Trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết 06 vào ngày 07/7/2022, với nội dung tuyển dụng mỗi xã, phường và thị trấn một nhân viên thú y (trừ một số địa bàn đặc biệt bố trí 2 phường một nhân viên) nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi.
Tính đến nay, tỉnh đã tuyển và bố trí lực lượng thú y cho 101/106 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số xã, phường thuộc huyện Châu Thành, Càng Long và TP. Trà Vinh,nhân viên thú y đã nghỉ việc, hầu hết thời gian làm việc của họ chưa đầy một năm. Lý do nhân viên nghỉ việc bởi mức lương không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Anh Nguyễn Văn Điền, nhân viên thú y phường 9, thành phố Trà Vinh, bộc bạch: "Mỗi tháng, tôi nhận lương được gần 3,8 triệu đồng (sau khi trừ bảo hiểm), vừa đủ để chi tiêu cho bản thân, nên tôi muốn tìm công việc mới thu nhập khá hơn để có thể phụ giúp gia đình".
Tương tự, anh Lý Văn Kiệt (quê ở huyện Trà Cú) cho biết, làm nhân viên thú y xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành vừa tròn một năm. Chế độ và chính sách mà anh Kiệt nhận không khác với những cán bộ không chuyên trách cấp xã khác. Để cải thiện cuộc sống, anh Kiệt phải làm thêm nhiều việc như thụ tinh nhân tạo cho bò hoặc chạy xe ôm vào những ngày nghỉ.
Cũng theo anh Kiệt, khối lượng công việc của nhân viên thú y tuyến xã cũng khá lớn, bao gồm xây dựng chương trình thú y, tuyên truyền kiến thức về chăn nuôi, hướng dẫn phòng bệnh, quản lý động vật và tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe động vật trong xã... Theo đó, khó khăn nhất với anh Kiệt là vấn đề bảo quản vacxin cùng máy tính để lưu trữ dữ liệu, bởi chưa được cơ quan trang bị.
Qua ghi nhận thực tế, cơ sở vật chất phục vụ công việc của nhân viên thú y tuyến xã trên địa bàn Trà Vinh còn nhiều hạn chế. Hầu hết các xã chưa trang bị tủ đông cho nhân viên thú y bảo quản vacxin cũng như máy tính, bàn, ghế ngồi làm việc.
Ông Trần Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long xác nhận, hiện bàn, ghế làm việc của nhân viên thú y do xã tự bố trí, máy tính để bàn chưa được trang bị. Theo ông Triều, nhân viên nghỉ việc phần lớn do kinh tế khó khăn và một phần cơ sở vật chất còn thiếu thốn khiến họ chán nản.
Còn chị Nguyễn Thị Diễm, một nhân viên thú y xã Phước Hảo mới nghỉ việc cho biết, theo Nghị quyết 03 của HĐND Trà Vinh có quy định, mức hỗ trợ thêm cho lực lượng thú y tuyến xã, trực tiếp tiêm phòng, tiêu độc và khử trùng với mức 5.000 đồng/hộ/đợt tiêm. Tuy nhiên, do địa bàn đa số hộ chăn nuôi là người dân tộc, kiến thức về phòng bệnh cho vật nuôi vẫn còn hạn chế, nhiều trường hợp từ chối tiêm phòng nên thu nhập từ chính sách hỗ trợ chưa đáng kể.
“Đến đợt tiêm phòng chúng tôi xuống từng nhà vận động, có hôm phải bù lỗ tiền xăng bởi hộ đồng ý tiêm phòng quá ít”, chị Diễm nói.
Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND, tỉnh đã hỗ trợ xăng xe đi lại cho tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công tác tiêm phòng và điều trị gia súc, gia cầm bị bệnh, sốc vacxin sau khi tiêm phòng với số tiền gần 400 triệu đồng. Hỗ trợ người dẫn đường tiêm phòng vacxin hoặc dẫn đường khử trùng, tiêu độc số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh xác nhận, khó giữ chân nhân viên thú y tuyến xã bởi không có điều kiện ràng buộc, đa số là những sinh viên mới ra trường họ làm để lấy kinh nghiệm và khi có cơ hội việc làm tốt hơn họ sẽ nghỉ việc.
Sở sẽ tiếp tục tuyển mới để thay thế những vị trí nghỉ việc, đồng thời đề xuất cho tỉnh trang bị cơ sở vật chất như bàn ghế, máy tính, tủ đông để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của nhân viên thú y tuyến xã.
"Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thú y tuyến xã theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh đã nâng cao được tinh thần trách nhiệm, an tâm thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng thực hiện công tác phòng chống, dịch bệnh động vật tại địa phương. Giúp người chăn nuôi hưởng ứng tốt công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm. Từ đó, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn, góp phần ổn định đời sống kinh tế, xã hội của người chăn nuôi, hiện chính sách vẫn còn phù hợp", ông Đông khẳng định.