| Hotline: 0983.970.780

Nhìn thẳng vào Quảng Trị [Bài 4]: Đừng vội khoác lên mình chiếc áo quá khổ

Thứ Năm 10/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới chỉ mang lại giá trị khi các tiêu chí đã chín muồi. Nóng vội hay chạy theo thành tích chẳng khác nào khoác lên mình chiếc áo quá khổ.

Dân còn nghèo, điều kiện sản xuất muôn vàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hợp tác xã (HTX) thành lập ra cũng chỉ là cái vỏ. Trong khi những nền tảng chính cho một nông thôn mới (NTM) chính là sức sản xuất, đời sống người dân và mở ra một hướng về việc làm, về tinh thần sống nơi người dân ở. Chỉ vì thành tích, vì sức ép, vì không biết lấy gì để làm khi muốn cán đích NTM mà những điều kiện chưa thực sự chín muồi đã phải là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta chưa? Quảng Trị cần nhìn thẳng vấn đề này để có cách đi đúng đắn, phù hợp.

Phải định vị lại

Năm 2015, Tân Hợp là xã đầu tiên của các huyện miền Tây Quảng Trị về đích nông thôn mới. Đến năm 2018, theo yêu cầu của bộ tiêu chí nông thôn mới, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân hợp được thành lập với vai trò tổ chức sản xuất cây giống, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mục đích thành lập hợp tác xã phù hợp với tình hình kinh tế địa phương; phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của các cổ đông và hộ xã viên.

Có một hợp tác xã hùng mạnh trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao đời sống cho người dân nhưng tiêu chí nông thôn mới tại Tân Hợp cũng rơi rụng dần. Ảnh: Công Điền.

Có một hợp tác xã hùng mạnh trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao đời sống cho người dân nhưng tiêu chí nông thôn mới tại Tân Hợp cũng rơi rụng dần. Ảnh: Công Điền.

Tổ chức sản xuất đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bởi đây là một trong những yếu tố giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng cao chính là một trong những yếu tố cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới.

Có một hợp tác xã nhưng một số tiêu chí nông thôn mới tại Tân Hợp hiện vẫn tụt so với yêu cầu mới. Tân Hợp đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 nhưng không hoàn thành. Định vị lại chính mình, Tân Hợp tiếp tục đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022 nhưng kết quả vẫn không đạt. Đến thời điểm này, Tân Hợp lại đang loay hoay với việc “trả nợ” các tiêu chí không còn đáp ứng nhu cầu của bộ tiêu chí mới.

Bài liên quan

Ông Trần Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, nếu năm 2020 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu thì đến nay đi “trả nợ” các tiêu chí còn vất vả hơn: “Các trường học sau khi sáp nhập thì không còn đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, ở đây hiện còn 2 tiêu chí là thành lập chi bộ quân sự xã và sổ khám sức khỏe điện tử cũng chưa hoàn thành. Năm 2022 phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao nhưng không thể đạt được chứ đừng nói là nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Vinh chia sẻ.

Câu chuyện của Tân Hợp, một trong những xã hiếm hoi và gần như duy nhất tại các huyện miền Tây Quảng Trị có nhiều tiêu chí nông thôn mới bền vững giúp chúng ta nhận ra một điều, cần định vị được chính mình trong xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới chỉ bền vững và đem lại thành quả ngọt ngào khi các yếu tố, tiêu chí đã chín muồi.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết, tại thời điểm công nhận các xã nông thôn mới trên địa bàn (từ 2015 đến 2018), về cơ bản các tiêu chí đều đạt; một số tiêu chí cho nợ; một số tiêu chí vận dụng. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2021 - 2025, sau khi bộ tiêu chí nông thôn mới ra đời thì những lỗ hổng là kết quả của sự dễ dãi trong thẩm định cũng ngày xuất hiện một rõ hơn.

So với bộ tiêu chí mới, xã Tân Thành rớt 8 tiêu chí; 3 xã rớt 5 tiêu chí và xã Tân Hợp rớt 2 tiêu chí. Ngoài ra, trong số 5 xã về đích nông thôn mới của huyện Hướng Hóa thì tất cả đều không đạt 2 tiêu chí là thành lập chi bộ quân sự xã và tỷ lệ có sổ khám sức khỏe điện tử.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu tư liệu sản xuất khiến xây dựng nông thôn mới miền Tây Quảng Trị gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Công Điền.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu tư liệu sản xuất khiến xây dựng nông thôn mới miền Tây Quảng Trị gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Công Điền.

Theo ông Bình, nguyên nhân các xã rớt tiêu chí xuất phát từ yêu cầu của bộ tiêu chí ngày càng cao và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong thời gian qua.

“Hiện nay, huyện đang gặp khó khăn trong việc “trả nợ” các tiêu chí bị rớt. Theo quy định của Trung ương, nếu đến năm 2024 không trả được nợ tiêu chí thì sẽ bị thu hồi quyết định xã nông thôn mới. Chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức để không xã nào bị thu hồi”, ông Bình cho hay.

Còn do dự và dè dặt

Trường hợp của Tân Hợp (Hướng Hóa) và Triệu Nguyên có thể coi là bài học nhãn tiền cho các xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới nhưng điều kiện chưa chín muồi. Cái kết của việc nóng vội xóa “huyện trắng nông thôn mới” ở Đakrông đã khiến người dân và chính quyền xã Triệu Nguyên rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, nhất là khi đang có kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nhà văn hóa '5 không' của xã Mò Ó. Ảnh: Võ Dũng.

Nhà văn hóa "5 không" của xã Mò Ó. Ảnh: Võ Dũng.

Như ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đakrông từng nói: Khi đã có nghị quyết thì không còn đường lùi. Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đã đưa các xã bước vào con đường xây dựng nông thôn mới chỉ còn cách nhìn về phía trước, bước đi trong vô định.

Chúng tôi đọc được suy nghĩ mơ hồ ấy trong những câu nói dè dặt, gián đoạn của ông Hồ Văn Do, Chủ tịch UBND xã Mò Ó.

Mò Ó từng được lựa chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Đakrông. Tuy nhiên, sau khi xem xét các yếu tố, điểm xuất phát, UBND huyện Đakrông quyết định chọn xã Triệu Nguyên sẽ trở thành xã điểm và về đích nông thôn mới vào năm 2020. Thời điểm đó, có thể coi việc Mò Ó đã được đưa ra khỏi danh sách xã điểm là may mắn khi không có điểm xuất phát phù hợp và không có nhiều tiềm năng để về đích đúng kế hoạch.

Nhưng theo lộ trình, đến 2025, Mò Ó sẽ về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mò Ó mới chỉ đạt 11 tiêu chí nông thôn mới. Chưa kể, tiêu chí cơ sở vật chất hạ tầng đã được coi là đạt nhưng thực chất vẫn chưa được đầu tư đáp ứng yêu cầu trong khi địa phương không đủ nguồn lực đầu tư. Huy động từ nhân dân gần như không thể khi đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

“Hiện nay, cơ sở vật chất nhà văn hóa xã đang trong tình trạng 5 không: Không nước, không điện, không mạng Internet, không bàn ghế, không loa máy nhưng xã không đủ điều kiện và không có ngân sách để hoàn thiện”, ông Do cho hay.

Sở NN-PTNT là cơ quan được UBND tỉnh Quảng Trị giao “đỡ đầu” xã Mò Ó xây dựng nông thôn mới. Theo ông Do, Mò Ó chỉ có thể về đích đúng hẹn nếu nhận được nguồn đầu tư đủ lớn. 

Còn theo chúng tôi, thứ mà Mò Ó cần hơn nữa đó là lương tâm và trách nhiệm của cơ quan được tỉnh giao "đỡ đầu" cho Mò Ó. Chứ ôm con bỏ chợ thì sẽ muôn nẻo truân chuyên với Mò Ó. 

Ở một xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu chí khó khăn nhất và cũng khiến chính quyền xã Mò Ó trăn trở nhất là thu nhập và giảm nghèo. Cuối năm 2022, xã Mò Ó có 34% hộ nghèo và 7,8% hộ cận nghèo. Theo Nghị quyết HĐND xã Mò Ó Khóa XII, mỗi năm địa phương giảm 5 - 7% hộ nghèo. Đó có lẽ cũng là một Nghị quyết quá sức so với tình hình kinh tế Mò Ó.

Để đạt được xã nông thôn mới vào năm 2025, xã này phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 5%. Có nghĩa là, chỉ khoảng 2,5 năm tiếp theo, Mò Ó phải giảm trên 28% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Mò Ó là 26 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 phải đạt 48 triệu đồng/người/năm, tức là mỗi năm tăng thêm gần 9 triệu đồng. Đó thực sự là điều không tưởng khi tại địa phương này có gần 74% là đồng bào dân tộc thiểu số; 95% dân số sống bằng nghề nông trong khi tư liệu sản xuất ít ỏi, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ngành nghề dịch vụ gần như không phát triển.

Đừng vội khoác lên mình chiếc 'vương miện' nông thôn mới khi cuộc sống người dân còn chật vật với nỗi lo miếng cơm manh áo. Ảnh: Công Điền.

Đừng vội khoác lên mình chiếc "vương miện" nông thôn mới khi cuộc sống người dân còn chật vật với nỗi lo miếng cơm manh áo. Ảnh: Công Điền.

“Để giảm nghèo chỉ còn cách là phát triển các tổ hợp tác, phát huy vai trò tổ chức sản xuất của hợp tác xã. Thu nhập, giảm nghèo là tiêu chí quan trọng nhất và cũng là trăn trở lớn nhất hiện nay nhưng nếu không có cái gì (nguồn lực đầu tư - PV) “bơm vào” là rất khó”, ông Hồ Văn Do khẳng định.

Ông Hồ Văn Do công nhận, vì vấn đề giảm nghèo, UBND xã Mò Ó chịu rất nhiều áp lực từ phía người dân khiến bản thân ông nhiều đêm không ngủ được. Nhưng khi chúng tôi hỏi, liệu đến năm 2025 về đích nông thôn mới có quá sức với Mò Ó hay không thì ông Do do dự: “Không quá sức nhưng cũng phải hết sức cố gắng”.

Thu nhập, giảm nghèo là tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới

“Theo lộ trình, đến năm 2025, Đakrông có các xã Ba Lòng, Mò Ó và 3 thôn về đích nông thôn mới. Vừa rồi, huyện làm việc với các xã A Bung, A Ngo, A Vao, các xã đều quyết tâm đến năm 2025 sẽ cố gắng đạt các tiêu chí mềm. Tuy nhiên, thu nhập người dân là khó khăn nhất hiện nay và phải bằng mọi cách để nâng cao thu nhập”, ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đakrông.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.

Bình luận mới nhất