiết kiệm chi phí nhất. Tuy nhiên, muốn triển khai được thì cần có liên kết vùng, có doanh nghiệp đứng ra tổ chức (vừa khai thác thân làm giống, vừa khai thác củ để chế biến tinh bột); có sự hỗ trợ của nhà nước; có tổ chức kiểm soát mật độ bọ phấn trắng để không lây lan dịch bệnh.

Cần khẩn trương có chính sách, nguồn lực nhằm nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá để phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Cần khẩn trương có chính sách, nguồn lực nhằm nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá để phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian vừa qua, giá sắn nguyên liệu tăng cao thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích, dẫn đến tăng áp lực về nguồn cung giống. Trong khi đó, chúng ta chưa có hệ thống sản xuất giống sắn bài bản và chuyên nghiệp, đây là một “lỗ hổng” trong phát triển ngành hàng tỷ đô này.

“Một số quốc gia châu Phi như Tanzania, Uganda… sử dụng rất phổ biến ứng dụng Seedtracker (truy xuất nguồn gốc giống), có cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để kiểm soát. Những đơn vị có giống tiêu chuẩn, không bị bệnh, đạt năng suất, chất lượng tốt thì được đưa lên ứng dụng.

Người mua và người bán dễ dàng gặp nhau. Ứng dụng đó hữu ích không chỉ cho sắn mà có thể áp dụng cho rất nhiều giống cây trồng khác và vật tư nông nghiệp. Viện Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế IITA sẵn sàng chia sẻ phần mềm ứng dụng đó cho đối tác phía Việt Nam, tuy nhiên chúng ta rất cần có một cơ quan trọng tài ở giữa để quản lý ứng dụng này”.

(GS. TS Lê Huy Hàm).

Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất