Ngư dân xã Ngư Thủy Trung xuống biển đánh cá đèn
Lão ngư Nguyễn Bíu (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) đứng ở bãi biển, giọng cứ oang oang át cả tiếng sóng: “Từ đầu tháng 5 đến nay, nước biển ấm dần nên cá xuất hiện nhiều. Cả đội thuyền gần mười người làm hết công suất mà vẫn không kịp để vớt và ướp cá”.
Đợt ra khơi vừa rồi, tàu của gia đình ông đánh bắt được trên 2 tấn cá thu, bán với giá trung bình 100.000 đ/kg, thu được hơn 200 triệu đồng...
Biển êm
Thời điểm này, nhiều ngư dân ở các xã ven biển tỉnh Quảng Bình phấn khởi vì trúng mùa cá thu, cá nục, cá ngừ nhỏ và đặc biệt là cá hố. Nói như ngư dân Nguyễn Bíu thì năm nay có thể xem là được mùa biển. Mặt khác, trong vụ cá Nam (tính từ tháng 3- tháng 8 âm lịch) thời tiết cũng khá êm, ít khi thất thường nên ngư dân ra khơi được nhiều lần hơn. Ngoài khơi cũng ít xảy ra lốc tố... nên bà con không bị thiệt hại lớn như những năm trước.
“Nếu so với năm ngoái thì đến cuối tháng 8 âm lịch như vậy ngư dân cũng chịu 2-3 cơn bão, áp thấp lớn rồi. Mà mỗi lần như vậy cũng phải nghỉ biển có khi cả tháng”, ông Bíu cho hay.
Thôn Hạ Thôn (xã Bảo Ninh) có nhiều ngư dân sắm tàu lớn chuyên khai thác cá thu xuất khẩu. Ông Đào Hải, chủ tàu cá vừa có chuyến đi biển về hồ hởi: “Chuyến nay tàu tôi có 9 thuyền viên, đi trọn 15 ngày trên biển. Về hôm qua được gần 3 tấn cá, nhập cho thương lái tại bến thu về được hơn 300 triệu đồng”. Không chỉ tàu ông Đào Hải trúng mùa, mà hầu như hơn 20 tàu cá trong thôn cũng về trong dịp vừa rồi với sản lượng sàn sàn nhau.
Theo nhiều ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ thì cứ mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ 7-15 ngày, sản lượng khai thác trung bình đạt từ 3-6 tấn cá hố (cá xuất khẩu) và vài chục tấn cá các loại.
Đi ngược ra huyện Bố Trạch, về xã Đức Trạch (nới có đội tàu đánh cá mạnh nhất vùng) thấy không khí tấp nập hẳn lên. Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Xã có đội tàu đánh bắt xa bờ được đánh giá vào nhất, nhì tỉnh với 533 chiếc, trong đó 267 tàu có công suất 90 CV trở lên. Tính đến cuối tháng 9, sản lượng đánh bắt đã đạt con số 6.500 tấn hải sản, tăng gần 1.000 tấn so với sản lượng cả năm 2011”.
Ra khơi lãi lớn
Nhà ngư dân Nguyễn Văn Tuy (thôn Đông Đức- xã Đức Trạch) đông đúc người. Sau đợt đi biển về, ông Tuy gọi anh em trong đội tàu lại làm cuộc nhậu nhỏ gọi là ăn mừng và chia tiền công. Tàu ông có 7 người. Chuyến đi vừa rồi được luồng cá hố gần 3 tấn cũng với hơn chục tấn cá khác, tổng thu được khoảng 260 triệu đồng.
"Chúng ta cũng có những cơ sở thu mua, sơ chế và mua trực tiếp với các chủ tàu. Nhưng các cơ sở này cũng chỉ làm khâu trung gian và chủ yếu đưa hải sản nhập sang Trung Quốc, vì vậy giá cả cũng không thể cân đối, điều chỉnh được. Vì vậy, thiệt hại vẫn thuộc về ngư dân. Nếu ta có nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thì đó sẽ là chỗ dựa lớn để yên tâm ra khơi", ngư dân Nguyễn Văn Tuy. |
“Thông thường tỷ lệ sản phẩm đánh bắt được chia theo tỷ lệ, chủ tàu 6 phần, cùng với 7 lao động là 13 phần. Tổng thu 260 triệu chia cho 13 phần, mỗi phần được 20 triệu đồng”, ông Tuy cho biết.
Dù xếp vào loại “thấp bé nhẹ cân” khi đánh bắt trên biển, nhưng đội tàu đánh cá đèn của ngư dân xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) cũng rất phát huy tác dụng. Ngư dân Ngô Văn Ninh (thôn Thượng Hải) đang chuẩn bị cho chuyển ra biển, bộc bạch: “Thường chúng tôi đi biển vào tầm cuối buổi chiều. Khi ra đến vùng rạn chừng chục sải nước thì neo thuyền và lên đèn. Sau đó thả lưới vây rút. Đến gần sáng thì thu lưới về. Sản phẩm chủ yếu là cá chim, cá nục, mực... Trung bình mỗi chuyến đi trọn đêm cũng được gần tạ cá. Thu nhập cũng được 4-5 triệu đồng. Trừ đi chi phí thì chia đều cho anh em cũng được 500.000 đồng. Hôm nào trúng được cá thì thu nhập cũng có thể lên 1-1,5 triệu đồng”.
Nhận định về việc giá cả thủy sản ngư dân đánh bắt về lên xuống thất thường với biên độ dao động lớn, ông Hồ Đăng Chiến cho hay: “Vì phần lớn các thương lái thu mua hải sản đều được đưa đi nhập lại cho thương lái Trung Quốc nên giá cả tùy thuộc vào họ. Ta làm ra sản phẩm nhưng họ lại quyết định giá, khiến ngư dân lẽ ra được lãi 9-10 phần thì chỉ còn lại 4-5 phần thôi”.