| Hotline: 0983.970.780

Ngỡ ngàng năng suất giống lúa TBR97

Thứ Hai 25/04/2022 , 08:08 (GMT+7)

QUẢNG NAM Đi thăm lúa, nông dân ước năng suất ruộng lúa TBR97 chỉ khoảng 6 - 6,5 tấn/ha, nhưng khi gặt kiểm tra, năng suất lên tới xấp xỉ 10 tấn/ha, khiến ai cũng ngỡ ngàng!

Giống lúa TBR97 cho thấy khả năng thích ứng tốt tại mô hình trình diễn ở phường Cẩm Châu (TP Hội An, Quảng Nam). Ảnh: L.K.

Giống lúa TBR97 cho thấy khả năng thích ứng tốt tại mô hình trình diễn ở phường Cẩm Châu (TP Hội An, Quảng Nam). Ảnh: L.K.

Vụ đông xuân năm 2021 - 2022, Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP Hội An (Quảng Nam) triển khai mô hình sản xuất trình diễn giống lúa thuần TBR97 tại phường Cẩm Châu. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1ha ở cánh đồng Trường Lệ (phường Cẩm Châu) với 6 hộ dân tham gia.

Theo đại diện Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP Hội An, cũng như những địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, vụ đông xuân năm nay thời tiết tương đối bất lợi, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của bà con địa phương. Trong đó, vào thời điểm gieo sạ gặp phải trời mưa nên ảnh hưởng đến việc nảy mầm của lúa.

Tuy nhiên, giống TBR97 trong mô hình vẫn đạt tỷ lệ nảy mầm cao. Qua theo dõi, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, lúa trỗ đều nên năng suất đảm bảo. Bên cạnh đó, ruộng lúa cũng rất sạch sâu bệnh. Đặc biệt, với 2 loại sâu bệnh thường gặp ở địa phương là rầy nâu và đạo ôn thì giống TBR97 có khả năng chống chịu rất tốt.

Vừa qua, tại buổi tham quan đánh giá mô hình trình diễn giống lúa TBR97, khi nhìn vào ruộng lúa, hầu hết nông dân chỉ đánh giá năng suất đạt khoảng từ 60 - 65 tạ/ha. Cho đến khi tiến hành gặt thử nghiệm trên diện tích 1m2 để kiểm tra và năng suất thu được lên đến xấp xỉ 10 tấn/ha (lúa tươi) thì mọi người đều vô cùng ngỡ ngàng.

Nhiều nông dân vô cùng bất ngờ trước năng suất của giống lúa TBR97. Ảnh: L.K.

Nhiều nông dân vô cùng bất ngờ trước năng suất của giống lúa TBR97. Ảnh: L.K.

Nông dân Nguyễn Trung Thành (trú phường Cẩm Châu, TP Hội An), người trực tiếp tham gia mô hình sản xuất giống lúa TBR97 với diện tích 6 sào cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình ông tiếp cận và sử dụng giống lúa này. Qua quá trình canh tác, ông Thành đánh giá đây là giống lúa rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và năng suất đạt được ngoài sự mong đợi.

“Giống TBR97 có sức nảy mầm rất khỏe và đều. Lúa đẻ nhánh nhiều và hầu hết các nhánh đều trỗ bông. Bông lúa đều, tỷ lệ hạt chắc cao, dù lúc trỗ gặp trời mưa nhưng không hề bị lem lép hạt.

Đặc biệt, trong quá trình sinh trưởng đến khi thu hoạch, tôi không hề thấy ruộng lúa xuất hiện bất cứ loại sâu bệnh nào nên giảm đi được rất nhiều chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điểm nữa là năng suất TBR97 của gia đình tôi vụ này đạt đến hơn 80 tạ lúa khô/ha, cao nhất trong các giống từ trước tới giờ gia đình vẫn thường sử dụng”, ông Thành chia sẻ.

Với đặc tính bông ngắn, giấu bông nhưng tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, giống TBR97 đạt năng suất vượt trội. Ảnh: L.K.

Với đặc tính bông ngắn, giấu bông nhưng tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, giống TBR97 đạt năng suất vượt trội. Ảnh: L.K.

Qua theo dõi mô hình trình diễn giống lúa TBR97 từ đầu vụ sản xuất đến nay, bà Trần Thị Hồng Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP Hội An đánh giá, đây là giống lúa rất phù hợp với địa phương với nhiều đặc điểm nổi bật như: Thích ứng rộng, thấp cây, có khả năng chống đổ ngã tốt, mật độ sâu bệnh hại xuất hiện rất thấp nên không ảnh hưởng đến năng suất.

“Giống TBR97 có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ đông xuân từ 100 - 105 ngày, vụ hè thu từ 90 - 95 ngày nên sẽ hạn chế được những thiệt hại nếu thiên tai xuất hiện vào cuối vụ. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục thực hiện thêm nhiều mô hình trình diễn ở các địa phương khác trên địa bàn Thành phố, từ đó có thêm những đánh giá làm cơ sở để đưa vào cơ cấu sản xuất giống trên địa bàn TP Hội An”, bà Trang nói.

Theo ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên, đối với giống TBR97, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn, khảo nghiệm ở rất nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trên nhiều chân đất khác nhau. Hầu hết các mô hình khảo nghiệm, giống lúa này đều phát huy các ưu điểm về năng suất, khả năng chống chịu đổ ngã, sâu bệnh…

“Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để đến tháng 6/2022, giống TBR97 được công nhận chính thức. Từ đó sẽ đáp ứng đủ điều kiện mở rộng sản xuất trên quy mô, diện tích lớn hơn. Cùng với đó, Công ty cũng sẽ luôn sát cánh, đồng hành với người dân để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây lúa”, ông Phú nói.

Xem thêm
Từ tiểu thương bán rau đến đại lý cấp I kinh doanh heo giống, cám Japfa

Quảng Ngãi Năm 2012, chị Duyên quyết định dồn hết vốn liếng xây dựng trại nuôi 50 heo thịt và mở cửa hàng kinh doanh cám của Japfa Việt Nam. Hướng đi này giúp chị thành công.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

TP Hạ Long thả 200.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

QUẢNG NINH Lãnh đạo cùng nhân dân TP Hạ Long đã tiến hành thả 200.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại tôm sú, cá vược, cá tráp về môi trường tự nhiên.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất