Bão số 3 (bão Yagi) đã “chém gục” hàng trăm ha chuối ở vựa chuối Khoái Châu (Hưng Yên). Sau bão, mưa lớn, lũ sông Hồng lên rất cao đã nhấn chìm vùng chuối này nên gần như mất trắng.
Sau bão lũ, lượng cây chuối chết lớn, thân, gốc đánh lên không có chỗ tiêu hủy nhà vườn đành phải chặt nhỏ, đánh đống, tận dụng ủ làm phân bón. Cây nào còn giữ được thì cẩn thận chăm sóc để nuôi dưỡng cây con làm nguồn giống cho vụ sau.
Anh Nguyễn Văn Quân ở xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) có 2 mẫu chuối đã bị mất trắng do bão lũ cho biết: Sau bão lũ, việc lấy giống cho vụ chuối tiếp theo đang là bài toán khó giải nhất. Thông thường, sau khi thu xong vụ chuối Tết năm nay, nhà vườn sẽ xuống giống mới để thu vào đúng dịp Tết năm sau (xuống giống khoảng tháng 2 âm lịch). Chuối trồng thời điểm này vừa dễ chăm sóc, khi có sản phẩm dễ tiêu thụ với giá cao.
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến Tết còn khá dài, trong khi các gốc chuối còn giữ được sẽ liên tục đẻ cây con. Nếu giữ mầm non nuôi dưỡng, cây sẽ phát triển và cho thu hoạch vào khoảng tháng 7 - 8 năm sau, đây là thời điểm nắng nóng, vừa khó chăm sóc, không đẹp mã lại khó bán vì trùng với thời gian thu hoạch của nhiều loại trái cây ở phía Bắc.
Do đó, để lấy được cây con phù hợp cho sản xuất năm sau, sẽ phải cần rất nhiều công theo dõi, chăm sóc. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi gia đình có thể tự cung cấp đủ cây giống chất lượng, nhưng nếu thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan thì nguy cơ thiếu giống, phải mua giống với giá cao rất dễ xảy ra.
Theo Sở NN-PTNT Hưng Yên, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê đến hiện tại, hơn 8.600ha cây ăn quả của Hưng Yên bị thiệt hại, trong đó diện tích ước thiệt hại trên 70% khoảng 4.600ha, từ 30 - 70% khoảng 4.000ha. Trong đó, diện tích chuối hầu hết bị gãy đổ, thiệt hại hoàn toàn phải tiến hành trồng mới nên khả năng đáp ứng nhu cầu về giống gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành nông nghiệp Hưng Yên đã khuyến cáo người dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo dọn sạch tàn dư cành lá, cây trồng bị đổ gãy; gieo trồng các cây rau màu ngắn ngày như ngô nếp, đậu tương, rau màu các loại... trên diện tích chuối bị thiệt hại hoàn toàn trước khi trồng lại ở năm sau. Đồng thời bảo vệ các cây giống đã ươm, tiến hành trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi...
Sau bão lũ, các vườn chuối bị thiệt hại cần sớm đào rãnh luống sâu 30 - 40cm để hạ thấp mực nước ngầm trong vườn, triệt tiêu nhanh độ ẩm bão hòa trong đất, tránh cho thân ngầm cây chuối bị úng sinh lý, sau đó thu dọn sạch tàn dư thực vật, rắc vôi bột mặt luống để phòng ngừa nấm bệnh xâm nhập vào tầng canh tác gây hại rễ cây. Đồng thời vớt dọn rong, rêu, bèo bồng và các vật cản dòng chảy trên các sông trục, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thoát nhanh nước trên đồng ruộng.
Với những vườn chuối bị đổ nhẹ, cắt bỏ các lá già, lá khô, lá rách xước và bẹ cây đã thoái hóa và khơi đất để nới lỏng vùng rễ cây còn bám chặt trong đất rồi dựng thẳng cây, cắm cọc chống giữ cố định cây, kết hợp xử lý thuốc phòng nấm và tuyến trùng hại rễ để cây phục hồi tốt...
Với các vườn chuối bị đổ gãy hoàn toàn, dùng dao sắc cắt vát tạo thành góc nghiêng với thân gốc 45 độ và cách mặt đất 40 - 45cm (mặt cắt hướng về phía mặt trời mọc hoặc lặn của 2 mép luống trồng chuối trước đó) rồi dùng nước vôi xử lý lên vết cắt để phòng nấm bệnh xâm nhập, giúp gốc cây bật mầm mới.