| Hotline: 0983.970.780

Người giữ hồn rừng

Thứ Sáu 11/12/2020 , 09:07 (GMT+7)

Hơn 52 năm qua, kể từ ngày tự lập ra lời thề với tất cả sự kiên trì kì lạ đó, Già đã hiến dâng tuổi trẻ, sức lực và lòng nhiệt huyết cho khu vườn.

Và xóm giềng gọi người phụ nữ kì lạ ấy là người đàn bà cò. Già chính là Vũ Thị Khiêm – thôn Dừa Lễ - xã Hả Lựu - thị trấn Lập Thạch - huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc.

Chiều nay, khi tôi đến nhà hỏi chuyện về rừng cò xưa, Già bỗng quay đầu nhìn vô định qua cửa sổ, nét mặt thoáng đăm chiêu. Phải mấy phút sau Già mới nói chậm rãi: "Kể chuyện về rừng cò thì già buồn lắm, cái nhà già nó cũng buồn lây. Thôi đừng kể trong nhà, ta ra rừng cò để cái buồn nó trôi theo kí ức..."

Vườn cò có từ ngày ấy…

Già kể rằng, thủa trước, nơi đây là một miền đất hứa hoang vu bốn bề rậm rạp cây cối chịt chằng, chưa có bàn chân con người tới sinh sống. Hai cụ thân sinh ra già Khiêm đã đến chốn “rừng thiêng nước độc” này nương nhờ những mong kiếm kế sinh nhai.

Chẳng vậy mà đã qua mấy chục năm rồi, dấu tích của con đường lầy lội vẫn hiện về vỏn vẹn như xưa, từ Sông Lô nhánh rẽ vào nhà Già tưởng gần mà xa ngái, mùa mưa đất lở trên những sườn quả đồi  xuống xập xệ khiến con đường nhầy nhụa, nhão nhoét, đặc quánh lại sin sít như nước cốt trầu.

Chỉ khoảng chưa đầy một cây số nhưng chúng tôi đã phải hỏi đến cả thể chục lần, phải mất cả tiếng đồng hồ mới vào được đến nơi.

Trong cái bóng tối nhập nhoạng của miền sơn cước, bà vồn vã mở toang cánh cổng đón những vị khách không mời như tôi vào nhà.

Sau những giây phút chuyện trò, tôi tế nhị gượng hỏi  lí do nào mà người ta lại gọi Già là bà cò Khiêm, người phụ nữ có thân hình mảnh mai, hao gầy, có mái tóc sương pha đôi mắt nheo cười hạnh phúc và cho biết: “Chuyện là, tôi cũng không biết từ bao giờ, từ khi nào mà người ta lại đặt cho tôi cái biệt danh ấy. Có lẽ bởi đã hơn 60 năm qua tôi gắn mình với đàn cò ở khu vườn này. Tuy nói là vườn thế nhưng toàn bộ khu đồi trải rộng trên 5 ha này lại do các cụ thân sinh ra tôi về đây khai khẩn từ những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt (1949-1950)”.

Đã gần một thế kỉ kể từ ngày một mình bà trông giữ vườn cò này, chẳng mua, chẳng bán và cũng không có lấy bất kì một sự hỗ trợ kinh phí nào từ phía chính quyền địa phương.

Bà Khiêm đau xót như đứt từng khúc ruột mỗi khi có chú cò trong vườn bị ốm chết hay bị bọn trộm cò bắn giết.

Bà Khiêm đau xót như đứt từng khúc ruột mỗi khi có chú cò trong vườn bị ốm chết hay bị bọn trộm cò bắn giết.

Lạ ở chỗ, chẳng hiểu vì sao mà bấy nhiêu năm rồi, đàn cò cứ thế rủ nhau kéo về “quần cư” nườm nượp đông đặc trên các cành cây ngọn cối, dù đi kiếm ăn nơi miền rừng sâu núi thẳm dọc Sông Lô, sông Thao nhưng tối tối chúng lại tìm về đậu đen kít vườn trên những lùm cây mít, ổi, táo nhãn và rừng vầu, rừng tre đã hàng trăm năm tuổi.

Lạ nữa là ngay bên cạnh vườn gia đình nhà bà cũng có những cây cổ thụ to tương tự của hàng xóm, vậy nhưng lũ cò cứ nhất quyết tìm sang mảnh vườn nhà bà trú ngụ. 

Chúng chẳng bao giờ sang “nhầm nhà” dù tối là vậy. Già bảo, tôi phải cố giữ lấy càng nhiều cây cổ thụ để cò còn có chỗ đậu, chỗ sinh con đẻ cái chứ. Ở khu vườn nhà bà có đến hàng trăm thứ cây, cây nào cây ấy đều to khỏe và rắn chắc, chúng chỉ có thể bị đốn hạ khi gặp bão lớn, sâu mọt hay vì tuổi thọ đã cao. 

Từ xa, trông khu vườn giống như một rừng nguyên sinh mà chưa hề có bàn tay con người can thiệp, rừng với tầng tầng lớp lớp các loại cây có tán lá hàng vài sải tay, dây leo chằng chịt, tre, vầu thành từng khóm chen chân nhau phát triển tạo nên một hệ sinh thái tuyệt vời. Có cái cảm giác nếu đi vào khu vườn của bà sẽ khó phân biệt được đây là mùa nào, trời đang nắng, đang mưa, hay râm mát.

Còn nhớ, đúng năm 2003, đã có lần vì thiếu tiền đong gạo và tiền đóng học phí học cho các cháu, bà toan vác dao lên rừng có định đốn hạ vài cây để bán. Thế nhưng leo lên đến đỉnh đồi, bà ngồi vừa thở vừa ngẫm ngợi mãi, nghĩ bụng nếu mình đốn hạ số cây này thì lũ cò tối về ngủ ở đâu.

Nói rồi, vì thương lũ cò “lặn lội bên sông” suốt ngày, tối về không có nơi neo đậu, bà lẳng lặng cầm dao thẫn thờ xuống núi. Có thể với bà lúc ấy một đồng đã là quí, song không thể bỏ lũ cò bơ vơ.

Bởi vậy mà hàng năm, cứ vào mùa sinh nở khoảng độ tháng 3 - 4 âm lịch, lũ cò kéo về đây làm tổ sinh con, ríu ríu suốt cả ngày, âm thành chúng phát ra nghe như một đại nhạc hội cò tự nhiên.

Bà bảo, có thể nhiều người ở đây không quen với âm thanh ấy nhưng dường như với bà đã trên nửa thế kỉ gắn bó với lũ cò như người thân trong gia đình, cho nên cứ vào ngày ấy mà không thấy chúng về là bà lại nhớ, lại mong, rồi có những khi bà mất ăn mất ngủ giống như con người ta khi năm hết tết đến thường mong ngóng những đứa con, đứa cháu ở xa về. 

Thậm chí vào những ngày đài báo có bão to, gió lớn là bà lại một mình lên vườn ngóng xem lũ cò có về không. Khi thấy chúng về nhiều thì bà mới an tâm vào ngồi và ăn miếng cơm cho qua bữa.

Còn hôm đàn cò về muộn, hoặc về tản mạn vì tránh mưa giông, là y rằng hôm ấy bà ăn không ngon, ngủ không yên. Già Khiêm nói đến đó rồi thở dài thườn thượt, đầu cúi nhìn hai chân răn reo của mình như nhìn lại những đường mòn trong rừng cò mà Già đã có bao năm tháng, có bao ngàn lần đi lại ngang dọc trong suốt cuộc đời mình.

Tôi vỗ nhẹ vào vai bà an ủi: "Già ơi, rồi người ta sẽ củng cố việc quản lý bảo vệ rừng. Rừng cò Hải Lựu không mất đâu, sẽ vẫn còn và còn mãi với Hải Lựu, với Vĩnh Phúc này. Đấy Già xem, những đàn cò vẫn ngày một kéo về với khu rừng này một đông thêm đó thôi"... 

Thế nhưng già vẫn không ngẩng mặt, vẫn đăm đăm nhìn vào hai bàn chân răn reo của mình và nói bằng thứ giọng đục đục kéo dài trong cổ họng: "Già… không… tin… rừng… cò… sẽ… giữ… được … mãi...".

Vốn là người sống vui vẻ, lạc quan, hay nói chuyện vui, phải thốt ra điều đó, tôi biết bà đã vô cùng thất vọng về công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây. Rõ ràng, qua câu chuyện, chúng tôi dường như có một cảm nhận, bà Khiêm, hơn ai hết là người hiếm hoi có trái tim giao cảm với cò. Bà rất mực thương yêu những chú cò như người con, cháu trong gia đình.

Bà còn dùng tên các cháu để đặt cho chúng với những cái tên thân thương như Cò Lan, Cò Hùng, Cò Tuấn… Thậm chí , bà còn bảo "đọc được" suy nghĩ của cò, biết được tiếng kêu nào của cò là đòi ăn, đòi ngủ, tiếng kêu nào là có người lạ lùng tìm, tiếng kêu nào là đến mùa sinh nở.

Rồi ngay cả chuyện cò bố và cò mẹ thay phiên nhau trông giữ nuôi nấng những đứa con bé bỏng ra sao, bà cũng nhớ chính xác và kể cho chúng tôi nghe thuộc lòng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Bất kể ai khi nhìn vào hình ảnh của bà cũng đều ngạc nhiên, bởi mái tóc pha sương, bởi thân hình gầy và mảnh mai, ai cũng đoán bà tuổi 80, nhưng khi được hỏi bà Khiêm cho biết năm nay bà mới tuổi 70.

Chồng bà là ông Nguyễn Ngọc Kim, sau khi học xong trường sĩ quan lục quân đã được lệnh nhập ngũ năm 1961, cuối năm 1963 vào tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam và hi sinh vào quãng Tết Mậu Thân năm 1968. Dằng dặc những tháng ngày sau đó, bà ở vậy nuôi con và lập lời thề giữ vườn cò.

Trong bóng tối nhập nhoạng của vùng sơn cước heo hút, bà Khiêm vẫn đôi mắt trũng sâu, vẫn giọng thở thều thào nhớ lại kỉ niệm khi đàn cò về đây quần cư kin kít trên khu vườn nhà bà.

Trong bóng tối nhập nhoạng của vùng sơn cước heo hút, bà Khiêm vẫn đôi mắt trũng sâu, vẫn giọng thở thều thào nhớ lại kỉ niệm khi đàn cò về đây quần cư kin kít trên khu vườn nhà bà.

Nhưng không ngờ một tai họa lại tiếp tục giáng xuống đầu người đàn bà góa bụa ở cái vùng sơn cước ấy. Đã lâu rồi kể từ ngày đứa cháu nội bà mới sinh ra, người con trai cả của bà bị tai nạn đột ngột. Và rồi người mẹ trẻ đã lạnh lùng rũ bỏ con trẻ thơ ngây để đi thêm bước nữa.

Thế là bà Khiêm âm thầm vừa làm bà, vừa làm mẹ của một đàn cò con là 5 đứa cháu nội. Trong khi cả tài sản của bà cũng chỉ có vỏn vẹn mấy sào ruộng nước, nuôi 6 cái miệng ở “chốn thâm sơn cùng cốc” quả là điều không dễ dàng gì.

Thế mà, đứa cháu nào của bà cũng đều lớn lên, khỏe mạnh, chăm ngoan học giỏi, thậm chí còn có đứa thi đậu Đại học và lập nghiệp dưới Hà Nội. Nhưng bà bảo rằng, chúng cũng chẳng khác gì đàn cò trong vườn, nuôi cho chúng đủ lông, đủ cánh rồi cũng bay đi hết để lại thân già còm cõi quạnh hiu. 

Từ năm 2009 cho đến nay, mỗi tháng bà nhận được khoảng 2 triệu đồng tiền hỗ trợ bảo vệ khu rừng của TP Vĩnh Phúc. Số tiến ấy may thay cũng phần nào đủ để đóng học và mua sắm quần áo cho 3 đứa cháu nội của bà hiện đang theo học các cấp học phổ thông. 

Bà bảo, cách đây không lâu, có một tổ chức phi chính phủ đã đến liên kết với trung tâm bảo vệ môi trường với ý định thương thảo cùng chung tay với gia đình bà đầu tư kinh phí để trồng tre bao quanh toàn bộ khu vườn nhà bà với mục đích vừa bảo vệ môi trường nguyên sinh của rừng, vừa bảo vệ đàn cò ở đây. 

Với tổng số tiền là 1,6 tỉ đồng, nhưng đã 4 năm trôi qua, cho đến nay gia đình bà cũng chỉ nhận được số tiền là 10 triệu đồng. Bà trầm tư nói, theo cái dự án khả thi này thì cứ cách một mét vuông trồng một gốc tre làm hàng rào bảo vệ môi trường. Vậy thử hỏi với số tiền là 10 triệu kia thì cùng lắm cũng chỉ trồng được độ 300 gốc tre và 300 mét vuông là cùng.

Cả khu rừng rộng cả đến chừng 5 ha, thì có khác chi đem muối bỏ bề. Ngoài ra còn chưa nói tới việc trả lương nhân công cho số người trồng và công chăm sóc cho số cây tre ấy sống đến khi nào cò có thể đậu được.

Bà cho biết thêm cũng cách đây vài năm, ở Hà Tây (cũ) có một gia đình đến xin mua lại toàn bộ khu rừng của bà với giá 20 tỉ đồng, song bà nhất quyết không bán.

Bà tâm niệm rằng, đời mình sống còn được mấy cái Tết nữa, nếu có bán đi, tiền ăn cũng hết, rừng thì người ta phá, làm biến dạng, cò thì không có nơi trú ngụ, chúng biết đi đâu, về đâu. Nếu vậy chi bằng bằng hãy lấy đàn cò làm nguồn vui tinh thần lúc tuổi già, và cũng là níu giữ lấy phúc lộc cho con cháu mai sau.

Bà Khiêm thảng thốt: “Nói thì nói vậy thôi, chứ tôi làm sao mà sống mãi để trông giữ vườn cò này chứ, một mai khuất núi, thì người ta đối xử với vườn cò như thế nào là quyền của người ta thôi, chứ mình đâu còn nữa trên cõi đời này để nghĩ hơn về điều ấy”.

Chia tay bà Khiêm khi bóng chiều dần buông xuống, tôi mang theo một nỗi niềm canh cánh về số phận của rừng cò. Trộm nghĩ, nếu như như 5, 7 năm nữa rừng cò cũng chỉ còn hoài niệm, chỉ còn trong kí ức thời gian như chưa bao giờ tồn tại thì “hệ sinh thái” sẽ tổn thương đến nhường nào?

Ai sẽ đứng ra để gánh trọng trách khi nó đang dần bị mai một? Ai sẽ mang lại được niềm tin cho già Khiêm và bao người khác, rằng rừng cò này sẽ mãi còn với Hải Lựu, còn mãi với đất nước này như hy vọng mà tôi nói với già Khiêm?

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất