Ngày 19/1/2025, tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Chi hội Nuôi biển Vân Đồn tổ chức hội thảo "Công nghệ nuôi rong và công nghệ nuôi hàu rời" giới thiệu đến tất cả các thành viên Chi hội cũng như người nuôi biển về quy trình công nghệ, sự đổi mới, khác biệt và hiệu quả kinh tế của các công nghệ nuôi tiên tiến trên thế giới.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn cho biết, hiện nay ở Quảng Ninh có nhiều mô hình nuôi hàu khác nhau, song chủ yếu theo 3 phương pháp là nuôi hàu bằng phao nổi, nuôi hàu bằng bè tre và nuôi hàu trên giàn.
Trong 3 phương pháp nuôi phổ biến thì chỉ có 2 phương pháp nuôi có thể phát triển quy mô, sản lượng lớn là nuôi bằng phao nổi và nuôi bằng bè tre. Ưu điểm của 2 phương pháp này là chi phí đầu tư thấp (khoảng 350 triệu đồng/ha đối với phương pháp nuôi bằng phao, tuổi thọ 5 - 7 năm và 900 triệu/ha đối với phương pháp nuôi bằng bè tre, tuổi thọ 3 - 5 năm).
Tuy nhiên, 2 phương pháp này cũng có những nhược điểm như chất lượng hàu nuôi không đồng đều, hình dáng con hàu không đẹp, tỷ lệ hàu thịt thu hồi thấp, rủi ro cao khi gặp thời tiết cực đoan và thêm nữa là bề mặt con hàu bị nhiều sinh vật ký sinh.
Nhằm khắc phục những nhược điểm các phương pháp nuôi hàu truyền thống, tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh (Bavabi Seafood) đã giới thiệu thiết bị lồng nuôi hàu rời chất lượng cao của Công ty Seapa có trụ sở tại Úc.
Ưu điểm vượt trội của hệ thống lồng nuôi hàu rời của Seapa là dễ lắp đặt, thả giống và thu hoạch hàu; giảm chi phí nhân công; con hàu có hình dáng đẹp, sạch, ít bị các sinh vật ký sinh; tỷ lệ thịt hàu thu hồi cao và hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan (sóng to, gió bão hàu vẫn được bảo quản trong lồng).
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP - Trưởng ban học tập Chi hội Nuôi biển Vân Đồn chia sẻ về chuỗi liên kết nuôi xen canh rong sụn và hàu - mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo bà Bình, phương pháp nuôi xen canh này sẽ tận dụng được tài nguyên bởi rong sụn hấp thụ được chất dinh dưỡng dư thừa từ nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hàu ăn các hạt lơ lửng trong nước, cải thiện chất lượng nước.
"Nuôi xen canh đa dạng hóa thu nhập từ cả rong sụn và hàu. Rong sụn có giá trị trong ngành sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm trong khi hàu là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng", bà Bình nói.
Bà Bình tính toán, với 5ha nuôi rong xen canh hàu, một năm sẽ thu hoạch được 100 tấn rong và trên 200 tấn hàu, thu về khoảng 5 tỷ đồng cả rong và hàu, chi phí nuôi hết hơn 2 tỷ đồng, trung bình người nuôi nếu "thuận buồm xuôi gió" sẽ có lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Từ đó, bà Bình đánh giá đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường. Mô hình này có tiềm năng phát triển lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường biển.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao là ấp ủ của ngành nuôi biển Việt Nam nói chung và Chi hội Nuôi biển Vân Đồn nói riêng. Ngành nuôi biển Vân Đồn phải đi lên bằng khoa học công nghệ, học từ thực tế, từ những nước đã phát triển vượt trội từ nuôi biển.
"Việc giao cho Chi hội Nuôi biển Vân Đồn là nơi tiên phong thực hiện 2 dự án nuôi rong sụn và nuôi hàu rời thể hiện sự tin tưởng của Hiệp hội. Tin tưởng với khí chất, sự hào sảng, đã nói là làm, làm là làm đến cùng của người Vân Đồn sẽ đem lại thành công cho 2 dự án này", ông Dũng nói.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn khẳng định, Chi hội sẽ tiên phong đưa 2 mô hình áp dụng công nghệ mới vào triển khai, mong muốn sẽ tạo nên chuỗi khép kín các giai đoạn công nghiệp và công nghệ tuần hoàn, gia tăng giá trị mỗi đầu cuối chuỗi để mang đến sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng cao, năng suất siêu cao. Nhất là thành phẩm trong mỗi khâu không bị phụ thuộc vào yếu tố thời tiết.
"Chi hội Nuôi biển Vân Đồn luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Điều mà Chi hội luôn mong muốn các thành viên cũng như các hợp tác xã nuôi biển là phải thay đổi tư duy nuôi. Để làm được những việc lớn cần tiếp cận những công nghệ mới, làm từng bước để phát triển vùng nuôi, nâng cao giá trị kinh tế", bà Phạm Thị Thu Hiền bày tỏ.