Không xâm phạm vùng biển nước ngoài
Những ngày đầu tháng 10, tàu cá mang kiểm soát KH 91478 TS, ở phường Xương Huân, TP Nha Trang (Khánh Hòa) do ngư dân Nguyễn Văn Hổ làm thuyền trưởng đã trở về cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang sau hơn 20 ngày bám biển tại ngư trường Trường Sa.
Gặp chúng tôi,ngư dân Nguyễn Văn Hổ, cho biết, trước khi cấp bến, tàu ông đã báo cho cơ quan chức năng tại cảng trước 1 giờ theo quy định. Và sau khi cập cảng ông cũng đã nộp nhật ký khai thác thủy sản và khai báo sản lượng đánh bắt đầy đủ.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Hổ, tàu ông hành nghề lưới rê, chuyến này cập cảng được 5 tấn cá chủ yếu cá sọc dưa, cá chù và cá cờ, doanh thu khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 140 triệu. Nhờ vậy mỗi người (11 lao động-PV) được chia tiền “bỏ túi” khoảng 7 triệu đồng.
“Thời gian qua, tàu của tôi chấp hành nghiêm pháp luật khi khai thác hải sản trên biển. Tàu đã cấp các giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận an toàn kỹ thuật, an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Khi bám biển, chúng tôi chỉ đánh bắt các loại cá được phép, không đánh bắt cá nguy cấp, quý hiếm như cá nhám, cá nạn, rùa biển…Đặc biệt, tàu chưa bao giờ vi phạm vùng biển nước ngoài”, ngư dân Hổ bộc bạch.
Theo ghi nhận chúng tôi nhiều tàu cá Khánh Hòa đã làm đầy đủ thủ tục để vươn khơi bám biển. Trong đó, có tàu KH 90117 TS của ngư dân Trần Hùng, ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang).
Ngư dân Trần Hùng, cho biết, để vươn khơi ông đã thông báo cho cơ quan chức năng, cung cấp danh sách thuyền viên để làm giấy rời cảng theo quy định. Từ khi xuất bến cho đến khi trở về cảng, tàu luôn bậc thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng biết mình không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo ông Hùng, thời gian qua tàu ông cũng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia khai thác hải sản trên biển nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Ngư dân đã nâng cao ý thức
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), cho biết, để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi ra khơi đánh bắt hải sản trên biển, thời gian qua Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền cho các ngư dân về Luật Thủy sản 2017; Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản; Nghị định 26 quy định chi tiết một số điều về thực hiện Luật Thủy sản và 8 Thông tư của Bộ NN-PTNT.
Bên cạnh đó, Chi cục đã được trang bị 4 tàu và 4 ca nô nên thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác IUU trên biển. Song song quá trình tuần tra, lực lượng chức năng của đơn vị cũng tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện đúng các quy định pháp luật thủy sản.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, qua tuyên truyền đa phần bà con đã có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật trên biển. Tuy nhiên, một số ít bà con vẫn còn vi phạm pháp luật như sử dụng điện trong khai thác thủy sản, làm nghề cấm…Nguyên nhân do nghề nghiệp bà con không ổn định, phương tiện nhỏ nên lén lút thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với những trường hợp này, ngoài việc xử lý vi phạm, cơ quan chức năng còn tuyên truyền hướng dẫn bà con chuyển đổi sang nghề thân thiện môi trường được phép hoat động trong Luật Thủy sản.
Hiện nay, hầu hết các tàu đều chấp hành tốt khai báo khi rời cảng và cập cảng theo quy định; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; mở thiết bị giám sát hành trình từ khi đi vươn khơi đến khi cập bến. Đặc biệt, các tàu không đánh bắt các loài hải sản nguy cấp, quý hiếm như cá nạn, cá mập, nhám, rùa biển…Điều này thể hiện qua theo dõi tại các văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá và giám sát Ban quản lý cảng cá không phát hiện đối tượng thủy sản nguy cấp, quý hiếm được bốc dễ đưa lên cảng.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, 9 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức 336 đợt tuần tra, kiểm tra trên biển, tịch thu súng điện 17 cái, tạm giữ tang vật (giã cào tuýt, cào sò) 20 cái. Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp, gần 600 triệu đồng.