| Hotline: 0983.970.780

Khi người dân sống dựa vào rừng...

Thứ Ba 03/12/2024 , 10:20 (GMT+7)

Sau 11 năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần bảo vệ rừng và cải thiện đời sống cộng đồng phụ thuộc vào rừng.

Giúp cải thiện sinh kế cho người giữ rừng

Trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng và các hộ dân sinh sống dưới tán rừng đã được nghiên cứu và triển khai.

Một trong những chính sách đáng chú ý là chi trả dịch vụ môi trường rừng, kể từ khi ra đời, chính sách đã huy động các nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống của những người làm công tác bảo vệ rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Ngọc Diệp.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Ngọc Diệp.

Cộng đồng thôn A Tin, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã được nhà nước giao hơn 298 ha rừng tự nhiên, với số thành viên tham gia quản lý là 90 hộ. Hàng năm, cộng đồng này được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gần 150 triệu đồng.

Năm 2023, cộng đồng thôn A Tin lại có thêm thu nhập từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) với số tiền hơn 52 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn A Tin cũng tham gia nhận khoán từ chủ rừng là Vườn quốc gia Bạch Mã. Điều này tạo nên sự gắn kết cũng như thu nhập cho cộng đồng, tạo quỹ sinh kế cho người dân với nguồn kinh phí 50 triệu đồng/năm.

Trong những năm qua, cộng đồng thôn A Tin đã phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn triển khai hiệu quả công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy dụng công. Đồng thời, ứng dụng công nghệ WebGIS kết hợp với thiết bị thông minh để kiểm tra giám sát công tác tuần tra rừng, diện tích rừng được giao đã được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm hẳn tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép. 

Ông Lê Đình Hoài Tuấn, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên- Huế cho biết, nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng được nhận trong những năm qua và nguồn chi trả ERPA được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, như: Trả công cho các thành viên khi tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công việc... Phần lớn người dân thôn A Tin là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn, do vậy, khi tham gia bảo vệ rừng họ đã có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. 

“Đa phần chủ rừng sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đúng mục đích, đúng quy định, tập trung chủ yếu là chi hỗ trợ tuần tra, canh gác bảo vệ rừng (chiếm hơn 65%) với mức chi phổ biến từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày công. Ngoài ra, đã có 30 cộng đồng, nhóm hộ (chiếm 14%)thống nhất trích một phần tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để cho vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình với mức 3 - 5 triệu đồng trong 1 - 2 năm với mức lãi suất thấp hoặc không tính lãi”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo thống kê, Thừa Thiên- Huế hiện có 5.673 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng (hơn 68,% là đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó có 313 chủ rừng là hộ gia đình và 5.360 hộ gia đình, cá nhân là thành viên của 292 ban quản lý rừng cộng đồng, nhóm hộ. Qua đó, đã góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ dân sống ven rừng tham gia công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng.

Lấy rừng để nuôi rừng

Năm 2020, ông Nguyễn Công Thiện, thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ký hợp đồng với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để nhận khoán chăm sóc và bảo vệ hơn 600 ha rừng phòng hộ. Ngoài tiền công theo quy định, ông còn được nhận thêm 20 triệu đồng mỗi năm. Đây là nguồn tiền Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ trích từ phí dịch vụ môi trường rừng hàng năm để chi trả cho các hộ dân nhận khoán chăm sóc rừng. 

Ông Thiện cho biết: “Khi có thêm thu nhập, tinh thần tôi phấn khởi, niềm đam mê trong việc xây dựng và bảo vệ rừng được nâng lên một bậc. Tôi luôn nỗ lực để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thái, nơi rừng đang nuôi sống chính chúng tôi".

Chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp người dân có thêm chi phí đầu tư sản xuất kinh tế. Ảnh: Ngọc Diệp.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp người dân có thêm chi phí đầu tư sản xuất kinh tế. Ảnh: Ngọc Diệp.

Nằm trong lưu vực thủy điện Hương Sơn, Hà Tĩnh, từ năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố bắt đầu nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng. Với khoản thu này, ngoài 10% chi phí quản lý, 90% còn lại được dùng để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí hạn hẹp. 

“Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng các công trình phòng chống cháy rừng, chi trả thêm cho lực lượng bảo vệ, xây dựng biển báo và làm tốt công tác tuyên truyền. Thời gian qua, nguồn phí này đã giảm bớt gánh nặng về ngân sách", ông Nguyễn Hữu An, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố chia sẻ.

Từ năm 2012, Hà Tĩnh bắt đầu thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng như thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp… là những đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn thu từ chính sách này hàng năm được dùng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao, cải thiện sinh kế cho đồng bào giữ rừng.

Trao đổi thêm về hiệu quả dịch vụ môi trường rừng tại Hà Tĩnh, ông Dương Văn Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Tĩnh cho biết, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng. Mặc dù cơ cấu đóng góp vào thu nhập còn thấp nhưng cũng đã góp phần nâng cao thêm thu nhập cho người dân để cải thiện cuộc sống và ổn định sinh kế lâu dài, tạo điều kiện để họ có thêm động lực tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Đây cũng là nguồn kinh phí hỗ trợ đáng kể ngoài định mức chi thường xuyên hàng năm, đã góp phần vào việc nâng cao thêm thu nhập và tăng cường năng lực cho các đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được giao.

Hiện nay, Hà Tĩnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên. Với phương châm "lấy rừng nuôi rừng", chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo động lực thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh.

Người dân hưởng lợi, diện tích rừng tăng

Còn tại Quảng Bình, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống và bảo vệ rừng tại khu vực Hố Hô. Các hộ dân sống gần rừng, đặc biệt là những người tham gia bảo vệ rừng phòng hộ, được hưởng lợi từ nguồn thu dịch vụ này. Nhờ đó, họ không chỉ có thêm thu nhập mà còn được khuyến khích tích cực bảo vệ tài nguyên rừng và hạn chế khai thác trái phép.

Bên cạnh đó, khu vực Hố Hô đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho đập thủy điện và sinh hoạt, nên việc bảo vệ rừng đầu nguồn được ưu tiên hàng đầu. Các cộng đồng địa phương đã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng một cách minh bạch, giúp đầu tư vào các công trình như đường giao thông, nhà văn hóa và hệ thống cấp nước sạch.

Nhờ hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, độ che phủ rừng tại Quảng Bình luôn được đảm bảo ở mức cao. Ảnh: Ngọc Diệp.

Nhờ hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, độ che phủ rừng tại Quảng Bình luôn được đảm bảo ở mức cao. Ảnh: Ngọc Diệp.

Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Bình cho biết: “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra một cơ chế tài chính mới, ổn định, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, ý thức người dân dần dần được nâng cao, giải quyết một phần khó khăn về kinh phí hoạt động quản lý, bảo vệ rừng cho chủ rừng. Đồng thời, nhờ hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, độ che phủ rừng tại Quảng Bình luôn được đảm bảo ở mức cao”.

Quảng Bình có diện tích tự nhiên trên 8.065 km², với 85% diện tích là đồi núi, nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn. Đây là tỉnh có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên rừng và phát triển sinh thái bền vững.

Tính đến năm 2023, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, với độ che phủ rừng đạt 68,69%. Con số này liên tục giúp Quảng Bình đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ rừng trong nhiều năm liền.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Huyện Đồng Hỷ trồng mới gần 820ha rừng tập trung

Tính đến đầu tháng 11, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới được gần 820ha rừng tập trung, vượt gần 220ha tương đương 36,6% so với kế hoạch năm 2024.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.