| Hotline: 0983.970.780

Nhiệm kỳ của hành động và chủ động

Thứ Năm 18/03/2021 , 23:15 (GMT+7)

Với tâm thế luôn hành động và chủ động, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ NN-PTNT được đánh giá thành công vượt mong đợi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển ngành và cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020 diễn ra chiều 18/3 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển ngành và cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020 diễn ra chiều 18/3 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

5 năm hoàn thiện 6 luật

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển ngành và cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020 diễn ra chiều 18/3 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đều ghi nhận và đánh giá những thành quả vượt bậc ngành nông nghiệp đạt được trong 5 năm qua.

Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất chính là việc chỉ trong vòng 5 năm, Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của Bộ, bao gồm Luật Lâm nghiệp; Thủy sản; Phòng, chống thiên tai và đê điều sửa đổi; Thủy lợi; Trồng trọt; Chăn nuôi.

Với một hành lang pháp lý tiến bộ, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, trở thành nền tảng, động lực quan trọng để ngành nông nghiệp thực hiện đề án tái cơ cấu, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả, Bộ NN-PTNT thăng hạng liên tiếp nhiều năm trên bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các cơ quan thuộc Chính phủ, từ vị trí thứ 13 lên vị trí thứ 7 rồi thứ 4.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ, nhờ Luật Thủy sản được ban hành đúng thời điểm, đã giúp ngành thủy sản có công cụ pháp lý quan trọng quản lý hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Số lượng những cơ sở giống không đảm bảo đủ điều kiện đã giảm đi rất nhiều, trong khi các cơ sở giống quy mô lớn, chất lượng cao ngày càng được doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn.

Trong đó, những đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, cá tra đã có doanh nghiệp đầu tư để chủ động được nguồn con giống bố mẹ. Đây là nền tảng quan trọng để ngành thủy sản có được dư địa và cơ hội để tiếp tục tăng trưởng, bứt phá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, ngành thủy lợi có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, nhưng phải đến nhiệm kỳ vừa qua những người làm trong ngành thủy lợi, thủy nông mới có được một bộ luật đúng nghĩa.

Theo ông Tỉnh, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều, hồ chứa đã hoàn thiện, vấn đề còn lại là vận dụng luật để quản lý, vận hành cho tốt hơn. Trong 5 năm qua, ông Tỉnh đánh giá ngành thủy lợi đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt, từ chủ yếu phục vụ cây lúa nay công tác thủy lợi đã hướng tới phục vụ cho cả đối tượng cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, việc chuyển từ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sang Luật Lâm nghiệp là sự chuyển dịch vô cùng kịp thời và ý nghĩa khi coi lâm nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn đa mục đích của đất nước.

Với sự ra đời của một Luật Lâm nghiệp hiện đại, Việt Nam đã hoàn thành ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới, đặc biệt là Hiệp định VPA/FLEGT với Liên minh châu Âu, mở đường cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục về tăng trưởng trong 5 năm qua.

Lan tỏa câu chuyện tái cơ cấu ngành

Tổng kết tóm tắt lại thành quả trong nhiệm kỳ 5 năm tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 5 năm qua là đỉnh điểm của thiên tai, dịch họa, biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng, từ xưa đến nay chưa bao giờ Việt Nam có dịch tả lợn Châu Phi, chưa bao giờ có bệnh khảm lá sắn và cũng chưa bao giờ mà ngày mùng 1 Tết Nguyên đán xảy ra mưa đá khắp miền Bắc, lũ lụt với lượng mưa kỷ lục tại miền Trung và hạn hán xậm nhập mặn kỷ lục tại ĐBSCL.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết trong lịch sử chưa bao giờ ngành nông nghiệp lại được cả hệ thống chính trị quan tâm đến vậy khi ban hành tới 9 Chỉ thị về ngành. Chưa bao giờ Bộ Chính trị, Ban Bí thư có Chỉ thị về IUU, về dịch tả lợn Châu Phi.

Bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, theo Bộ trưởng, thành công lớn trong nhiệm kỳ vừa qua của ngành nông nghiệp đó chính là sự tham gia của các doanh nghiệp.

Theo đó, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 4 trong 5 năm qua và hiện có tới trên 17.500 HTX hoạt động trong lĩnh vực "tam nông". Bản thân người nông dân cũng cũng có sự chuyển biến rất mạnh mẽ, liên kết lại với nhau tạo thành sức mạnh giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành kế hoạch khi xuất khẩu nông lâm thủy sản trong vòng 5 năm qua tăng hơn 10 tỷ USD.

“Trong 5 năm qua, nông nghiệp thực sự phát triển, nông thôn thực sự đổi thay, vị thế ngành được nâng lên rõ rệt. Đi đến bất cứ nơi nào chúng ta cũng đều bắt gặp những câu chuyện nói tới sự thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ý nghĩa to lớn mang lại cho người nông dân từ chương trình xây dựng nông thôn mới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thách thức với ngành nông nghiệp chưa bao giờ hết và trong tương lai sẽ còn lớn hơn, áp ực hơn. Đó là thách thức cố hữu của một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thách thức từ biến đổi khí hậu, từ cạnh tranh, hội nhập.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, dù 5 năm qua ngành đã đạt được kết quả vượt mong đợi, nhưng 5 năm tới đừng vội mừng, bởi chúng ta đánh mất ngay thành quả nếu không có sự chủ động, nhìn nhận, đánh giá kịp thời xu thế dịch chuyển của thế giới. Bởi các nước chắc chắn sẽ không ngồi im một chỗ để Việt Nam ung dung xếp hạng nhất, nhì, ba một số lĩnh vực như nhiều năm qua.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm và thành quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, bước sang nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng mong muốn hơn 16.000 lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ NN-PTNT tiếp tục duy trì sự đoàn kết, sáng tạo trong công việc.

“Bộ NN-PTNT là một bộ liên quan trực tiếp tới bà con nông dân và những lĩnh vực quan trọng mang tính sống còn của đất nước nên phải luôn luôn có sự chủ động, thích ứng dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Bộ NN-PTNT là phải sâu sát, làm nhiều sẽ càng vỡ ra, ý tướng, sáng kiến cũng từ công việc mà ra. Nhưng quan trọng là phải trên dưới một lòng, khoán từng mảng, từng đơn vị, từng việc cho từng Thứ trưởng phụ trách. Chúc các đồng chí trong nhiệm kỳ tới tiếp tục có khát vọng, có mục tiêu mới để đưa ngành nông nghiệp đạt đỉnh cao mới, góp phần đưa đất nước ngày một phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tâm sự.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam trong 5 năm qua chúng ta thấy rõ 3 nhóm thành quả của ngành nông nghiệp, đó là luật hóa và thể chế hóa các nội dung quản lý của Bộ, tái cơ cấu ngành thực sự có hiệu quả và dù dịch bệnh thiên tai rất nhiều nhưng ngành nông nghiệp vẫn thành công cho thấy chúng ta đã tái cơ cấu đúng hướng.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp, HTX các chủ thể trong sản xuất trong ngành nông nghiệp đã có sự chuyển biến, chuyển đổi rất mạnh mẽ nhờ các chủ trương, chính sách của Bộ NN-PTNT. Trong tổng số 17.500 HTX, có trên 83% là hiệu quả. HTX nay trở thành mắt xích không thể thiếu để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đã bắt đầu hình thành những tổ hợp khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Một thành quả đúng hướng khác của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua đó chính là chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã thực sự giải được bài toán liên kết nông dân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng miền núi, nông thôn phát huy thế mạnh của địa phương gắn với phát triển du lịch hiệu quả. Đặc biệt, OCOP không chỉ giải quyết việc làm, đầu ra cho sản phẩm mà còn giúp nâng cao vai trò chủ thể của phụ nữ nông thôn, miền núi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Nguyên Huân.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, lĩnh vực trồng trọt đã định hình được lợi thế cho từng loại cây trồng, từng vùng sinh thái, địa lí. Dù diện tích giảm rất nhanh theo xu thế chung, nhưng ngành trồng trọt vẫn giữ được sự tăng trưởng tốt nhờ tăng năng suất,  tăng giá trị và tăng xuất khẩu tăng. Hiện nay, giống lúa chất lượng chiếm trên 80% cơ cấu, chi phí sản xuất giảm rất mạnh.

Ngành trồng trọt cũng đã chủ động xây dựng các gói kỹ thuật đồng bộ, điển hình như điều chỉnh thời vụ né hạn mặn tại ĐBSCL. Bài học rút ra, công tác chỉ đạo, điều hành đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta phải có sự phối hợp và chủ động kịp thời giữa các đơn vị trong Bộ, giữa Bộ và các địa phương.

Thời gian tới, ngành trồng trọt cần tập trung nâng cao chất lượng và giá trị vì dư địa năng suất không còn nhiều. Cần tập trung tái cơ cấu nội ngành đối với từng mặt hàng theo chuỗi giá trị. Tiếp tục giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích. Tăng cường ứng dụng KHCN trong mọi công đoạn, đặc biệt là khâu thu hoạch, chế biến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Nguyên Huân.

Đánh giá giai đoạn 5 năm qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, trong vòng 5 năm ngành nông nghiệp hoàn thành 6 luật là một kỳ tích. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để ngành nông nghiệp trong những năm qua đi hết từ kỳ tích này đến kỳ tích khác.

Có được thành công này do chúng ta nhận định tình hình rất chính xác nên đưa ra giải pháp mục tiêu rất đúng và trúng, ngay lập tức phát huy hiệu quả, đơn cử như Nghị quyết 120 về “thuận thiên” cho ĐBSCL vừa qua. Bên cạnh đó, năng lực phản ứng và tổ chức thực hiện có sự đồng thuận rất cao trong các đơn vị của Bộ và xuống tới các địa phương.

Ví dụ, dịch tả lợn Châu Phi vừa qua nếu không có sự nhận định chính xác, không chỉ trong vòng 2 năm chúng ta xử lý ngay được hay như việc huy động, tổ chức, kêu gọi hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi khôi phục sản xuất sau mưa lũ rất bài bản, hiệu quả trong thời gian rất ngắn tại miền Trung vừa qua.

Hiện mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã có chiến lược, có luật, có đề án, có kế hoạch chi tiết rồi, giờ chúng ta chỉ cần đoàn kết, đồng lòng và bám sát theo hệ thống định hướng, giải pháp đó để tiếp tục phát triển tốt hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan dẫn câu: "Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân" trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để khẳng định phía sau, phía trước, bên cạnh chúng ta luôn là người nông dân. Vì vậy, bên cạnh câu chuyện tăng trưởng chúng ta cũng cần phải cân bằng đời sống của 10 triệu nông dân luôn đồng hành, sẵn sàng hy sinh cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử vừa qua.

Ông cho rằng, làm quản lý nhà nước có nhiệm kỳ còn doanh nghiệp, HTX, nông dân không có nhiệm kỳ. Do đó, kế hoạch 5 năm của ngành cũng chỉ mang tính chất tương đối, thực tiễn hiện nay đòi hỏi và kỳ vọng với ngành nông nghiệp ngày một cao hơn rất nhiều.

Bất định, biến động, phức tạp, mơ hồ là những thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Covid-19 chính là biểu hiện điển hình cho sự phức tạp, mơ hồ đó, bởi sau covid-19 chưa ai biết nó sẽ là gì tiếp theo.

Từ đó cho thấy, chúng ta cần phải linh hoạt, thích ứng với những vấn đề, thách thức đó để gia cố nó chắc chắn hơn. Ngay cả những con số trong ngành nông nghiệp đã chứa đựng cả sự bình thường, lẫn bất thường. Như số Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 18/3 đăng bài giá hồ tiêu tăng mạnh, chúng ta nên mừng hay lo? Qua đó mới thấy, tất cả vấn đề đặt ra đều có hai mặt của nó, đòi hòi chúng ta phải phác thảo được cái tích cực, mặt hạn chế để có sự thích ứng phù hợp.

Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nó vẫn đeo bám ngành nông nghiệp từ hàng chục năm qua chứ không phải bây giờ. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta nên vượt qua hay giải mã “từ khóa” này để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn thị trường.

Chúng ta phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tạo ra được sản phẩm đã khó rồi, nhưng đưa được sản phẩm đó ra thị trường có giá thành và cạnh tranh tốt nhất mới là tư duy kinh tế. Hiện người tiêu dùng có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn nên việc tiết giảm chi phí ở đây không chỉ là chi phí sản xuất, chế biến mà cả là chi phí đầu tư.

Vấn đề nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng với ngành nông nghiệp trong tương lai. Với sự phát triển của công nghệ 4.0 chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Tiếp tục duy trì đầu tư đồng bộ, hoàn thiện và bền bỉ trong việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành nông nghiệp. Cần có chiến lược gắn đào tạo với khoa học công nghệ dài hơi, bài bản, đích đáng để hội nhập thành công. (GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.