| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ bùng phát sâu keo mùa thu

Thứ Tư 10/07/2019 , 09:05 (GMT+7)

Sâu keo mùa thu đang tiếp tục có chiều hướng lan rộng phức tạp khi đến thời điểm này, đã có 34 tỉnh, thành trên cả nước bị nhiễm và gây hại.

Trong khi đó, công tác điều tra, phát hiện, chỉ đạo phòng trừ đang gặp những bất cập lớn do sự thay đổi, xáo trộn hệ thống tổ chức ngành BVTV ở cơ sở.
 

Đe dọa ngô hè thu, ngô đông

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương của Cục BVTV, tính đến ngày 5/7/2019, sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) đã phát sinh và gây hại tại 34 tỉnh/thành trên cả nước, với tổng diện tích nhiễm và bị gây hại gần 13.740ha (tăng gần 630ha so với một tuần trước đó). Trong đó, các tỉnh miền Trung là khu vực bị có diện tích bị nhiễm và gây hại lớn nhất là gần 8.000ha, tiếp theo là các tỉnh phía Bắc với tổng diện tích bị nhiễm và gây hại trên 4.800ha.

Gia Lai là tỉnh đang bị sâu keo tấn công dữ dội nhất. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Gia Lai là tỉnh bị sâu keo mùa thu gây hại nặng nề nhất với tổng diện tích bị nhiễm khoảng trên 5.500ha, trong đó nhiễm nặng trên 1.100ha. Một số tỉnh khác có diện tích bị nhiễm cao như Sơn La 2.850ha (trong đó nhiễm nặng gần 2.600ha); Điện Biên 1.300ha (trong đó hầu hết bị nhiễm nặng); Đăk Lăk 913ha (đều bị nhiễm nặng)... Tại các tỉnh phía Nam, Đồng Nai là tỉnh bị nhiễm sâu keo mùa thu nặng nhất với trên 460ha (trong đó hầu hết bị nhiễm nặng).

Theo dự báo, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại tại các địa phương trồng ngô trên cả nước, trong đó, các địa phương cần quyết liệt triển khai phòng chống nhất là các tỉnh phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Với thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống, ở vùng đồng bằng ngô sinh trưởng quanh năm, sẽ tạo điều kiện cho nguồn sâu keo mùa thu lây lan từ vụ trước sang vụ sau.

Đến cuối tháng 6/2019, những diện tích ngô vụ ĐX đã cơ bản thu hoạch xong, tuy nhiên sau hiện nay, ngô vụ Hè Thu đang tiếp xuống giống, nên trong thời gian tới dự báo diện tích nhiễm sâu keo mùa thu sẽ tăng nhanh. Đặc biệt giai đoạn hiện tại, ngô Hè Thu chủ yếu đang giai đoạn ngô non (mới trồng 9 - 10 lá) là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu keo mùa thu nên diện tích nhiễm sẽ tăng nhanh. Bên cạnh đó đến cuối tháng 9 - 10/2019, vụ ngô Đông sớm sẽ xuống giống tại các tỉnh phía Bắc, nên nguy cơ sâu keo mùa thu tiếp tục bùng nổ, phát sinh gây hại là rất lớn.

Trước tình hình này, Cục BVTV đã chỉ đạo các Chi cục Trồng trọt và BVTV thời gian tới phải nắm chắc tình hình xuống giống và diện tích ngô Hè Thu, điều tra phát hiện để nắm chắc diện tích nhiễm sâu keo mùa thu phục vụ chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, các Chi cục BVTV vùng (thuộc Cục BVTV) tiếp tục nghiên cứu thêm về đặc điểm sinh thái của sâu keo mùa thu, các giải pháp phòng trừ sinh học, hóa học... để áp dụng vào chỉ đạo ngay trong vụ ngô Hè Thu và ngô Đông sắp tới.
 

Điều tra, phát hiện chậm

Cục BVTV cho biết, đến nay, ngoại trừ ngô, đến nay, chưa phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên các đối tượng cây trồng khác, tuy nhiên các giống ngô như ngô rau, ngô ngọt, ngô nếp thường bị gây hại rất nặng.

Thay đổi, xáo trộn về tổ chức hệ thống BVTV ở các địa phương đang khiến công tác điều tra, phát hiện và tổ chức phòng chống sâu keo mùa thu gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: Cán bộ BVTV huyện KongChro, Gia Lai kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu hại ngô).

Qua theo dõi thực tế thời gian qua cho thấy, sâu keo mùa thu tại Việt Nam có nhiều đặc điểm sinh trưởng, phát sinh gây hại khá khác biệt so với những tài liệu công bố. Sâu trưởng thành có thể sống khoảng 2 tuần, đẻ khoảng 50 - 100 trứng/ổ và đẻ rất nhiều (khoảng 9 - 10 ổ, tương đương 1 - 2 nghìn quả trứng), khiến tốc độ lây lan và phá hoại rất nhanh.

Đồng thời, sâu trưởng thành có thời gian sống khá dài, đẻ trứng rải trong khoảng 2 tuần nên trứng nở rải rác, khiến trong cùng thời điểm, trên các diện tích bị nhiễm sâu non có nhiều tuổi khác nhau, dẫn đến hiệu quả của thuốc bị giảm.

Cục BVTV cũng cho biết thời gian qua, đã chủ động làm việc với Văn phòng FAO Việt Nam đề xuất xin dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc gia (TCPE) khẩn cấp trong 1-2 năm nhằm tạo thêm nguồn lực phòng chống sâu keo mùa thu cho Việt Nam, trong đó tập trung thiết lập ít nhất 02 Trung tâm nhân nuôi ong ký sinh sâu keo mùa thu để thả ra đồng ruộng. Trao đổi, đề xuất với đại diện Cục Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) hỗ trợ phòng chống sâu keo mùa thu bằng biện pháp sinh học nhằm bổ sung, nối tiếp dự án của FAO...

Do vậy, nếu phun trừ đúng sâu non tuổi 1 - 2 thì vẫn phải phun 2 - 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 7 - 10 ngày làm tăng đáng kể chi phí SX ngô...

Ở một số địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn hoặc xa nguồn nước cũng rất khó khăn khi nông dân phun trừ sâu keo mùa thu bằng thuốc BVTV hóa học.

Bên cạnh đó, thực tế từ giai đoạn ngô 3 - 4 lá, sâu trưởng thành đã đẻ trứng, 3 - 4 ngày sau thì trứng nở và đã bắt đầu gây hại, với dấu hiệu điển hình là những lỗ nhỏ li ti như đầu kim trên lá ngô. Đây chính là giai đoạn cần thiết nhất phải phát hiện sớm để phun trừ kịp thời. Bởi các thuốc BVTV chỉ có hiệu quả cao với sâu keo mùa thu tuổi 1 - 2...

Trong khi đó, theo ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng BVTV (Cục BVTV), thời gian qua, việc tổ chức điều tra, phát hiện sớm sâu keo mùa thu tại các địa phương hết sức khó khăn bất cập, đa số các địa phương khi phát hiện thì tuổi sâu đã lớn, mức độ gây hại nặng, khiến công tác tổ chức phòng trừ rất khó khăn và kém hiệu quả.

Theo ông Phong, một trong những nguyên nhân khiến việc điều tra, phát hiện sâu keo mùa thu gặp những khó khăn trên, có yếu tố do sự thay đổi, xáo trộn về cơ cấu tổ chức của hệ thống ngành BVTV ở các địa phương, đặc biệt là việc thay đổi, sáp nhập hệ thống các trạm BVTV từ trực thuộc Chi cục BVTV về cấp huyện.

Cụ thể theo tổng hợp của Cục BVTV, hiện cả nước đã có 344 huyện/31 tỉnh tiến hành sát nhập các Trạm Trồng trọt và BVTV về các trung tâm thuộc quản lí của UBND cấp huyện, với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này khiến việc điều tra phát hiện đồng ruộng, dụ thính dự báo, nắm bắt, báo cáo cập nhật diễn biến, tình hình sâu bệnh hại tại cơ sở rất chậm trễ, thiếu kịp thời, nhất là những phát sinh đột xuất.

Một vạt đồi ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nặng.

Bên cạnh việc trực tiếp nắm bắt tình hình phát sinh sâu hại, cán bộ BVTV của các trạm BVTV là lực lượng trực tiếp nắm tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng chống sâu bệnh, tuy nhiên khi xẩy ra dịch bệnh, Chi cục BVTV không điều động được cán bộ từ địa phương này sang địa phương khác dập dịch; việc triển khai phòng trừ từ Chi cục đến xã và người SX cũng gặp nhiều vướng mắc...

Theo Cục BVTV, hiện đã có một số địa phương có diện tích bị thiệt hại lớn xin công bố dịch sâu keo mùa thu như Sơn La, Gia Lai...

Tuy nhiên, sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng có thể triển khai phòng trừ nếu kịp thời điều tra phát hiện sớm, việc tổ chức diệt trừ vẫn có hiệu quả nếu tuân thủ đúng các hướng dẫn kỹ thuật và kịp thời.

Vì vậy trước hết, các địa phương cân căn cứ vào tình hình và khả năng cụ thể để tổ chức phòng trừ, với quan điểm hạn chế tối đa sử dụng phun trừ sâu keo mùa thu bằng thuốc BVTV hóa học.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh hướng dẫn sử dụng tạm thời thuốc phòng trừ sâu keo mua thu.

Theo đó, có 4 hoạt chất thuốc BVTV được Bộ NN-PTNT tạm thời khuyến nghị sử dụng gồm: Bacillus Thuringiensis; Spinetoram; Indoxacarb và Lufenuron.

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Thanh Hóa phấn đấu thanh toán bệnh dại

Tỉnh Thanh hóa phấn đấu năm 2025 tiếp tục khống chế tốt bệnh dại và năm 2030 bước đầu thanh toán bệnh dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.