| Hotline: 0983.970.780

Người giữ rừng vẫn 'rưng rưng nước mắt'

Thứ Ba 28/03/2017 , 09:11 (GMT+7)

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đã có trên 6.500 tỉ đồng tiền DVMTR được chi trả cho các chủ rừng. 

Số tiền này tương đương với 22% tổng đầu tư bình quân hàng năm của toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp. Mặc dù vậy, người bảo vệ rừng vẫn đang chịu thiệt thòi khi tiền DVMTR chưa xứng đáng với công lao của họ.
 

Ít chính sách nào có ý nghĩa như DVMTR

Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ (Nghị định 99).

Người dân kiểm kê rừng

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay sau hơn 5 năm triển khai, đã có hơn 6.510 tỉ đồng tiền DVMTR đã được chi trả cho các chủ rừng. Trong đó, số tiền DVMTR đã chi trả cho các chủ rừng là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý bảo vệ 5,87 triệu ha rừng chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.

Tính chung trong giai đoạn 2011 - 2015, tiền DVMTR hàng năm thu được bình quân khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương với 22% tổng đầu tư bình quân năm của toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững góp phần quan trọng để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp.

Hiện tại, đã có hơn 500 ngàn hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả DVMTR qua hình thức chi trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán.

Thu từ DVMTR bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, đã góp phần nâng cao thu nhập giúp giảm khó khăn trong cuộc sống cho đồng bào. Tiền chi trả DVMTR chưa lớn nhưng cũng là nguồn thu quan trọng cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, các địa phương đã được phép sử dụng gần 385 tỷ đồng từ nguồn tiền DVMTR để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng các công trình lâm sinh phục vụ phát triển rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác quản lý bảo vệ rừng có nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng đã giảm 33%; diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm tới gần 60% trong giai đoạn 2011 - 2015.

Ngoài ra, tiền DVMTR cũng đã tạo nguồn thu cho các chủ rừng là các tổ chức phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng với trên 4,6 triệu ha rừng được hưởng DVMTR. Cụ thể, hiện đã có 208 BQL rừng đặc dụng và phòng hộ quản lý 2,94 triệu ha; 81 Cty lâm nghiệp quản lý bảo vệ 716,5 ngàn ha; 467 UBND cấp xã quản lý 590,5 ngàn ha; 195 chủ rừng khác là các đơn vị công an, bộ đội, DN và trung tâm nghiên cứu quản lý 356,4 ngàn ha rừng.

Tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng nhất là các Cty lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, các BQL rừng đang gặp khó khăn về kinh phí và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống.

Nếu như năm 2009, cả nước mới chỉ có 4 tỉnh thành lập quỹ BV-PTR (Lâm Đồng, Sơn La, Lai Châu, Đắk Nông) thì đến nay, đã có 41 tỉnh thành lập quỹ BV-PTR, trong đó có 38 quỹ tỉnh đã ổn định bộ máy tổ chức và đi vào hoạt động, quản lí hiệu quả nguồn vốn từ chi trả DVMTR cho các chủ rừng.

Tại Hội nghị Phát triển dịch vụ MTR bền vững do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, các địa phương đều đồng loạt đánh giá: ít có chính sách nào có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả nhanh chóng như chính sách chi trả DVMTR.
 

Chưa tương xứng với đóng góp của rừng

Theo các chuyên gia, mức chi trả DVMTR hiện vẫn còn quá thấp.

Chi trả DVMTR vẫn còn chưa tương xứng với đóng góp của rừng

TS Nguyễn Chí Thành, GĐ Trung tâm Nghiên cứu rừng và Đất ngập nước, một trong những chuyên gia gắn bó từ ngày đầu xây dựng chính sách chi trả DVMTR cho biết: Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, giá trị giữ đất, giữ nước của rừng tính trung bình trên1 kWh dao động từ 63 đến 368 đ/kWh, tức trung bình phải là 214 đ/kWh (trong khi mức áp dụng hiện nay chỉ có 36 đồng/kWh điện thương phẩm).

Tương tự, nghiên cứu của Tổ chức Winrock International tại đầu nguồn sông Đồng Nai, Lâm Đồng năm 2008 cho thấy, giá trị DVMTR trong 1m3 nước sạch là 65 đồng (trong khi mức áp dụng hiện nay chỉ là 52 đồng/m3).

Cũng theo TS Thành, các nghiên cứu của ông về nhu cầu sử dụng nước tại TP.HCM hiện nay cho thấy với giá nước 5.300 đ/m3, mỗi người dân bình quân mỗi tháng sử dụng 4m3 nước chỉ phải chi trả chưa tới 22.000 đồng tiền nước/người/tháng, nếu nhân với định mức chi trả DVMTR hiện nay là 52 đồng/m3, tức người dân sử dụng nước chỉ phải trả 208 đồng/người/tháng về DVMTR.

Trong khi đó đầu nguồn sông Đồng Nai (nơi cung cấp nước cho TP.HCM), đồng bào dân tộc K’Ho được tỉnh Lâm Đồng giao bảo vệ rừng trung bình 20 ha/hộ mỗi tháng chỉ nhận được 450 nghìn đồng tiền DVMTR/ha/năm (bao gồm cả thủy điện và nước sạch), tương đương khoảng 9 triệu đồng/hộ/năm. Nếu một gia đình có 5 người thì thu nhập bình quân của họ từ bảo vệ rừng chỉ có 150 nghìn đồng/người/tháng.

“Đây là mức thu nhập quá thấp và chưa xứng đáng với công sức bảo vệ rừng. Trong khi đó ở thành phố, chi phí tiền nước như hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,5% thu nhập bình quân của người dân và không hề đáng kể gì nếu chúng ta tăng thêm tiền nước để tăng thêm nguồn thu cho việc chi trả DVMTR”, TS Nguyễn Chí Thành kiến nghị.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất