Manh nha nuôi biển công nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, Khánh Hòa là một trong 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam. Địa phương này không chỉ có đường bờ biển dài 385km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu mà còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu về biển như Trường Đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III giúp thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay hoạt động nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển ở tỉnh Khánh Hòa diễn ra sôi động. Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh với trên 64.000 ô lồng, sản lượng trên 1.300 tấn/năm. Bên cạnh đó, các loại cá biển như cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá mú... cũng được nuôi nhiều tại các vịnh, đầm với gần 9.800 lồng, tổng sản lượng khoảng 8.000 tấn. Ngoài ra, đối tượng như hàu Thái Bình Dương, tu hài, rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển cải thiện thu nhập.
Tuy nhiên tồn tại, hạn chế nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là ngư dân nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn. Công nghệ nuôi biển bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số đối tượng chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu nuôi thử nghiệm, đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong gồm: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và Công ty Cổ phần Nuôi trồng thủy sản Phương Minh.
Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (100% vốn nước ngoài) chuyên nuôi cá chẽm, đã ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến như vận hành hệ thống cho ăn tự động, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất con giống nhân tạo đến công đoạn thu hoạch.
Hiện công ty này có 70 lồng nuôi HDPE, mỗi lồng có chu vi 120m cho sản lượng thu hoạch trung bình 250 - 300 tấn cá/lồng, tổng sản lượng hàng năm đạt 6.000 - 8.000 tấn. Ngoài sản xuất thương phẩm, công ty còn có hệ thống trại sản xuất cá giống, thu hoạch, chế biến và trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trang trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao chuyên nuôi cá chim vây vàng, với quy mô 42 lồng HDPE, với tổng sản lượng từ 200 - 250 tấn/năm. Trong đó, 20 lồng tròn, chu vi 60m và 22 lồng vuông kích thước 5x5x5m dùng để nuôi cá bố mẹ và ương cá giống. Đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, quy trình nuôi không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ cá sống thường đạt từ 76 - 84% từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8 - 10 tháng. Hiện sản lượng cá thương phẩm được phục vụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, các nước Trung Đông.
Công ty Cổ phần Nuôi trồng Thủy sản Phương Minh cũng nuôi cá chim vây vàng, với quy mô 11 lồng HDPE gồm 6 lồng tròn tròn, thể tích 1.000 m3/lồng và 5 lồng vuông, thể tích 125 m3/lồng, sản lượng 150 tấn/năm.
Tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển xa bờ với phương thức quản lý hiện đại. Từ đó đưa ngành công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Để đạt mục tiêu đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định vị trí, đối tượng, công nghệ áp dụng để phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển từ bờ đến 3 hải lý và vùng biển từ 3 - 6 hải lý. Đến nay, đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan và đang hoàn chỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần nhân lực nuôi biển chất lượng cao
Theo Cục Thủy sản, về quan điểm phát triển nuôi biển của nước ta nhằm tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển. Hài hòa lợi ích trong việc sử dụng không gian biển.
Đồng thời tạo ra một phân ngành kinh tế biển tổng hợp hướng tới giá trị cao hơn nhờ ứng dụng những giải pháp công nghệ nuôi biển hiện đại, bắt kịp ngành nuôi biển của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chuyển từ tư duy sản xuất nuôi trồng sang tư duy kinh tế, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị từ tài nguyên biển.
Để làm được điều này phải tổ chức lại ngành hàng nuôi biển trên tinh thần hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm.
Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh tại TP.HCM cho rằng, nhân lực phục vụ kinh tế biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn đang thiếu hụt. Hơn nữa kỹ thuật sản xuất của lao động đa số còn ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, chương trình đào tạo nuôi biển công nghiệp chưa có trong hệ thống đào tạo chính quy. Vì vậy, việc vây dựng mô hình đào tạo theo sự dẫn dắt của ngành để đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường là rất cần thiết.
Để làm việc này cần có sự thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần thúc đẩy tính chủ động của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ có nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành, cũng như có nền tảng vững chắc để đào tạo nâng cao trong quá trình làm việc.
Ghi nhận của chúng tôi tại Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao cho thấy, nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển rất quan trọng. Theo đó, để vận hành 20 lồng tròn và 22 lồng vuông, trang trại cần có 11 thành viên gồm 1 quản lý trang trại, 2 thuyền trưởng và máy trưởng, 3 thợ lặn có chứng chỉ PADI, 4 công nhân kỹ thuật và 1 nhân viên ghi chép thu thập số liệu. Tất cả đều đã được tuyển dụng, đào tạo và tập huấn về nội quy an toàn lao động, an toàn sinh học, sơ cấp cứu và những kỹ thuật trong nuôi biển.
Ông Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao như trưởng trại hoặc trưởng bộ phận kỹ thuật có trình độ chuyên môn rất quan trọng trong nuôi biển. Đây là nguồn nhân lực quyết định sự thành bại của trại nuôi, vì họ là người tính toán khẩu phần ăn, cho ăn, đưa ra chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, phòng trị bệnh và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Trong đó, khâu tính toán cho ăn là quan trọng nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong chi phí sản xuất.
Tuy nhiên hiện nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực này ở nước ta rất hiếm, khó tìm. Do đó, ông Phương cho rằng, để đạt mục tiêu đưa ngành công nghiệp nuôi biển ở nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải được quan tâm, chú trọng.