Trong hai thập kỷ qua, tốc độ nóng lên đã tăng gần gấp đôi từ mức tăng dài hạn là 0,58 watt/m2 lên 1,05 watt/m2. Các giai đoạn nhiệt độ đại dương cao và nóng bất thường cũng có xu hướng kéo dài hơn. Thời gian kéo dài trung bình hằng năm của một đợt hiện tượng bất thường như vậy đã tăng gấp đôi từ 20 ngày lên 40 ngày kể từ năm 2008 đến nay.
Theo Copernicus, vào năm 2023, hơn 20% đại dương trên thế giới trải qua ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng đến cực độ. Những đợt nắng nóng này có thể dẫn đến sự di cư và tử vong hàng loạt của một số loài, gây hại cho hệ sinh thái và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của thế giới biển, từ đa dạng sinh học đến hóa học, các quá trình hải dương học cơ bản, dòng hải lưu cũng như khí hậu toàn cầu.
"Sự nóng lên của đại dương có thể được coi là dấu hiệu báo động về sự nóng lên toàn cầu", ông Von Schuckmann, một chuyên gia về vai trò đặc biệt của đại dương trong hệ thống khí hậu của trái đất, cho biết. Đại dương nóng hơn sẽ gây ra bão, lốc xoáy và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác bằng cách tác động đến các kiểu thời tiết toàn cầu và nơi mưa rơi xuống.
Copernicus cũng lưu ý rằng độ axit của đại dương cũng đã tăng 30% kể từ năm 1985, một hậu quả khác của biến đổi khí hậu, chủ yếu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Trên một ngưỡng nhất định, tính axit của nước biển sẽ ăn mòn các khoáng chất mà sinh vật biển, bao gồm san hô, trai và hàu, sử dụng để tạo nên bộ xương và vỏ của chúng. Theo một báo cáo công bố vào tuần trước, Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) dự báo nguy cơ độ axit sẽ vượt ngưỡng nhất định này trong tương lai gần.