Nhà màng, nhà lưới là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nắng nóng gay gắt kéo dài lại phản tác dụng, khiến người dân vất vả ứng phó.
Công ty CP Nông trại Việt ở xã An Lâm (Nam Sách, Hải Dương) có 3.500 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng rau hữu cơ cung cấp cho nhiều trường học trong tỉnh. Từ đầu tháng 6, diện tích nhà màng, nhà lưới này bỏ không, cỏ dại mọc. Nguyên nhân do nắng nóng gay gắt, cây trồng khó chăm sóc, chậm phát triển.
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, đại diện công ty, thời tiết năm nay khắc nghiệt, nhiệt độ cao trong thời gian dài đã làm nhà màng, nhà lưới từ nơi chống nắng thành chỗ ủ nhiệt.
Giữa tháng 5, công ty xuống giống lứa rau mới thì vài ngày sau nắng nóng xuất hiện. Nếu mỗi đợt nắng nóng kéo dài từ 3-4 ngày thì sản xuất vẫn diễn ra thuận lợi, còn năm nay có đợt trên 10 ngày, các đợt lại gần nhau nên rất khó trồng rau.
"Sau khi hỏng lứa rau đầu hè, nắm bắt được thông tin nắng nóng còn kéo dài, chúng tôi không trồng tiếp vì sợ rau lại bị chết", anh Tuấn Anh cho biết.
Không chỉ vậy, nhiều công nhân được công ty bố trí làm việc trong nhà màng, nhà lưới cũng xin đổi vị trí làm hoặc nghỉ việc do nắng nóng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Tròn ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên (Kinh Môn) rất vất vả để giữ hơn 700 gốc dưa lưới trồng trong nhà màng đang thời kỳ thụ phấn dưới thời tiết nắng nóng.
Dưa lưới là cây trồng mẫn cảm, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C hoặc trên 37 độ C, cây sẽ sinh trưởng kém, ít ra hoa. Thông thường, nhiệt độ trong nhà màng, nhà lưới thường cao hơn trung bình từ 2-3 độ C so với ngoài trời, nếu nắng nóng gay gắt thì có thể cao hơn từ 5-7 độ C.
Trong khi đó, đầu tháng 6, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới 39 độ C nên trong nhà màng, nhà lưới rất ngột ngạt, oi bức.
Theo kinh nghiệm của ông Tròn, năng suất vụ dưa hè thường thấp hơn từ 2-3 tạ/sào so với các vụ khác vì nền nhiệt cao. Năm nay, nắng nóng kéo dài nên khả năng năng suất còn giảm sâu.
"Chúng tôi phải đặt mua áo bảo hộ có gắn quạt tích điện thì mới dám vào trong nhà màng, giá mỗi chiếc áo tới 1,7 triệu đồng. Việc chăm sóc cũng vất vả hơn, cứ cách 1 giờ phải tưới nhỏ giọt 1 lần để giữ ẩm cho cây. Nếu trời nắng nóng phải lựa thời gian có gió đông nam để thụ phấn, còn không hoa sẽ lụi, không tạo quả", ông Tròn cho biết.
Là một trong những hộ ứng dụng nhà màng, nhà lưới đầu tiên của tỉnh, chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng nhận thấy mùa hè năm nay sản xuất khó khăn nhất. Nắng nóng không chỉ khiến cây trồng mà người trồng cũng héo hon, mệt mỏi.
Chị Nhung than thở: "Trời nắng nóng, làm việc trong nhà màng, nhà lưới vất vả, cực nhọc hơn ngoài trời. Chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới lớn mà thời tiết không ủng hộ, nắng gay gắt kéo dài khiến chúng tôi trồng cũng không được mà bỏ cũng không xong".
Toàn tỉnh hiện có khoảng 260.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Nắng nóng kéo dài khiến sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gặp khó khăn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, năm nay, khả năng có từ 8-10 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39 độ C. Trong đó, đợt nắng nóng đầu tháng 6 vừa qua kéo dài kỷ lục tới 12 ngày.
Dự báo những ngày tới, nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp. Đối với nền nông nghiệp nhiệt đới thì sản xuất trong nhà màng, nhà lưới chưa phải là giải pháp tốt nhất.
Trong điều kiện nắng nóng, nông dân cần lắp đặt quạt thông gió giúp thoáng khí và điều chỉnh độ ẩm phù hợp để cây trồng phát triển thuận lợi.