| Hotline: 0983.970.780

Nhận thức sử dụng nước sạch đã thay đổi

Thứ Tư 20/11/2019 , 09:01 (GMT+7)

Nhiều hộ dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang từng bước thay đổi tập quán sử dụng nước sinh hoạt từ ao hồ, giếng khoan tay sang dùng nguồn nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.

21-35-40_h1
Hệ thống bồn làm thoáng và bồn lọc nước sạch phục vụ người dân.

Nhận thấy việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người, tỉnh Kon Tum đã đầu tư nhiều trạm cấp nước tập trung ở các vùng nông thôn. Nhờ vậy, bà con không phải lội suối vác từng can nước về dùng hoặc dùng nước giếng không hợp vệ sinh. Nước sạch về vùng nông thôn đã giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thực hiện bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch - VSMTNT, Trạm cấp nước tập trung xã Đăk La (huyện Đăk Hà) được xây dựng và hoàn thành vào năm 2013 với kinh phí 18 tỷ đồng. Hiện trạm cấp nước sạch tập trung dẫn đường ống nước đến hơn 1.300 hộ dân trên địa bàn xã, với lượng nước tiêu thụ bình quân khoảng 30.000 m3/tháng.

Phấn khởi vì được sử dụng nguồn nước sách, bà Y Hắc (trú thôn 5, xã Đăk La) cho biết, trước đây gia đình bà cũng như nhiều hộ dân trong thôn sử dụng nước suối, giếng tự khoan để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, giếng khoan thì cạn nước, còn nguồn nước suối thì không đảm bảo vệ sinh nên nhiều hộ gia đình sử dụng đã bị mẩn ngứa, uống nước thỉnh thoảng bị đau bụng.

“Giờ công trình nước sạch được xây dựng, không còn cảnh thiếu nước, chúng tôi ưng cái bụng lắm” – bà Y Hắc vui mừng và cho biết gia đình mình có 10 người nhưng chỉ xài hết 30 nghìn đồng/tháng.

Tương tự, gia đình ông Võ Thành Âu (thôn 5, xã Đăk La) cho biết, trước đây gia đình sử dụng nước giếng khoan nhưng không đảm bảo vệ sinh vì giếng lên bùn. Kể từ ngày có hệ thống nước, gia đình ông đã ngừng việc sử dụng nước giếng khoan để chuyển sang sử dụng nước được cấp từ trạm nước sạch tập trung. Gia đình ông Âu có 5 người sử dụng 1 tháng cũng chỉ hết khoảng 60 nghìn đồng tiền nước.

Theo ông Âu, phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã Đăk La đã bỏ hẳn việc dùng nước sông, nước giếng không đảm bảo vệ sinh để chuyển sang dùng nước sạch.

21-35-40_h2
Trạm cấp nước xã Đăk La phục vụ cho hơn 1.300 hộ dân.
Được biết, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum sự dụng nước sạch còn thấp, trong khi điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, ưu tiên về vốn nhằm giải quyết nguồn nước sạch -VSMTNT.

Theo tìm hiểu được biết, từ khi có trạm nước sạch, người dân trong xã Đăk La rất phấn khởi. Nhiều người trong vùng đã nhận thức đúng đắn việc sử dụng nước sạch là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình.

Ông Nguyễn Thanh Đức, Trạm trưởng Trạm cấp nước sạch xã Đăk La cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 1.300 hộ gia đình đấu nối đường ống nước sạch về sử dụng, trong đó hơn 800 hộ sử dụng thường xuyên. Từ khi có trạm nước sạch, ý thức người dân sử dụng nước hợp vệ sinh tăng rõ rệt, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt - VSMTNT Kon Tum cho biết, những năm qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch - VSMTNT, tỉnh Kon Tum đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 trạm nước sạch tập trung tại Xã Đăk La (huyện Đăk Hà) và cụm xã Diên Bình – Đăk H’Ring (huyện Đăk Tô và Đăk Hà) cung cấp cho hơn 3.700 hộ dân nông thôn.

Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục xây dựng thêm 4 trạm nước sạch tập trung tại các xã Ia Chiêm, Hòa Bình, Đăk Cấm (TP. Kon Tum) và xã Tân Cảnh (Đắk Tô). Mỗi trạm dự kiến xây dựng khoảng 14 tỷ đồng, dựa vào nguồn vốn hỗ trợ giai đoạn 3 của chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch - VSMTNT.

“Mục tiêu trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng khép kín hệ thống cấp nước sạch tập trung phục vụ nhu cầu sinh hoạt của tất cả người dân vùng nông thôn” – ông Huân cho biết.

21-35-40_h3
Người dân vui mừng vì được sử dụng nguồn nước sạch.

Theo ông Huân, hiện giá nước sạch phục vụ cho các hộ dân mang tính chất an sinh xã hội nhiều hơn nên nguồn thu tại các trạm vẫn không đủ bù chi cho các hoạt động bảo dưỡng, vận hành.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.