| Hotline: 0983.970.780

Người lao động xuất khẩu sang Nhật cần biết

Thứ Ba 19/03/2019 , 12:08 (GMT+7)

Hồi cuối năm ngoái, một nữ công dân người Việt phát hiện ra rằng mình đã dính bầu sau khi đặt chân tới xứ sở hoa anh đào bằng visa "thực tập sinh", cô lập tức đã nhận được một lựa chọn ngặt nghèo: Phá thai hoặc quay trở lại Việt Nam.

Nhưng khi trở về phòng trọ, người phụ nữ trẻ này đã nhận ra rằng, cô không thể nào trả được món nợ 10.000 đô la Mỹ mà cô đã vay mượn trước đó để có được một suất đi lao động tại Nhật.

"Cô ấy cần phải ở lại làm việc để trả nợ", luật sư Shiro Sasaki, Tổng thư ký Liên minh Công đoàn Zentoitsu nói và khẳng định, những mối đe dọa như vậy là rất phổ biến.

Điều dưỡng viên ở Nhật vẫn đang là ngành thu hút nhiều lao động nước ngoài. (ảnh: Nikkei Asian Review)

Bao nhiêu hi vọng đã được thổi phồng về mức lương cao đã nhanh chóng thổi bay những gánh nặng từ các khoản vay, khiến nhiều thanh niên Việt Nam đổ xô tìm cách sang Nhật làm việc, nhất là khi nước này ban hành  kế hoạch mới thu hút lao động nước ngoài chính thức được bắt đầu vào tháng Tư tới.

Futaba Ishizuka, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi cho biết: "Các học viên từ Trung Quốc đã giảm nhanh kể từ khi thu nhập của họ ở trong nước đã tăng lên theo đà phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, ở Việt Nam thì tỷ lệ thất nghiệp cao lại thuộc nhóm thanh niên có trình độ đã khiến nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc".

Theo đó, chương trình “thực tập sinh kỹ thuật” được rao tuyển rộng rãi như một “lối thoát” cho những lao động Việt Nam, tạo ra những kẽ hở cho các nhà tuyển dụng và môi giới vô lương tâm kiếm chác.

Mặt khác, Thủ tướng Shinzo Abe, người chủ trương bảo thủ luôn lo ngại nạn tội phạm gia tăng và đe dọa đến kết cấu xã hội của đất nước, đã khẳng định rằng luật mới ban hành vào tháng 12 năm 2018 không cấu thành "chính sách nhập cư". Điều đó làm các nhà phân tích quan ngại.

Chuyên gia Akira Hatate, giám đốc Liên đoàn Dân sự Nhật Bản nhận định: “Trên thực tế, Nhật Bản hiện đã là một quốc gia của những người nhập cư. Tuy nhiên vì luật đã… rồi nên họ chỉ có thể thực hiện các bước đi tạm thời. Như vậy là nhu cầu của xã hội không được đáp ứng và nhu cầu của người lao động cũng không”.

Nữ điều dưỡng viên Việt Nam đang tham gia lớp tập huấn tại Nhật

Chương trình “thực tập sinh” của Nhật Bản khởi động từ năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho công nhân từ các nước đang phát triển. Nhưng do chính sách này đã bị lạm dụng nhiều năm liền và mãi cho tới năm ngoái nó mới được đưa ra tranh luận để đưa vào luật mới. Có thể kể đến những vụ việc nổi cộm nhất là có tới 4 công ty sử dụng thực tập sinh nước ngoài để khử nhiễm trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi tháng 3 năm 2011. Hay vụ khác là 2 công ty bị cáo buộc cắt xén tiền lương của công nhân hiện đã bị cấm sử dụng thực tập sinh trong 5 năm cùng nhiều doanh nghiệp khác đã nhận được cảnh báo từ Bộ Tư pháp do vi phạm luật lao động.

Kết quả một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản mới đây cho thấy, hơn 70% chủ sử dụng lao động đã vi phạm luật, gồm ép nhân viên làm thêm giờ hoặc vi phạm các vấn đề an toàn lao động cơ bản nhất.

Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (OTIT) được thành lập vào năm 2017 nhằm bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư từng nhiều lần cảnh báo các nhà tuyển dụng vi phạm, đặc biệt lưu ý đến quyền của người lao động mang thai. Lý do là có tới hơn 7.000 thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017 vì những điều kiện lao động khắc nghiệt. Các chuyên gia cho biết, nhiều người đã bị sập bẫy và dụ dỗ bởi các nhà môi giới ngoài luồng hứa hẹn được trả lương cao. Số này có tời gần một nửa là đến từ Việt Nam.

Nữ công nhân may Việt Nam tại nhà máy Mitsuke

Do các thực tập sinh không được phép chuyển đổi chủ sử dụng lao động, nên việc rời bỏ công việc đồng nghĩa với mất tình trạng thị thực hợp pháp. Trong số này chỉ rất ít người bị lừa tìm đến các tổ chức phi lợi nhuận để được giúp đỡ còn lại đa số lao vào những chợ đen để tìm việc làm. 

Luật Lao động nhập cư mới của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2019 sẽ cho phép khoảng 345.000 lao động tay chân nước ngoài đến nước này trong vòng 5 năm làm việc trong 14 ngành nghề, từ xây dựng đến điều dưỡng. Theo đó, những lao động nhập cư thuộc diện này được trả thù lao ngang bằng với lao động bản địa nhưng sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn để hạn chế vi phạm, giảm thiểu rủi ro không mong muốn cho xã hội.

Ông Shigeru Yamashita, giám đốc điều hành Hiệp hội tương trợ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: "Thực tế hoàn toàn khác với những gì họ được kể ở quê nhà. Bởi họ có những khoản nợ mà họ không thể trả bằng tiền lương tại quê nhà. Vì vậy lựa chọn duy nhất là trốn vào chợ đen để lao động".

Tuy nhiên những lao động này không được phép mang theo gia đình đến Nhật. Ngoài ra còn một loại visa thứ hai chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp xây dựng và đóng tàu, cho phép công nhân mang theo gia đình và đủ điều kiện lưu trú lâu hơn.

Cô Nguyen Thi Thuy Phương, 29 tuổi, bỏ lại chồng và một đứa con đang học tiểu học ở Việt Nam để làm thực tập sinh trong một nhà máy dệt kim ở thành phố Mitsuke, miền Bắc Nhật Bản. Do ngành dệt may không được đưa vào chương trình thị thực mới sau khi nhiều người bị sa thải do vi phạm luật lao động những năm vừa qua nên hiện Phương rất mong có thể đưa chồng con sang cùng và ở lại lâu hơn ba năm, nhưng không thể.

“Cuộc sống ở Nhật Bản rất thuận tiện và không khí trong lành," cô Phương nói với Reuters bằng tiếng Nhật trong lúc được nghỉ giải lao.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.