| Hotline: 0983.970.780

Người trồng lúa có lãi tốt giữa bộn bề khó khăn

Thứ Bảy 01/01/2022 , 10:30 (GMT+7)

TIỀN GIANG Tại Tiền Giang, các mô hình liên kết sản xuất lúa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp đã giúp bà con vượt qua một năm đầy thử thách, đảm bảo lợi nhuận.

"Sống khỏe" giữa đại dịch

Là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải phía đông tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Tây có tổng diện tích đất trồng lúa 8.800 ha, mỗi năm canh tác từ 2 - 3 vụ. Để phát triển bền vững vùng chuyên canh, huyện Gò Công Tây khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp đồng liên kết sản xuất với các đơn vị kinh tế tập thể và hộ dân trồng chuyên canh lúa giống VD20 theo mô hình cánh đồng lớn, các bên cùng có lợi, đặc biệt là nông dân. Bất chấp đại dịch Covid-19, hầu hết người dân địa phương vẫn “sống khỏe” nhờ có liên kết sản xuất.

cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp tại huyện Gò Công Tây. Ảnh: Trần Trung.

cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp tại huyện Gò Công Tây. Ảnh: Trần Trung.

Điển hình như Công ty TNHH HK đã liên kết với nông dân trồng 100 ha lúa giống VD20 theo quy trình hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu theo phương thức doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật đầu vào và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn bình quân thị trường khoảng 200 - 500 đồng/kg.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết, để khuyến khích nông dân tham gia mô hình, đầu vụ, Công ty đầu tư trọn gói chi phí vật tư gồm giống, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV cho người trồng lúa dưới hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi. Đến vụ thu hoạch, sau khi thanh toán chi phí vật tư đầu vào, nông dân còn được Công ty hỗ trợ 50 đồng/kg lúa thành phẩm (khoảng 300.000 đồng/ha). Để được hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm, nông dân phải thực hiện đúng quy trình canh tác do Công ty và ngành nông nghiệp đưa ra, phải sử dụng giống lúa thơm đặc chủng VD20 do Công ty cung ứng. 

Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại HK thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dân quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại HK thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dân quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

“Trong đợt dịch Covid-19 năm nay, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và người nông dân, nhưng công ty vẫn đảm bảo thu mua hơn 3.000 tấn lúa cho bà con theo đúng cam kết với giá 5.500 đồng/kg, cao hơn thị trường 300 đồng/kg. Mặc dù giá mua lúa có thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 1.000 ngàn đồng/kg, nhưng vẫn đảm bảo bà con có lãi tốt để tái sản xuất”, ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK chia sẻ.

Ông Hải cho biết thêm, sản phẩm gạo VD20 vừa được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và được Công ty TNHH SGS Việt Nam chứng nhận đạt 13 chỉ tiêu Châu Âu. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Công ty chuẩn bị các thủ tục cần thiết nhằm xúc tiến việc xuất khẩu giống gạo thơm đặc sản của Tiền Giang sang thị trường Châu Âu.

Bất chấp đại dịch Covid-19, Công ty HK vẫn hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch và thu mua lúa đảm bảo lãi tốt. Ảnh: Trần Trung.

Bất chấp đại dịch Covid-19, Công ty HK vẫn hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch và thu mua lúa đảm bảo lãi tốt. Ảnh: Trần Trung.

Là một trong những nông dân đầu tiên tham gia chuỗi liên kết, ông Cao Hồng Tiết, xã Đồng Thạnh huyện Gò Công Tây cho biết, gia đình ông sở hữu 20 công đất, trước đây ông canh tác theo kiểu truyền thống với các loại giống lúa thường hiệu quả kinh tế không cao.

Từ khi liên kết, được doanh nghiệp tư vấn canh tác lúa VD20, đây là giống lúa không chỉ là chống chịu được đất phèn chua nhiễm mặn đặc trưng của địa phương mà cho hạt gạo dẻo, thơm, thị trường ưa chuộng, bán được giá cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng đề "cầm tay chỉ việc", chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường nên nông dân rất phấn khởi.

“Năm 2021, việc sản xuất lúa của nông dân nơi đây đặc biệt khó khăn. Do dịch Covid-19 nên để bước được ra đồng đã khó, đến khi lúa chín thu hoạch còn khó hơn, nhưng quan trọng nhất thu hoạch xong bán cho ai là cả vấn đề, không ít bà con làm theo kiểu tự cung tự cấp phải bỏ ruộng. Tuy nhiên, nhờ liên kết với Công ty HK nên công ty hỗ trợ từ khâu thu hoạch đến thu mua nên gia đình rất phấn khởi”, ông Cao Hồng Tiết nói.

Bà con nông dân phấn khởi bán lúa cho Công ty HK. Ảnh: Trần Trung.

Bà con nông dân phấn khởi bán lúa cho Công ty HK. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Ngô Văn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Tây, thời gian qua, việc liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho vùng sản xuất chuyên canh lúa gạo chất lượng cao, lúa thơm xuất khẩu tại huyện Gò Công Tây hết sức được chú trọng và mang lại kết quả tốt.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, diện tích liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn tại địa phương đạt từ 3.000 - 3.500 ha/năm. Để đạt được kết quả này, phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp, trong đó có thể xem Công ty TNHH Thương mại HK là đầu tàu ở địa phương. 

“Ngay trong vụ thu đông 2020 - 2021, huyện Gò Công Tây xuống giống gần 9.000 ha, hầu hết diện tích được các doanh nghiệp và tổ chức bao tiêu đầu ra. Do vậy, nông dân nói chung, bà con trồng lúa VD20 xuất khẩu nói riêng rất an tâm, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp nhằm giành những vụ mùa bội thu”, ông Ngô Văn Dũng cho biết thêm.

Hướng tới 110 chuỗi liên kết 

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tiền Giang hình thành hai vùng sản xuất lúa tập trung, gồm vùng trồng lúa chất lượng cao ở các huyện, thị phía tây với tổng diện tích 31.100 ha, sản lượng khoảng 600.000 tấn lúa/năm gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước; vùng trồng lúa đặc sản ở các huyện, thị phía đông có tổng diện tích 23.500 ha, sản lượng khoảng 250.000 tấn lúa/năm, chủ yều ở hai huyện ven biển là Gò Công Đông và Gò Công Tây.

Ngoài Công ty TNHH HK, còn có nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác như Công ty TNHH Vinh Hiển, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở NN-PTNT) Tiền Giang... tham gia liên kết sản xuất với bà con.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Tiền Giang thường xuyên xuống địa phương đánh giá kết quả mô hình liên kết. Ảnh: Trần Trung.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Tiền Giang thường xuyên xuống địa phương đánh giá kết quả mô hình liên kết. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết để tập trung nguồn lực phát triển chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng khuyến khích liên kết sản xuất.

Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Địa phương cũng tổ chức và quản lý chuỗi giá trị nông sản đạt hiệu quả, khuyến khích hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hợp tác với nhau và hợp tác, liên kết với các đối tác tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị nông sản.

Qua đó, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa vừa đáp ứng nhu cầu thị trường… Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các cấp, các ngành vận động nông dân vào làm ăn tập thể kiểu mới, tạo mối quan hệ sản xuất tiên tiến làm tiền đề liên kết chuỗi giá trị.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang thẩm định sản phẩm gạo VD20 đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Trần Trung.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang thẩm định sản phẩm gạo VD20 đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Trần Trung.

“Nhờ vậy đến nay, Tiền Giang hình thành được 93 mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản. Trên lĩnh vực trồng trọt có 80 mô hình với diện tích 13.000 ha, sản lượng 121.800 tấn/ năm. Trong đợt dịch Covid-19, việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp đã phát huy rất tốt hiệu quả. Nổi bật nhất là sản xuất, tiêu thụ rau, màu và lúa gạo…”, ông Trần Hoàng Nhật Nam chia sẻ.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang hỗ trợ xây dựng 110 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được chất lượng, vừa giúp kết nối phát triển bền vững.

Theo đó, Tiền Giang xây dựng từ 30 - 40 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng. Mặt khác, tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.