| Hotline: 0983.970.780

Ngô sinh khối vụ đông 'cháy hàng'

Thứ Tư 27/01/2021 , 14:39 (GMT+7)

Rét đậm kéo dài khiến nhiều diện tích trồng cỏ bị chết hoặc chậm phát triển. Thức ăn thô xanh cho gia súc khan hiếm nên ngô sinh khối thường xuyên 'cháy hàng'.

Ghi nhận trên địa bàn các xã Hồng Châu, Liên Châu... (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), các diện tích trồng ngô sinh khối vụ đông 2020 hiện cơ bản đã thu hoạch xong. Các trà ngô sinh khối trồng trên đất lúa cũng đang được khẩn trương thu hoạch, giải phóng đất để sẵn sàng lấy nước đổ ải để gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021. Năng suất cũng như giá bán ổn định ở mức tương đối cao, người dân phấn khởi bắt tay vào làm đất gieo ngô vụ 1 năm 2021.

Ngô sinh khối năng suất ước đạt 1,5-1,7 tấn/sào, giá bán hiện tại từ 1 - 1,3 triệu/sào. Ảnh: Trung Quân

Ngô sinh khối năng suất ước đạt 1,5-1,7 tấn/sào, giá bán hiện tại từ 1 - 1,3 triệu/sào. Ảnh: Trung Quân

Anh Bùi Văn Trường, thôn Kim Lân, xã Hồng Châu (Yên Lạc), người tiên phong trong việc trồng ngô sinh khối tại địa phương cho biết, được Trạm Khuyến nông huyện vận động khuyến khích trồng ngô sinh khối, anh đã đưa giống về trồng thử nghiệm, cho kết quả rất khả quan.

Anh Trường đã mạnh dạn gom đất của nhiều hộ gia đình không có nhu cầu sản xuất vụ đông lại thành diện tích lớn, thuận tiện cho việc đưa máy móc vào canh tác. Vụ đông năm nay, gia đình anh đã gom tập trung được 20 mẫu để trồng giống ngô sinh khối.

Anh Trường chia sẻ: Ngô sinh khối có đặc tính khác ngô trồng lấy hạt thông thường là cây phát triển nhanh, thân và lá to, xanh tới cùng từ lá gốc đến ngọn khi thu hoạch. Thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ từ 65-70 ngày (ngắn hơn từ 20-25 ngày so với giống ngô lấy hạt thông thường). Vì vậy, ngô sinh khối có thể trồng 4 vụ/năm (ngô lấy hạt thông thường chỉ trồng được 2-3 vụ/năm).

Vụ đông năm 2020, anh Trường cho biết các diện tích trồng các giống ngô chuyên về sinh khối đã cho năng suất ước đạt 1,5-1,7 tấn/sào (giống ngô thường lấy hạt, nếu thu sinh khối chỉ đạt 1,1 - 1,3 tấn/sào). Với giá bán hiện tại từ 1-1,3 triệu/sào, trừ chi phí cho lãi khoảng 400.000 - 500.000 đồng/sào. Riêng vụ đông năm nay, với tổng diện tích trồng ngô sinh khối gần 20 mẫu, anh Trường ước thu lãi 100 triệu đồng.

Vụ đông năm nay, nhiều hộ dân tại xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cũng đã quyết định chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối.

Bà Tình, một hộ dân có 6 sào trồng ngô sinh khối vui vẻ: Thời tiết vụ đông rét đậm kéo dài, khiến nhiều diện tích cỏ của người dân trong vùng bị chết hoặc chậm phát triển. Vì vậy nguồn thức ăn thô xanh phục vụ cho chăn nuôi gia súc, nhất là cho bò sữa, bò thịt trên địa bàn khan hiếm hơn mọi năm.

Người dân khẩn trương thu hoạch các trà ngô sinh khối trên đất lúa, giải phóng đất để lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Trung Quân

Người dân khẩn trương thu hoạch các trà ngô sinh khối trên đất lúa, giải phóng đất để lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Trung Quân

Vì vậy thời gian qua, có tới 90% người dân trong vùng thay vì mục đích trồng ngô lấy hạt, đã chuyển sang thu hoạch sớm để bán ngô sinh khối. Đặc biệt với những giống ngô chuyên về sinh khối, thân to và xanh, có hàm lượng dinh dưỡng cao nên được người chăn nuôi, cũng như các doanh nghiệp rất ưa chuộng, các diện tích đều được thu mua hết với giá tương đối cao.

“Trồng ngô lấy hạt thông thường, vừa tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch, trong khi giá bán lại bấp bênh lên xuống thất thường. Trong khi đó giá bán ngô sinh khối rất ổn định giữa các vụ trong năm, từ 800.000-1,3 triệu/sào, những ruộng tốt hơn sẽ có giá cao hơn", bà Tình cho hay.

Ông Trương Văn Chức, tổ trưởng Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp thôn Kim Lân (xã Hồng Châu) chia sẻ: Tổng diện tích trồng ngô sinh khối của tổ hợp tác vụ đông 2020 khoảng 3 ha, hiện đã thu hoạch gần xong. Còn một số diện tích nhỏ thương lái đã đặt tiền, còn lại đã giải phóng đất, người dân đang bắt đầu gieo trồng vụ ngô tiếp theo.

Cũng theo ông, với cách thức thu mua cả thân và bắp để nghiền làm thức ăn chăn nuôi, ngoài hàm lượng dinh dưỡng của cây được đánh giá cao, trâu bò ưa thích thì việc thu mua trọn gói giúp cho vệ sinh các cánh đồng trồng sạch sẽ hơn, không còn tình trạng bẻ bắp xong thân cây không tiêu thụ hết người dân chặt bỏ, để bừa bãi dọc các đường đi.

Ông Vũ Văn Hán, Phó chủ tịch xã Hồng Châu cho hay: Vụ đông 2020, tổng diện tích trồng ngô của xã 297 ha, trong đó có 100 ha là người dân bán ngô sinh khối. Hiệu quả kinh tế của ngô sinh khối cao hơn trồng ngô lấy hạt thông thường, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Người trồng ngô tại Vĩnh Phúc đã thu hoạch xong ngô sinh khối vụ đông 2020, bắt đầu gieo trồng ngô vụ 1 năm 2021. Ảnh: Trung Quân

Người trồng ngô tại Vĩnh Phúc đã thu hoạch xong ngô sinh khối vụ đông 2020, bắt đầu gieo trồng ngô vụ 1 năm 2021. Ảnh: Trung Quân

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là muốn hình thành vùng trồng ngô sinh khối tập trung lớn, cần phải có sự thống nhất chung của nhiều hộ dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong khi đó, người dân hiện vẫn có thói quen sản xuất theo cách tự phát, mỗi hộ tự mua một giống, bán ngô cho các thương lái khác nhau... Vì vậy, rất khó khăn trong việc đảm bảo tính ổn định vùng nguyên liệu để chào mời các doanh nghiệp vào đầu tư, bao tiêu.

Ngoài ra, việc mở rộng diện tích ngô sinh khối trong khi khả năng tiêu thụ chưa rõ ràng rất có thể sản xuất ồ ạt dẫn tới dư thừa, làm mất cân đối an ninh lương thực trong phạm vi xã. Vì vậy, nên khuyến cáo bà con tập huấn kỹ thuật, trồng theo hướng dẫn, tuần thủ nghiêm ngặt yêu cầu của phía tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định... 

Ông Lê Quang Minh, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Yên Lạc nhận định: Giống ngô sinh khối bước đầu trồng trên đất bãi của địa phương cho những kết quả rất khả quan. Nếu chăm sóc tốt, năng suất tối đa 1 sào ngô sinh khối có thể đạt được là từ 1,8-2 tấn.

Cây sinh trưởng mạnh nên người trồng giảm được nhiều công cũng như chi phí chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn nên thuận lợi trong việc tăng vụ trong năm, phù hợp cả với diện tích đất nhàn rỗi giữa 2 vụ lúa. 

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện, cũng như Trạm khuyến nông sẽ tích cực hỗ trợ người dân trồng ngô về giống, thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật để người dân hiểu rõ, nắm vững cách thức canh tác cũng như những lợi ích kinh tế của việc trồng ngô sinh khối mang lại.

Huyện sẽ tạo điều kiện để người dân tiến hành dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất tập trung, trên cơ sở đó phát triển mạnh việc chăn nuôi đàn đại gia súc...

Xem thêm
Xây chuỗi liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dê, cừu

NINH THUẬN Việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi giúp người dân có đầu ra ổn định, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dê, cừu Ninh Thuận trên thị trường.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Nếu không đi đường mới chỉ còn cách dừng lại

PHÚ THỌ Nhiều hộ chăn nuôi lợn xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ái ngại khi thấy anh Phạm Trung Hiếu tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) cho toàn bộ đàn lợn của mình.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất