Sau khi Bộ NN-PTNT ban hành Hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi dịch tả lợn Châu Phi, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần, hiện là chủ một trong những trang trại nuôi lợn lớn nhất tỉnh Thái Nguyên đã gọi điện hiến kế.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần. Ảnh: NH. |
Theo ông Đặng Viết Thuần, trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến, lây lan vô cùng phức tạp hiện nay, theo đúng quy định sẽ phải cấm buôn bán, vận chuyển lợn trong vùng bị dịch, song việc Bộ NN-PTNT nhanh chóng ban hành Hướng dẫn số 3708 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong vùng dịch là rất kịp thời và đúng đắn.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đặng Viết Thuần, quá trình thực hiện Hướng dẫn 3708 phát sinh một số vướng mắc, rất mong Bộ NN-PTNT sớm có sự điều chỉnh, chỉ đạo các địa phương nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa giúp quản lý tốt hơn nữa trong công tác vệ sinh, thú y và phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, ông Đặng Viết Thuần cho biết, theo quy định tại Hướng dẫn 3708, cơ quan thú y địa phương tổ chức thực hiện việc giám sát, lấy mẫu và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm mầm bệnh dịch tả Châu Phi.
Tuy nhiên, ông Thuần phải nói thật là không bao giờ các trang trại dám cho cán bộ thú y địa phương vào trong trại ở thời điểm này bởi cấm trại.
Hơn nữa, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chính cán bộ thú y đó là vô cùng cao do họ phải làm rất nhiều việc, tiếp xúc với rất nhiều trang trại, thậm chí trực tiếp tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.
Phun thuốc sát trùng xe vận chuyển lợn. |
Do đó, việc lấy mẫu máu hiện nay đều 100% do chính công nhân ăn ở trong trại lấy và đưa ra ngoài để gửi cho các đơn vị có chức năng phân tích mẫu thuốc Cục Thú y.
Cũng theo ông Thuần, việc gửi và trả kết quả mẫu máu lợn hiện nay cũng có chỗ chưa thực sự hợp lý khi Hướng dẫn 3708 quy định tối đa hiệu lực là 10 ngày, trong khi để giấy xét nghiệm bản cứng đóng dấu đỏ đến được tay cơ sở gửi đi qua đường chuyển phát nhanh đã mất một vài ngày, nếu lô lợn xét nghiệm đó phải vận chuyển đi xa có khi chưa kịp đến lò giết mổ giấy đã hết hạn.
Nhưng điều ông Thuần bức xúc nhất là trong quá trình vận chuyển lợn tới cơ sở giết mổ, các trạm, chốt thú y tại các địa phương xe đi qua không chấp nhận bản xác nhận kết quả âm tính gửi email của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương hoặc các Chi cục vùng khác thuộc Cục Thú y mà đòi bản cứng đóng dấu đỏ khiến cơ sở chăn nuôi buộc phải đợi bản chuyển phát nhanh rồi đem phô tô công chứng mới xuất lợn đi được nên rất bị động, bất cập, lãng phí thời gian.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần kiến nghị ngành thú y đồng ý với bản kết quả xét nghiệm qua email bởi để đợi được bản cứng rất lãng phí thời gian và bất cập. Ảnh: HN. |
Bên cạnh đó, theo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần, việc quy định lợn trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ phải lấy mẫu thêm 1 lần và thịt lợn thành phẩm trước khi đem bán tiếp tục phải xét nghiệm an toàn thêm một lần nữa cũng đang khiến cơ sở giết môt gặp rất nhiều khó khăn bởi chỉ có những đơn vị giết mổ hiện đại, có đủ hệ thống kho mát, kho lạnh bảo quản thịt lợn mảnh sau giết mổ may ra mới đáp ứng được yêu cầu, còn những cơ sở giết mổ không có kho lạnh, kho mát thời gian đợi từ lúc gửi mẫu thịt tới khi có kết quả trả về có khi thịt lợn đã hỏng.
Do đó, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm có văn bản hướng dẫn hệ thống thú y các địa phương chấp nhận bản trả kết quả xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi của các đơn vị chuyên môn qua email cũng như cho ứng dụng Kit thử nhanh dịch tả lợn Châu Phi trong một số công đoạn nhất định nhằm tạo điều kiện cho người chăn nuôi bớt khó khăn trong bối cảnh chống chất khó khăn như hiện nay.