| Hotline: 0983.970.780

Người Việt xem phim remake như một món quà?

Chủ Nhật 09/09/2018 , 09:01 (GMT+7)

Phim làm lại từ kịch bản nước ngoài (giới chuyên môn gọi là phim remake) đang chiếm lĩnh thị trường phim Việt. Từ phim điện ảnh đến phim truyền hình, đều tỏ ra hoan nghênh những sản phẩm remake.

Có thể xem đây là một món quà thời hội nhập văn hoá không? KTGĐ đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn - nhà biên kịch Tô Hoàng!

10-26-40_to_hong
Đạo diễn - nhà biên kịch Tô Hoàng

Thưa đạo diễn Tô Hoàng! Sau khi chinh phục các rạp chiếu, thể loại phim remake đổ bộ sang màn ảnh nhỏ, mà ầm ĩ nhất là dự án “Hậu duệ mặt trời” được thực hiện với kinh phí đầu tư khá lớn. Xu hướng này có đáng lo chăng?

Nói cho sòng phẳng, phim remake là một sự vay mượn. Xưa nay có ai giàu mạnh nhờ đi vay đi mượn đâu. Thị trường phim nước ta đang bị chi phối quá nhiều bởi yếu tố nước ngoài. Nếu tiếp tục phô diễn dòng phim remake thì sẽ tiêu diệt sức sống của nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Những nhà sản xuất cho rằng, làm phim remake thì yên tâm về doanh thu…

Đúng, đầu tiên là ăn theo lượng khán giả đã yêu mến bản gốc, thứ đến là đỡ mất công đắn đo về ý tưởng cũng như cách dàn dựng. Mô phỏng của thiên hạ thì dĩ nhiên có một sản phẩm tàm tạm…

Phần lớn khán giả thích phim remake vì cho rằng phim ngoại hay hơn phim nội...

Điều này thì chưa chắc. Phim nước ngoài cũng có khối phim dở. Sở dĩ chúng ta thấy phim remake có chất lượng vì nó đã là gạo trên sàng. Trong 1.000 phim dở của nước ngoài, ta chọn 1 phim hay nhất để làm lại thì công chúng dễ ngộ nhận rằng phim ngoại tất thảy đều hay.

Việc các nhà sản xuất lớn nhỏ đua nhau làm phim remke, liệu có phải dấu hiệu cho thấy chúng ta đang khủng hoảng thiếu những nhà biên kịch?

Chính xác là thiếu những nhà biên kịch chuyên nghiệp. Tôi từng ngồi vị trí thẩm định cho một hãng phim và sửng sốt khi nhận được những kịch bản gửi về. Quái lạ lắm, họ viết cứ như… đùa chơi. Tôi thử gặp một người và hỏi vài chi tiết thì vỡ lẽ ra rằng kịch bản được viết bằng cách đọc báo và tưởng tượng thêm. Nhà biên kịch không có thực tế, không có trải nghiệm thì làm sao viết được kịch bản gần gũi và sinh động.

Hậu quả là nhiều kịch bản vụng về vẫn được đưa ra phim trường theo kiểu “méo mó có còn hơn không”?

Đó là một thực trạng đáng buồn. Người ta coi việc làm phim như cách bán một bó rau hoặc cân một con gà. Cứ ra phim trường rồi cùng nhau chắp vá tình huống và đưa đẩy lời thoại, rất ngẫu hứng và rất tuỳ tiện.

huduemttroi3-bffw105949595
"Hậu duệ Mặt trời" phiên bản Việt

Theo ông, thực trạng đáng buồn ấy thì vai trò nhà biên kịch phải nhìn nhận ra sao?

Tôi gọi đó là biên kịch sẻ chia, biên kịch lem nhem!

Trước đây nhờ đâu chúng ta có được những kịch bản hay để làm cơ sở cho những bộ phim hay?

Ngày xưa, điện ảnh đầy sức hấp dẫn, quyến rũ. Nó như  một  thiên đường Nghe - Nhìn kỳ ảo. Khi chúng ta triển khai làm phim truyện nhiều nhà văn lớn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Hiển… cũng bị “hút hồn” hăng hái, say sưa bắt tay viết kịch bản văn học. Điện ảnh ngày nay đánh mất niềm tin yêu và sự hấp dẫn giới nhà văn, và tôi coi đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng văn học của phim ảnh ngày càng xuống cấp.

Nói thẳng, nói thật thì buồn, nhưng khắp nơi vẫn giăng đầy các biểu ngữ “điện ảnh hội nhập và phát triển bền vững” đấy, ông ạ!

Thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta từng có một dòng chảy điện ảnh thị trường. Gọi mỉa mail à phim mì ăn liền nhưng đều là phim thuần Việt. Rõ ràng, dòng chảy điện ảnh ấy đã đi tiên phong, đã làm những bước thực nghiệm bổ ích về công cuộc xã hội hóa điện ảnh. Điều đáng buồn, đáng nghĩ ngợi là các cơ quan quản lý điện ảnh cấp vĩ mô nói riêng, Nhà nước nói chung đã không sớm tỉnh táo để nắm bắt, đúc rút kinh nghiệm của thời kỳ ấy. Để phải đến gần chục năm sau mới hốt hoảng, quáng quàng kêu gọi xã hội hóa một cách xô bồ, nhộm nhoạm, thả nổi hoạt động điện ảnh trôi theo dòng “mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết”. 

Bây giờ, liệu có cách nào kiến thiết một nền điện ảnh thoát khỏi ám ảnh phim remake từ rạp chiếu phim đến màn ảnh nhỏ chăng, theo kiến nghị của ông?

Tôi cho rằng, Nhà nước hãy có chiến lược về nền điện ảnh dân tộc. Đừng theo gợi ý thực dụng, thiển cận của ai đó mà dùng truyền hình thay cho điện ảnh. Nhà nước phải mở hầu bao ra, dành cho điện ảnh những khoản kinh phí xứng đáng để đưa nhân tài ra học ở nước ngoài, mua sắm trang thiết bị, xây trường quay. Vẫn là Nhà nước nắm tương lai của một nền điện ảnh đã ra đời từ trong đạn bom khói lửa, đã biết làm ra những bộ phim mang sức nặng xã hội và trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho mọi người. Không thể vô tình chuyển qua đôi vai tư nhân những thiên chức chức cao đẹp đã từng có được đâu! 

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Thương hiệu cu đơ tuổi đời hơn 45 năm

Kẹo cu đơ Bà Hường, đặc sản Hà Tĩnh, không chỉ là món ăn vặt quen thuộc mà còn khẳng định vị thế trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.