| Hotline: 0983.970.780

Ngôi đình thờ Phò mã Quận công

Thứ Năm 10/06/2021 , 07:26 (GMT+7)

Ngôi đình được vua Khải Định phong sắc, linh thiêng đến nỗi giặc không dám đốt, thờ Cao Sơn Đại Vương, Sơn thần, Thổ địa và Phò mã Quận công Phạm Bá Yên…

Đình Làng Dọc ngày nay. Ảnh: Thái Sinh.

Đình Làng Dọc ngày nay. Ảnh: Thái Sinh.

Đình Làng Dọc trước đây thuộc xã Minh Phú nằm dưới chân núi Nả nay thuộc xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ngôi đình được xây dựng đầu thế kỷ XIX đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Những năm chiến tranh chống Pháp, người dân chạy loạn lên rừng, đình bỏ hoang không người hương khói, nhưng vào ngày rằm, mùng một nhiều binh lính đóng đồn cạnh đó đã mang hương đến thắp cầu mong thần linh phù hộ không bị tử trận.

Ông Phạm Gia Liễn, thủ từ đình Làng Dọc là hậu duệ đời thứ 11 của cụ tổ Phạm Bá Vạy đã khai khẩn mở mang một vùng đất rộng lớn từ xã Việt Hồng thuộc huyện Trấn Yên đến xã Đại Lịch huyện Văn Chấn từ năm 1706. Ông cho biết: Đình trước kia các cụ xây dựng ở dưới cánh đồng thờ cụ tổ họ là Phạm Bá Vạy, tổ họ Phạm đời thứ hai Phạm Bá Lực cùng tổ các họ Nguyễn, Hoàng, Hà, Vũ, Lê. Do chiến tranh loạn lạc không người chăm nom coi sóc nên ngôi đình bị đổ nát, năm 1944 người dân chuyển ngôi đình lên phía trên cách ngôi đình cũ chừng 200m, tôn thờ thêm cụ tổ họ Phạm trước đây thờ ở đình Bằng Là ở xã Đại Lịch đã đổ nát. Năm 1970 đình lại dịch chuyển lên phía trên đồi cao hơn 5m, hướng đình vẫn quay theo hướng Tây Nam. Từ đó đến nay đình đã hai lần được trùng tu và nâng cấp, năm 2019, hai người con làm ăn xa ở tỉnh Lào Cai đã cung tiến để xây dựng thêm một số hạng mục đáp ứng sự mong đợi của người dân.

Ông Phạm Gia Viễn (phải) cho xem sắc phong của vua Khải Định ban cho đình Làng Dọc. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Phạm Gia Viễn (phải) cho xem sắc phong của vua Khải Định ban cho đình Làng Dọc. Ảnh: Thái Sinh.

Nội dung sắc phong. Ảnh: Thái Sinh.

Nội dung sắc phong. Ảnh: Thái Sinh.

Xung quanh ngôi đình Làng Dọc có nhiều chuyện rất ly kỳ không thể giải thích nổi. Đó là năm 1947 Việt Hồng bị giặc Pháp chiếm đóng, chúng đóng đồn cách đình khoảng 500m, nhưng cả lính Tây lẫn lính ta đều không dám đốt hay phá phách. Vì theo lời đồn ngôi đình rất linh thiêng, nếu người nào lấy của đình dù một bông hoa cũng bị các thánh, thần phạt không chết thì cũng bị ốm đau liểng xiểng, gia tài thất tán. Chính vì thế, vào ngày rằm, mùng một nhiều binh lính mang hương hoa, thuốc lá vào đình khấn vái, cầu mong thành hoàng và Cao Sơn Đại Vương, Sơn thần, Thổ địa phù hộ trì cho họ được bảo toàn tính mạng khi ra chiến trận.

Ngôi đình nhìn ra dòng suối nước trong xanh bốn mùa có một mỏ nước ngầm phun trào không bao giờ cạn mặc dù trời có hạn hán đến mấy, các cụ nói đó là long mạch của làng, lưng đình tựa vào núi Hận theo thế: Tựa sơn thủy bọc. Phía trên mỏ nước có một phiến đá to in dấu chân ngựa. Tương truyền rằng đó là dấu chân ngựa của người xưa lên đây khai mở mảnh đất này.

Ông Phạm Gia Viễn cho hay: Đình Làng Dọc được vua Khải Định ban cho 3 sắc phong, hiện ông đang giữ cả 3 sắc phong đó. Chúng tôi thuyết phục mãi ông mới mở chiếc hòm sơn son thiếp vàng đặt trên bàn thờ tổ tiên cho chúng tôi xem, trong đó có một sắc phong cho Quận công Phò mã Phạm Bá Yên con thứ 4 tổ họ Phạm Bá Vạy đang được thờ trong đình Làng Dọc.

Chuyện về Quận công Phò mã Phạm Bá Yên có nhiều dị bản. Tương truyền rằng Phạm Bá Yên quê xã Kinh Chủ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là con cháu Trúc Công, do có công nên được vua Hùng đời thứ hai phong làm Thái sư. Sau khi đỗ thám hoa vào năm Nhâm Tuất 1742, Phạm Bá Yên do thấy nhà vua nhu nhược, luôn thay ngôi đổi hiệu nên đã bỏ đất kinh thành ngược sông Hồng lên khu vực núi Nả làm nghề đốn gỗ buôn bè.

Ngồi trên bè giữa đêm trăng thanh gió mát chàng cất giọng hát: “Đêm thu gió mát tranh thanh/ Buồn tình nhớ mối buộc anh thả bè/ Sông sâu nước đục lờ đờ/ Cắm sào đợi biết bao giờ cho trong/ Sông Thao nửa đục nửa trong/ Phòng loan kín cửa biết nàng đợi ai?/ Lầu tầm thoa phấn soi gương/ Nào ai thấu hết cảnh buồn này chăng…”. Nghe tiếng hát mê hồn và buồn da diết, công chúa Liễu Hoa tức Lê Thị Dong mới sai lính ra xem ai hát mà sao hay đến vậy. Cả đêm ấy công chúa không thể nào chợp mắt vì tiếng hát như bùa mê khiến nàng cứ ngẩn ngơ. Sáng hôm sau nàng tâu với vua vời chàng vào cung xem mặt và nghe chàng hát.

Vua hỏi về gia đình, tông thất, nghề nghiệp… Phạm Bá Yên trả lời lưu loát, vua bảo: Ta nghe nói nhà ngươi có giọng hát hay nên mời vào đây, người hãy hát cho ta nghe để xem có đúng như lời đồn đại không?

Không ngần ngại Phạm Bá Yên đã hát cho vua và mẫu hậu nghe, giọng hát của Phạm Bá Yên đã làm cho nhà vua và mẫu hậu mê mẩn đúng như lời đồn đại. Sau đó nhà vua ngỏ lời gả công chúa Liễu Hoa cho chàng, Phạm Bá Yên đồng ý, hai người kết duyên vợ chồng, được nhà vua phong là Phò mã Quận công, cử  lên vùng núi phía Bắc trấn ải, quản lãnh phủ Quy Hóa gồm 3 huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Lập và hai châu Văn Bàn, Thủy Vĩ với 18 tổng. Tại đây, Phạm Bá Yên cho đắp lũy xây thành để ngăn cản khi giặc phương Bắc tràn tới.

Thương nhớ chồng nơi núi rừng xa xăm, công chúa Liễu Hoa cùng hai nàng hầu Đào Hoa và Phương Hoa dắt theo một toán lính cận vệ ngược sông Hồng tới nơi Phạm Bá Yên xây dựng doanh trại. Khi tới hang Bài thuộc Làng Dọc ngày nay, nàng hầu Đào Hoa bị con trăn gió giết chết. Lính túc vệ báo tin cho Phạm Bá Yên, nhưng chỉ nói tên Hoa bị nạn, ngờ rằng vợ mình đã chết nên Phạm Bá Yên vội lên ngựa phóng đi, tới dốc Lồng thì ngựa bị trượt chân rơi xuống vực, khiến cả người và ngựa đều chết. Mộ Phạm Bá Yên được người dân chôn trên núi Dêu.

Công chúa Liễu Hoa hay tin chồng mất, nàng không trở về kinh thành mà ở lại cùng dân bản xứ trông nom ngôi mộ của chồng. Khi nào nhớ mẹ cha, nàng lại trèo lên ngọn núi cao nhất vùng nhìn về kinh đô. Sau 3 năm mãn tang chồng công chúa Liễu Hoa tự vẫn để thể hiện sự thủy chung của mình. Ngọn núi nơi công chúa ngóng trông, người dân đặt tên là núi Tiết Nghĩa Viên, ngày nay gọi là núi Nả.

Chuyện ấy được ghi trong gia phả họ Phạm xã Việt Hồng, ngoài ra còn có dị bản kể rằng: Do có giọng hát hay nên Phạm Bá Yên được vua mời vào cung. Phạm Bá Yên kể rằng quê hương mình ở trên núi cao nhưng vô cùng giàu có: Đũa sơn son bít bạc hai đầu/ Mâm lọng bát Tàu, ăn đâu bỏ đó… Thực ra là đũa bằng thân trúc cắt ra, mâm cơm trải ra bằng lá chuối, bát Tàu chính là những tàu lá dong. Công chúa thấy lạ lên sai lính túc vệ đưa nàng lên thăm quê hương của Phạm Bá Yên. Khi tới Vân Hội thì bị rắn độc cắn chết, được tin công chúa đã tin lời nói dối của mình mà chết oan uổng nên Phạm Bá Yên vô cùng ân hận, chàng lên núi tự vẫn. Ngọn núi ấy có tên là núi Hận.

Vùng đất Phạm Bá Yên thay mặt nhà vua thống lĩnh đội quân để bảo vệ đất đai, biên ải dưới chân núi Nả nhân dân dựng nhiều ngôi đình: Bản Chao, Minh Phú, Đồng Yếng, Làng Dọc, Vần, Thanh Bồng, Bằng Là, Làng Chùa, Mường Mỵ… Những ngôi đình này không chỉ thờ thành hoàng mà còn thờ Mẫu thượng ngàn, mẫu Âu Cơ, Cao Sơn Đại Vương và những người có công khai khẩn đất đai lập nên làng bản, như Phạm Văn Vạy, cha của Phạm Bá Yên, Đức thượng lang Phò mã Quận công Phạm Bá Yên…

Vua Khải Định năm thứ 9, ngày 25/7/1924 đã 3 lần phong sắc cho đình Làng Dọc, đạo sắc ghi như sau: “Sắc cho xã Minh Phú, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái phụng sự đấng tôn thần đệ nhất Cao Sơn Đại Vương: Thần có công phù trợ nước, che chở cho dân, linh ứng đã tỏ rõ. Nay trẫm nhân dịp đại lễ mừng thọ tứ tuần, ban chiếu báu tuyên rõ ân sâu, làm lễ thăng bậc, phong cho là thượng đẳng thần Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng, cho phép phụng thờ. Mong ngài che chở, phù hộ cho dân của trẫm. Vậy nay ban sắc”.

Ông Phạm Gia Viễn (trái) nói chuyện với tác giả. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Ông Phạm Gia Viễn (trái) nói chuyện với tác giả. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Ông Phạm Gia Viễn cho biết: Lễ hội đình Làng Dọc một năm hai lần tổ chức. Lễ hội mùa xuân tổ chức vào hai ngày 3 - 4 tết âm lịch, cỗ cúng đình có cỗ chay là hoa quả, xôi, oản, chè lam, cỗ mặn có xôi nhuộm đỏ, đen, thịt gà, lợn, rượu, vàng, hương… Lễ hội mùa thu tổ chức vào hai ngày 13 - 14/7 âm lịch, cỗ cúng là thịt những con vật có sừng như trâu hoặc dê. Cúng đình tháng 7 còn có cúng hèm lập đàn dưới gốc cây to cạnh đình, thầy cúng vừa cúng vừa đánh trống đất…

Sắc phong được đựng trong ống quyển cất trong hòm đặt trên bàn thờ. Ảnh: Thái Sinh.

Sắc phong được đựng trong ống quyển cất trong hòm đặt trên bàn thờ. Ảnh: Thái Sinh.

Ngày nay lễ cúng đình Làng Dọc không cầu kỳ như ngày xưa, 3 năm mổ lợn, 1 năm mổ dê. Lễ hội cúng đình Làng Dọc thu hút nhân dân các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Thái… ở 7 mường và 14 bản từ Việt Hồng đến Đại Lịch, Chấn Thịnh. Ngoài việc cúng bái tổ tiên, lễ đình còn tổ chức các lễ hội dân gian để người dân cùng tham gia.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm