| Hotline: 0983.970.780

Nhiều dấu hỏi sau lệnh động viên quân của ông Putin

Thứ Tư 28/09/2022 , 10:17 (GMT+7)

Lệnh triệu tập 300.000 quân dự bị của ông Putin sẽ hoạt động như thế nào? Phản ứng ở Nga là gì? Và điều gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch này bất thành?

Một áp phích kêu gọi người dân Nga tham gia nghĩa vụ quân sự, với hình ảnh một người lính và khẩu hiệu 'Phụng sự đất nước là một nhiệm vụ' ở thành phố Saint Petersburg hôm 20 tháng 9 năm 2022. Ảnh: Olga Maltseva / AFP

Một áp phích kêu gọi người dân Nga tham gia nghĩa vụ quân sự, với hình ảnh một người lính và khẩu hiệu "Phụng sự đất nước là một nhiệm vụ" ở thành phố Saint Petersburg hôm 20 tháng 9 năm 2022. Ảnh: Olga Maltseva / AFP

Theo giới quan sát, lệnh huy động thêm 300.000 quân dự bị của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/9 khá chung chung nên đã gây ra nhiều tranh cãi và bất bình trong dư luận.

Thậm chí ngay cả những người lâu nay vốn ủng hộ Điện Kremlin cũng lên tiếng chỉ trích vì những bước đi thiếu nhất quán, sai sót trong các thông tư liên quan đến độ tuổi, đối tượng... Các nhà phê bình cho rằng, nghị định đã được cố tình làm mơ hồ để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng mở biên độ khi thực hiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sau đó đã lên tiếng “chữa cháy” rằng, quân đội có thể huy động tới 300.000 người từ nhóm dân số 25 triệu người. Cụ thể là số này là những người đã từng phục vụ trong quân đội và có kinh nghiệm chiến đấu hoặc kỹ năng quân sự chuyên biệt. Còn sinh viên hoặc lính nghĩa vụ đang phục vụ 12 tháng bắt buộc trong lực lượng vũ trang sẽ không được tính đến.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, ngay các lực lượng dự bị cũng không thể được triển khai tới Ukraine ngay lập tức vì họ sẽ phải trải qua khóa huấn luyện, bồi dưỡng hoặc đào tạo mới và làm quen với cách mà quân đội Nga đang triển khai cái gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt". Dự báo ít nhất Nga sẽ phải mất vài tháng chuẩn bị trước khi hành động.

Theo các nguồn tin trong nước, những người nằm trong diện dự bị đợt này sẽ được khích lệ về mặt tài chính và được trả lương như những quân nhân chuyên nghiệp phục vụ toàn thời gian. Theo đó, họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với mức lương trung bình hiện hành của Nga, điều này có thể khiến đề xuất này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nam công dân ở các tỉnh vùng nông thôn.

Còn đối với lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, được gọi là 'kontraktniki' hiện đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang sẽ được tự động gia hạn hợp đồng cho đến khi nào quân đội ra quyết định kết thúc lệnh động viên. Nói cách khác, việc không hưởng ứng lệnh huy động của quân nhân chuyên nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trước đó, Quốc hội Nga đã thông qua một dự luật nhằm trừng phạt cứng rắn hơn đối với các tội danh như đào ngũ, gây thiệt hại cho quân đội và không chịu phối hợp triển khai điều lệnh trong các tình huống huy động quân sự hoặc chiến đấu.  Một bản sao của đạo luật này bị rò rỉ, được hãng tin Reuters công bố cho thấy, đối tượng nào tự nguyện đầu hàng sẽ bị quy thành tội phạm và bị xử phạt 10 năm tù.

Tiến sĩ Marina Miron, thuộc Phòng Nghiên cứu Quốc phòng của Đại học King London nói: “Mặc dù các tiêu chí tuyên mộ đã có vẻ rõ ràng hơn, nhưng nó vẫn gây ra rất nhiều lo ngại giữa các ứng viên tiềm năng. Do vậy Điện Kremlin sẽ phải khéo léo thiết kế các chiến dịch cung cấp thông để tránh phản ứng dữ dội có thể xảy ra trên quy mô lớn hơn".

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, “lực lượng dự bị của Nga có hơn hai triệu cựu lính nghĩa vụ và lính hợp đồng trên giấy tờ, nhưng rất ít người được đào tạo hoặc chuẩn bị tích cực cho chiến tranh”. ISW cho rằng, về mặt lịch sử, “chỉ 10% lực lượng quân dự bị được đào tạo bồi dưỡng sau khi hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên của họ”, đồng thời nói thêm rằng Nga thiếu cả năng lực hành chính và tài chính để đào tạo, huấn luyện liên tục đội ngũ này.

Phản ứng ở Nga

Các tân binh tập trung tại một trung tâm tuyển quân ở Bataysk, vùng Rostov-on-Don, miền nam nước Nga hôm 26/9.  năm 2022. Ảnh: AP

Các tân binh tập trung tại một trung tâm tuyển quân ở Bataysk, vùng Rostov-on-Don, miền nam nước Nga hôm 26/9.  năm 2022. Ảnh: AP

Ngay sau lệnh tuyển mộ thêm 300.000 quân dự bị của ông Putin hồi giữa tuần trước, nó lập tức đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở Nga khi một số người ngày càng cảm thấy mệt mỏi với những gì mà Moscow vẫn gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo đối lập và bất đồng chính kiến đang ​​bị bỏ tù Alexei Navalny thì lên tiếng cáo buộc “ông Putin đã đưa thêm nhiều người Nga đến chỗ chết”.

“Rõ ràng là cuộc chiến đang ngày càng trở nên tồi tệ, và Putin đang cố gắng lôi kéo càng nhiều người vào cuộc chiến này”, ông Navalny cho biết trong một thông điệp video từ nhà tù do các luật sư của ông ghi lại và công bố.

Cuối tuần trước, phong trào đối lập Dân chủ Thanh niên "Vesna" cũng lên tiếng kêu gọi các cuộc biểu tình trên toàn quốc. “Hàng nghìn người đàn ông Nga - những người cha, người anh em và người chồng của chúng tôi - sẽ bị ném vào cối xay thịt của cuộc chiến. Họ sẽ chết vì điều gì? Những bà mẹ và những đứa trẻ sẽ khóc vì điều gì?”, nhóm này tuyên bố.

Avtozak, một nhóm người Nga theo dõi các cuộc biểu tình, đã báo cáo về các cuộc biểu tình của hàng chục người ở các thành phố, bao gồm Ulan-Ude và Tomsk ở Siberia, và Khabarovsk ở Viễn Đông, với một số người biểu tình bị chính quyền bắt giữ.

Tiến sĩ Luke March, giáo sư về chính trị Liên Xô và Hậu Xô Viết, kiêm giám đốc khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Edinburgh nhận định rằng: “Nếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine vẫn không giảm bớt trong một mùa đông khó khăn và họ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev thì cán cân lực lượng sẽ ngày càng có lợi cho Ukraine và các vấn đề trong nước đối với Putin sẽ trở nên lớn hơn nhiều”.

(EuroNews; Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.