Xin visa đi Mỹ vốn là một việc khó cho công dân bất kỳ quốc gia nào. Nào chứng minh mục đích, nào chứng minh tài chính, nào giấy mời của tổ chức, nào qua Mỹ định làm gì, ở lại trong bao lâu, có người thân không...
>> Cho em xin… một đứa con
>> Chuyện con cá, mớ rau đến cái ô tô
>> Năm ngày trên đất Vạn Tượng
Lắm khi đã trải qua tất cả các vòng, tưởng thở phào nhẹ nhõm đến khi phỏng vấn trực tiếp, hỏi tại sao đi Mỹ, hồn nhiên trả lời: “Tôi thích đi Mỹ vì yêu nước Mỹ” cũng bị đánh trượt cái roẹt.
Chính phủ xứ sở cờ hoa rất sợ người nào yêu nước Mỹ quá mà trốn ở lại sau chuyến đi thì rắc rối to. Xin visa Mỹ lắm lúc được ví như bắc thang lên giời là vì vậy. Ở Mỹ hiện tại có một cộng đồng khá đông Lào kiều đặc biệt là người H’Mông. Nhu cầu đi thăm thân nhân rất lớn nhưng không vì thế mà xin visa ở sứ quán Mỹ lại dễ dàng hơn.
Ở Lào trước khi đi xin visa Mỹ hầu như ai ai cũng tìm đến Wat Si Muang hay còn gọi là chùa Sỉ Mương để cầu khấn thần linh phù trợ cho qua được cửa ải “lên giời”.
Chùa Sỉ Mương
Chuyện rằng có người đến vòng phỏng vấn, đại diện sứ quán Mỹ hỏi đùa rằng: “Ông xin visa đi Mỹ thế đã qua chùa Sỉ Mương cầu chưa?”. Người xin visa đáp: “Tôi không những đã qua chùa Sỉ Mương rồi mà còn dẫn theo cả một ông sư ở chùa đó đến đây”, rồi chỉ tay vào một người đầu trọc đang đứng nhẫn nại ở phía xa xa, tay lần lần tràng hạt.
Thần phật nào ở chùa Sỉ Mương mà có thể khiến cho những người thời đại tên lửa vũ trụ này tin tưởng đến thế? Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ năm 1566, là nơi thờ cột trụ thiêng của TP Viên Chăn. Người Lào rồi người Thái, người Hoa, người Việt và rất nhiều khách du lịch khắp năm châu bốn biển khi đến đất Triệu Voi đều mong muốn được ghé Sỉ Mương một lần để cầu an, cầu phúc, cầu tài, cầu sức.
Truyện xưa kể rằng khi xây dựng thủ đô Viên Chăn, vua Lào đã chấm chọn một khu đất tại huyện Sỉ Xắc Ta Nạt để dựng cây cột trụ thiêng liêng khẳng định chủ quyền của nước Vạn Tượng.
Vua còn cho sứ giả bắc loa kêu gọi thần dân trăm họ tìm một người tình nguyện hiến dâng thân mình làm mốc thiêng cho Tổ quốc. Chọn được một ngày lành, tháng tốt, đức vua cho dựng đàn xã tắc cúng trời đất, thần linh rồi truyền lệnh cho binh lính đào hố chôn cột trụ. Đột nhiên từ dưới lòng đất một cột nước phun vọt lên, cao ngang trời không thể nào dựng được cột.
Nàng Sỉ, một phụ nữ đang mang thai đang đứng xem dựng cột thấy vậy bỗng nhảy xuống hố để lấp mạch nước ngầm. Tròn một trăm ngày sau, như có một phép lạ mạch nước ngầm bỗng liền da, liền thịt, thẳm sâu trong lòng đất trồi lên một cây cột.
Người dân thấy sự lạ cứ quỳ mọp xuống mà khấn vái liên hồ rồi lấy gạch xây vây xung quanh cột trụ ấy thành một ngọn đồi nhỏ. Để tưởng nhớ Nàng Sỉ quyên thân họ gọi ngọn đồi đó là Chau Me Sỉ Mương tức mẹ Sỉ làm chủ đất nước. Nàng Sỉ là vị thần bảo vệ cho thành phố Viên Chăn, là dấu mốc đặc biệt cho một đất nước từng nổi tiếng với những người hùng trên lưng voi chiến.
Tượng ở sân chùa
Chùa Sỉ Mương tọa lạc ngay trung tâm thành phố, rất gần dòng Mê Kông chia cắt biên giới Thái - Lào. Ngoài sự tích cổ trên chùa Sỉ Mương còn sở hữu vô số chuyện kỳ bí khác. Gần đây nhất là chuyện đôi chim hạc về chầu mẹ Sỉ.
Đã trăm mùa trăng tròn rồi trăng lặn, ngày ngày đôi hạc đi kiếm ăn rồi cư ngụ ngay trên hòn giả sơn sau hậu điện nhưng chẳng bao giờ chúng dám đặt chân xuống sân.
Người bảo đó là linh hồn của mẹ Sỉ đã nhập vào đôi chim hạc mà về phù độ cho đất nước an lành, tươi đẹp. Kẻ lại đồn đôi chim là sứ giả của trời cử đến để… dự báo thời tiết bởi chúng dự báo cực chuẩn. Nếu trời đang mưa tầm tã mà nghe tiếng “v…ạc, v…ạc” bỗng chuyển nắng ấm ngay và ngược lại.
Trong chùa Sỉ Mương còn có hòn đá thiêng giống hình cái sừng tê giác khổng lồ nặng chừng 20 kg. Khi cầu nguyện chuyện gì cho bản thân, muốn biết điều mình xin thần phật có chứng dám không người ta thường dùng hai tay nâng tảng đá. Nếu ứng, hòn đá nặng cũng chẳng khác gì cái bị bông, nếu không ứng, hòn đá sẽ nặng đúng đến từng gram trọng lượng của nó khi chịu lực hấp dẫn của trái đất.
Nâng hòn đá thiêng
Trong lặng lẽ khói nhang, gõ một tiếng cồng, tôi quỳ xuống bên bàn thờ Phật rồi nâng hòn đá. Dù cố sức nhưng vẫn thấy sao mà hòn đá nó nặng thế. Một lúc sau khi được vị sư ở chùa buộc chỉ cổ tay và vẩy cho chút nước thánh, lần thứ hai tôi bê thử, hòn đá bỗng dâng vọt quá đầu.
Chỉ cách Sỉ Mương độ mươi phút chạy xe là Thạt Luổng - một nơi hiếm hoi trên thế giới tương truyền còn lưu giữ xá lợi (xá lợi thường là những vật còn sót của các vị phật, thiền sư sau khi hỏa táng - PV) của đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập cõi niết bàn là một sợi tóc.
Thạt Luổng là ngôi tháp cổ lớn nhất của Lào với đáy hình vuông 90m x 90m, chiều cao 45m, khởi dựng từ năm 236 Phật lịch (tức năm 307 trước công nguyên). Trung tâm của Thạt Luổng là một đài sen vàng cách điệu với những cánh hoa đang nở tung giữa trời. Đỉnh tháp lớn tượng trưng cho núi vũ trụ, các tháp nhỏ vây quanh tượng trưng cho những vòng của núi và các bậc tam cấp khắc hình thủy quái là những đại dương.
Một vị sư đang tranh thủ đọc sách
Đây là hình ảnh của cõi niết bàn theo trí tưởng tượng của người Lào cổ-nơi giải thoát cõi người khỏi ba loại khổ. Cả ngọn tháp được bao bọc bằng một chất liệu đặc biệt óng ánh giống như vàng ròng. Thư tịch cổ còn chép rằng khi xưa toàn bộ tháp được lợp bằng vàng lá nhưng lúc chiến tranh, lớp vàng trên bị ngoại bang lột sạch mang về nước.
Mưa gió vần vũ, trời đất tối sầm Thạt Luổng vẫn sáng lấp lánh. Trời quang, mây tạnh, tòa tháp lại tỏa sáng như có muôn vạn hào quang sáng rỡ giữa nền trời Viên Chăn xanh ngằn ngặt. Thạt Luổng trở thành biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên đồng tiền kíp và quốc huy.
Cứ vào tuần trăng tròn của tháng mười một hằng năm, lễ hội Thạt Luổng lại được tổ chức long trọng ba đêm liền với nghi thức như tắm Phật, dâng cơm, cầu phúc, giảng kinh, rước nến… Trong tâm thức người Lào, đến Thạt Luổng không chỉ cầu phúc, cầu bình an mà còn tưởng nhớ về thời Xệt Tha Thi Lạt đã bảo vệ cho nước Lan Xạng (tên nước Lào cổ) trước ách xâm lược của quân Miến Điện. |