| Hotline: 0983.970.780

Vụ lật thuyền trên sông Mã khiến 3 người chết:

Nhà máy thủy điện Thành Sơn có vô can?

Thứ Sáu 14/01/2022 , 14:24 (GMT+7)

Người dân bản Phé cho biết, sáng 8/1/2022, thời điểm Nhà máy thủy điện Thành Sơn xả nước vận hành tua bin phát điện họ không nghe thấy tiếng còi hú cảnh báo.

Tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ

Tang thương bao trùm ngôi nhà chị Hà Thị Uyết. Ảnh: VD.

Tang thương bao trùm ngôi nhà chị Hà Thị Uyết. Ảnh: VD.

Bốn ngày sau vụ lật thuyền trên sông Mã phía hạ du Nhà máy thủy điện Thành Sơn khiến 3 người trong một gia đình đuối nước thương tâm, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Hà Thị Uyết ở bản Phé, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ tại bản Phé. Chỉ trong vòng 1 ngày, chị Hà Thị Uyết đã vĩnh viễn mất đi bố, mẹ và đứa con gái mới lên 10 tuổi.

Chiều 11/1, những người thân của ông Hà Văn Quế, bà Hà Thị Hội và cháu Hà Thị Trâm (nạn nhân vụ chìm thuyền) đang về nhà Uyết để làm vía cho 3 nạn nhân xấu số. Ba ngày sau vụ lật thuyền, cơ quan chức năng và người thân đã đưa 3 ông cháu, bà cháu về với đất mẹ.

Trong dòng nước mắt chảy dài, tiếng khóc ai oán, nghẹn ngào, chị Uyết không thể nói nên lời. Những người thân của Uyết cho biết, mấy ngày nay con gái, con rể và các cháu của ông Quế, bà Hội không chịu ăn uống. Mất mát, đau thương là quá lớn. Chỉ trong vòng 1 ngày, gia đình Uyết đã chịu nỗi đau không có gì có thể bù đắp. Bố mẹ và con gái xấu số đã về với đất mẹ, khó khăn chồng chất khó khăn, căn nhà trở nên trống trải hơn bao giờ hết.

Đoạn sông Mã nơi xẩy ra vụ lật thuyền khiến 3 người trong 1 gia đình chết đuối thương tâm. Ảnh: VD.

Đoạn sông Mã nơi xẩy ra vụ lật thuyền khiến 3 người trong 1 gia đình chết đuối thương tâm. Ảnh: VD.

Uyết là con gái thứ hai của ông Quế và bà Hội. Chị gái đi lấy chồng nên Uyết và chồng ở với bố mẹ đẻ để sớm hôm chăm sóc. Vì cuộc sống khó khăn, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo nên ngoài việc cấy mấy sào ruộng nước, ông Quế, bà Hội còn làm rẫy cách nhà vài km.

Trưa 8/1/2022, sau khi giúp con gái cấy xong thửa ruộng, ông Quế, bà Hội cùng cháu Trâm dùng thuyền gắn máy loại nhỏ ngược dòng sông Mã lên chòi canh rẫy. Ra đến bến đò Phé, bà Lò Thị Phương cùng bản xin đi cùng. Khi vừa đi được một đoạn, bất ngờ dòng nước từ thượng nguồn sông Mã chảy mạnh khiến chiếc thuyền tròng trành rồi lật úp. Bà Phương bị trôi xuống khoảng vài trăm mét thì được hai người đàn ông luống tuổi đi chăn trâu dùng cành cây kéo vào bờ. Bà Hội, ông Quế và cháu Trâm bị dòng nước nhấn chìm.

Sau rất nhiều nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân và chính quyền địa phương, khoảng 9h ngày 9/1, thi thể ông Quế và cháu Trâm được tìm thấy trong tư thế  hai tay dang ra, ôm vòng về phía trước, cách chỗ gặp nạn vài trăm mét. Người dân bản Phé cho rằng, có thể ông Quế và cháu Trâm đã tìm thấy nhau trong dòng nước và ôm lấy nhau nhưng vì đuối sức nên bị dòng nước nhấn chìm. Hơn 1 ngày sau, thi thể bà Hội cũng được tìm thấy ngay tại bến đò bản Phé.

Sau tai nạn đáng tiếc, chính quyền các cấp tại tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Còn ông Trịnh Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành cho biết, hiện Nhà máy thủy điện Thành Sơn cũng chưa có điều kiện để đến thăm hỏi động viên gia đình gặp nạn.

Là nhân chứng, chứng kiến tường tận toàn bộ vụ lật thuyền, mấy ngày nay bà Lò Thị Phương không thể nào chợp mắt. Vì sợ, vì bị ám ảnh, bà Phương phải đến nhà con gái trong bản ngủ, đêm đêm lại giật mình tỉnh giấc.

Bến đò bản Phé nơi tìm thấy thi thể bà Hà Thị Hội. Ảnh: VD.

Bến đò bản Phé nơi tìm thấy thi thể bà Hà Thị Hội. Ảnh: VD.

Theo bà Phương, thời điểm 4 người lên thuyền tại bến đò bản Phé, nước từ thượng nguồn sông Mã đã bắt đầu dâng. Khi chiếc thuyền đi được chừng 500 m thì nước dâng lên rất nhanh, chiếc thuyền bị đẩy nằm ngang dòng nước rồi lật úp. Khi 2 người đàn ông cứu được bà Phương lên bờ, quay lại để cứu 2 nạn nhân còn lại thì dòng nước đã nhấn chìm tất cả.

“Ông Quế là người đánh cá trên sông, bơi rất giỏi. Nếu chỉ một mình để thoát nạn thì chắc ông ấy không chết đâu. Đằng này, ông Quế còn phải cứu cả 2 người nên không cam nổi mới xẩy ra đuối nước thương tâm”.

Nhà máy thủy điện Thành Sơn chưa lắp hệ thống cảnh báo

Ngược dòng sông Mã, nếu tính từ điểm đặt Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân (xã Phú Xuân) đến xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa) chỉ cách nhau chừng 60 km nhưng có đến 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất gần 400 MW. Trong đó, nhà máy thủy điện Hồi Xuân đang thi công dang dở, chưa tích nước, có công suất dự kiến 102 MW. Nhà máy thủy điện Thành Sơn (nằm ở xã Trung Thành và Thành Sơn) không tích nước và vận hành theo nguyên tắc liên hồ chứa có công suất 30MW. Nhà máy thủy điện Trung Sơn tại xã Trung Sơn với công suất 260 MW.

Chiến thuyền bị lật được người dân và cơ quan chức năng đưa lên bờ. Ảnh: VD.

Chiến thuyền bị lật được người dân và cơ quan chức năng đưa lên bờ. Ảnh: VD.

Các nhà máy thủy điện trên sông Mã phải đảm bảo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Còn theo Quyết định số 4914/QĐ-BCT ngày 29/2/2017 của Bộ Công Thương, Nhà máy thủy điện Thành Sơn (Công ty TNHH Hà Thành là chủ sở hữu) phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

Điểm 5, Điều 13, Chương III về vận hành quy trình điều tiết nước phát điện và xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du của Quyết định 4914/QĐ-BCT có đoạn: “Trước khi vận hành xả nước phát điện tổ máy đầu tiên và các tổ máy tiếp theo, Công ty TNHH Hà Thành phải thông báo qua hệ thống cảnh báo được lắp đặt phía hạ du công trình quy định tại khoản 11, điều 15 của quy trình này”.

Khoản 11, điều 15 của quy trình này quy định trách nhiệm của Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành có đoạn: “Chủ trì (Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành – PV), phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa và UBND các huyện, các xã có liên quan khảo sát, lập phương án lắp đặt hệ thống cảnh báo phía hạ du công trình thủy điện Thành Sơn để thông báo đến người dân phía hạ du trong quá trình vận hành xả lũ và phát điện nhà máy thủy điện Thành Sơn”.

Bà Lò Thị Phương kể lại giây phút kinh hoàng, nước sông Mã chảy xiết khiến bà và 3 người trong bản gặp nạn. Ảnh: VD.

Bà Lò Thị Phương kể lại giây phút kinh hoàng, nước sông Mã chảy xiết khiến bà và 3 người trong bản gặp nạn. Ảnh: VD.

Tuy nhiên, ông Hà Văn Lâm, người lái đò trên sông Mã qua bến đò bản Phé và nhiều người dân bản Phé cho biết, việc xả nước vận hành nhà máy thủy điện Thành Sơn không cố định về thời gian, lúc thì xả hồi 13h, có khi xả hồi 14h, lúc thì xả lúc 20h, ngày 2 lượt xả... Khi xả nước để vận hành tua bin, Nhà máy thủy điện Thành Sơn không hú còi cảnh báo. Vì vậy, người dân trên sông cũng không biết làm cách nào để biết và tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xẩy ra.

Còn ông Lộc Văn Hào, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Hóa khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Nhà máy Thủy điện Thành Sơn chưa lắp hệ thống cảnh báo ở phía hạ du dù đã đi vào hoạt động vào năm 2018: “Quy trình vận hành Nhà máy Thủy điện Thành Sơn do Bộ Công thương phê duyệt. Hiện Nhà máy thủy điện Thành Sơn chưa lắp hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi cơ quan chức năng để yêu cầu đơn vị này lắp đặt hệ thống cảnh báo, đảm bảo an toàn cho việc vận hành, xả lũ sau này”.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cũng cho rằng cần phải thống nhất giờ giấc xả nước vận hành thủy điện và cảnh báo để người dân biết và tránh những tai nạn đáng tiếc. Sắp tới, UBND xã Phú Xuân cũng sẽ có văn bản đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu nhà máy thủy điện Thành Sơn phải có lịch trình xả nước cụ thể.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trịnh Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành cho biết, từ 9-11h ngày 8/1/2022, Nhà máy thủy điện Thành Sơn xả nước vận hành tua bin 3 tổ máy với 70% công suất, lưu lượng nước 200-250m3/s. Việc vận hành xả nước chạy tua bin với công suất bao nhiêu thì công ty cũng không chủ động được, phụ thuộc hoàn toàn vào quy trình vận hành và lưu lượng xả nước của nhà máy thủy điện Trung Sơn ở thượng nguồn sông Mã.

Ông Hà Văn Lâm, người lái đò trên sông Mã khẳng định, Nhà máy thủy điện Thành Sơn không cảnh báo khi xả nước vận hành tua bin phát điện. Ảnh: VD.

Ông Hà Văn Lâm, người lái đò trên sông Mã khẳng định, Nhà máy thủy điện Thành Sơn không cảnh báo khi xả nước vận hành tua bin phát điện. Ảnh: VD.

Chiều 12/1/2022 chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Bình để xác minh lại việc công ty này chưa lắp hệ thống cảnh báo nhưng ông Bình không bắt máy.

Sau khi PV cung cấp thông tin về việc Nhà máy Thủy điện Thành Sơn chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo nhưng vẫn hoạt động, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông sẽ chỉ đạo kiểm tra lại và có thông tin sau.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.