| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ từ thị trường xuất khẩu rau quả

Thứ Hai 09/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Cục Bảo vệ Thực vật cảnh báo: 'Nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu' từ phân tích thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Khóm Cầu Đúc đặc sản của tỉnh Hậu Giang được trồng hơn 1.600ha, tập trung ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) hơn 1.000ha. Tại xã Hoả Tiến mới có Hợp tác xã Thạnh Thắng với 91 thành viên cùng 160ha khóm, trong năm 2020 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và lắp đặt thiết bị Autotimelapse truy xuất nguồn gốc được 50ha, chiếm 5% diện tích khóm ở xã hoặc 3% diện tích toàn tỉnh. Ảnh: Duy Khương.

Khóm Cầu Đúc đặc sản của tỉnh Hậu Giang được trồng hơn 1.600ha, tập trung ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) hơn 1.000ha. Tại xã Hoả Tiến mới có Hợp tác xã Thạnh Thắng với 91 thành viên cùng 160ha khóm, trong năm 2020 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và lắp đặt thiết bị Autotimelapse truy xuất nguồn gốc được 50ha, chiếm 5% diện tích khóm ở xã hoặc 3% diện tích toàn tỉnh. Ảnh: Duy Khương.

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta năm 2019 đạt 3,747 tỷ USD (tăng gần 8,5 lần so với 2010) và 9 tháng đầu năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đạt 2,491 tỷ USD.

Việt Nam có tốc độ xuất khẩu tăng nhanh thứ 2 thế giới sau Mexico và kim ngạch năm 2018 đã đứng thứ 7 thế giới.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc

Nông sản nguồn gốc thực vật của Việt Nam đã xuất đi trên 180 nước với hơn 200 chủng loại mặt hàng. Năm 2019, rau quả xuất khẩu đạt 3,747 tỷ USD; nhập khẩu 1,778 tỷ USD; xuất siêu 1,969 tỷ USD.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc chiếm 64,84%, gấp hơn 16 lần thị trường thứ hai là Mỹ chỉ chiếm 4%.

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam nhưng ngày nay không còn là thị trường “dễ tính”, đang ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu.

Từ ngày 1/1/2019, Cục Giám sát kiểm dịch động thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong thời gian ngắn, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với các tỉnh và thành phố để thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT việc cấp mã số. Kết quả, tính đến tháng 8/2020 Cục đã cấp, tổng hợp gửi cho phía Trung Quốc và đã được chấp nhận 1.735 mã số vùng trồng và 1.832 mã số cơ sở đóng gói đối với 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, chuối, vải, chôm chôm, dưa hấu, nhãn, mít, măng cụt) xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Mã số vùng trồng được cấp cho vùng trồng đạt chuẩn, mã số cơ sở đóng gói cấp cho nhà đóng gói đạt chuẩn. Yêu cầu về cấp mã số vùng trồng cũng đã được quy định tại Điều 64 Luật Trồng trọt.

Tổng diện tích vùng trồng được cấp mã số cho quả tươi xuất khẩu vào Trung Quốc là 185.196ha. Trong lúc tổng diện tích cây ăn quả cả nước năm 2019 theo Cục Trồng trọt là 1.067.000 ha, như thế vùng trồng được cấp mã số mới chiếm 17,3%.

Cụ thể, diện tích được cấp mã số, lớn nhất là thanh long với 46.519ha, kế tiếp xoài 32.696ha, chuối 30.543ha, vải 19.781ha; thấp nhất là măng cụt gần 8ha.

Cơ sở được cấp mã số đóng gói quả tươi xuất khẩu vào Trung Quốc nằm ở 37 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là tỉnh Tiền Giang có 721 số mã, Bắc Giang 289, Bình Thuận 267, Long An 132; ít nhất là Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Trà Vinh, Cà Mau mỗi tỉnh chỉ có 1 số mã.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay: “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả đang dần trở thành xu thế, yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu thụ có đầy đủ thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, có thể rà soát từng công đoạn chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tới tay người tiêu thụ. Truy xuất nguồn gốc hiện nay chỉ thực hiện được khi có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hay chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói còn chậm và quá ít so với diện tích trồng trọt, còn chứng nhận sản xuất VietGAP hay GlobalGAP chỉ khoảng 7,5% tổng diện tích rau quả cả nước dẫn tới việc thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa nhiều và rộng khắp các mặt hàng”.

Nguy cơ mất thị trường

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Đặng Phúc Nguyên nói thêm: “Trung Quốc đã buộc các hàng rau quả Thái Lan khi xuất khẩu cho họ phải sử dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code từ năm 2019. Có thể họ sẽ yêu cầu áp dụng với rau quả Việt Nam trong một hai năm tới. Nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ, chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu rau quả”.

Cục Bảo vệ Thực vật cảnh báo “nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ quy định của nước nhập khẩu”, đặc biệt là việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn ít nhưng đã xuất hiện hành vi gian lận.

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Báo cáo mới đây của Cục: “Tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020, chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý”.

Tổng cộng có 12 vườn trồng và 18 nhà đóng gói ở 5 tỉnh vi phạm. Nhiều nhất là Tiền Giang có 5 vườn trồng và 10 nhà đóng gói, An Giang lần lượt là 3 và 4, Đồng Tháp 2 và 1, Khánh Hòa 1 và 2, Vĩnh Long mỗi tiêu chí là 1.

Nguyên nhân, theo Cục Bảo vệ Thực vật, việc quản lý các mã số tại địa phương còn lỏng lẻo, chưa có kế hoạch và chương trình kiểm tra giám sát đối với các mã số đã cấp. Chưa có sự liên kết giữa đơn vị được cấp mã với các cơ quan quản lý ở địa phương, trung ương để kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu.

“Đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu. Chính điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây”, Cục Bảo vệ Thực vật đặc biệt nhấn mạnh.

Thực trạng doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của nước ta hầu hết quy mô nhỏ, năng lực yếu và tổ chức xuất khẩu chưa hiệu quả. Bên cạnh còn có hiện tượng kinh doanh thiếu đạo đức (chụp giật, gian lận khi xuất khẩu và làm thủ tục kiểm dịch thực vật), cạnh tranh không lành mạnh và chưa gắn kết với người nông dân.

Do vậy, sau khi đã thống nhất được về biện pháp kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường thì doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội để xuất khẩu; không cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước khác. Thậm chí, có trường hợp, do doanh nghiệp kinh doanh thiếu đạo đức còn làm mất uy tín hàng Việt Nam và làm mất thị trường mà rất khó khăn, mất nhiều chi phí mới mở cửa được.

Khi nước nhập khẩu kiểm tra hàng hóa tại cảng đến và phát hiện vi phạm (nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, khử trùng thất bại, sai sót hồ sơ...) sẽ gửi cảnh báo cho nước xuất khẩu để có hành động khắc phục.

Tuy nhiên, tùy mức độ vi phạm hoặc số lần lặp lại vi phạm, nước nhập khẩu có thể áp dụng nhiều biện pháp như xử lý lại, tiêu hủy, trả về nơi xuất, thậm chí là áp dụng tạm ngừng nhập khẩu để đánh giá lại nguy cơ dịch hại. Từ kết quả đánh giá lại nguy cơ dịch hại nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung với yêu cầu cao hơn, thậm chí cấm nhập khẩu.

Cục Bảo vệ Thực vật

Giải pháp quản lý mã số vùng trồng

Cục Bảo vệ Thực vật đề xuất: “Xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm về mã số vùng trồng và phối hợp với địa phương để thường xuyên cập nhật thông tin, quản lý chặt chẽ”.

Với các địa phương trồng cây ăn quả “cần xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ sau khi được cấp mã số. Thực hiện thanh tra để phát hiện sớm các hành vi gian lận trong sử dụng mã số. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp sử dụng mã số vùng trồng không đúng hoặc mượn mã số vùng trồng”.

Còn các doanh nghiệp “coi mã số đã cấp là tài sản của doanh nghiệp qua đó chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Liên kết với các cơ quan quản lý để cung cấp thông tin về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình”.

5 yêu cầu với mã truy xuất nguồn gốc

Công ty Cổ phần iCheck chuyên về ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc trái cây đi Trung Quốc và EU cho hay, có một thực tế đáng buồn là đa số người dân và các doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về khái niệm truy xuất nguồn gốc.

Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị chỉ tạo ra một mã QR Code rồi dán lên sản phẩm với vài thông tin cơ bản và coi đó là truy xuất nguồn gốc. Khoảng 95% mã QR Code được dán lên các sản phẩm trong siêu thị không phải là mã truy xuất nguồn gốc mà chỉ là truy xuất thông tin.

Mã truy xuất nguồn gốc đúng cần đảm bảo truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm và phải đảm bảo có 5 điều kiện sau:

1) Xem được đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định lưu hành và công bố sản phẩm.

2) Truy xuất được chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm (các cá nhân và tổ chức có tham gia hoặc liên quan đến quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm).

3) Xem được chỉ dẫn địa lý của vùng sản xuất ra sản phẩm.

4) Xem được các giấy tờ và các chứng nhận về thành phần, chất lượng và các công nhận về sản phẩm.

5) Chứng minh được lịch sử sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm thông qua nhật ký hoạt động điện tử được đóng góp bởi tất cả các thành viên trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phương Đông Asahi ghi dấu ấn với các khách hàng ở thủ đô

Tổ hợp Y tế Phương Đông đã ghi dấu ấn sâu sắc với những dịch vụ y tế chất lượng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe, nghỉ dưỡng - dưỡng lão.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...