Tại hội thảo “Tầm nhìn và đối thoại hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo Việt Nam” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) và Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức ngày 7/9 tại TP Cần Thơ, các thành viên tham gia Nhóm đối tác công tư về lúa gạo đã đề xuất chi tiết các nội dung xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian tới.
Cụ thể, Nhóm đã thành lập 3 nhóm điều phối thành phần, gồm: Nhóm thị trường; nhóm công nghệ và nhóm chính sách. Các nhóm điều phối đã đi sâu chia sẻ, thảo luận, trao đổi nhằm xây dựng nhiệm vụ, quyền lợi cho các thành viên tham gia. Đồng thời kiến nghị các hoạt động đến Nhóm đối tác công tư về lúa gạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tham gia vào Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Theo đề xuất, nhóm thị trường sẽ tập hợp số lượng lớn các đối tác tham gia từ các cơ quan chuyên môn ở cấp bộ, ngành đến địa phương. Trong đó, có sự vào cuộc của trung tâm khuyến nông tỉnh, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức đoàn thể (hội phụ nữ, nội nông dân… ), chính quyền địa phương, hợp tác xã, nông dân sản xuất giỏi, doanh nghiệp cung ứng đầu vào.
Nhóm thị trường sẽ thực hiện các kết nối tiêu thụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của nông dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra những dự báo về thị trường, đề xuất chính sách hỗ trợ cung - cầu cho các sản phẩm trong chuỗi lúa gạo, hướng tới mục tiêu định vị giá trị hạt gạo.
Để thực hiện tốt vai trò này, các thành viên tham gia nhóm thị trường mong muốn được chia sẻ thông tin về thị trường lúa gạo, ưu tiên tập huấn chuyển giao công nghệ, tiếp cận chính sách, tham gia các hội nghị về lúa gạo quốc tế, xúc tiến thương mại quốc tế để tích lũy kiến thức, nắm được các yêu cầu của thị trường quốc tế. Từ đó, các thành viên sẽ có những định hướng, đề xuất phù hợp.
Nhóm công nghệ sẽ tập hợp các doanh nghiệp cơ giới hóa, dinh dưỡng, bảo vệ thực vật, kỹ thuật số… Dựa trên thế mạnh của từng doanh nghiệp, nhóm sẽ thực hiện các chương trình phù hợp với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Qua trao đổi, các thành viên nhóm công nghệ đi đến thống nhất mục tiêu cùng nhau ứng dụng các giải pháp tiên tiến, đồng bộ để xây dựng một quy trình thống nhất cho sản xuất lúa bền vững. Các doanh nghiệp sẽ đóng góp kiến thức chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin để điều chỉnh các quy trình cho từng đơn vị, đồng thời thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng để lan tỏa đến nông dân.
Các thành viên tham gia nhóm công nghệ nhìn nhận, khi nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành, mức độ lan tỏa công nghệ sẽ đến với nhiều bà con nông dân hơn, thay vì một doanh nghiệp thực hiện riêng lẻ.
Với nhóm chính sách, có thể huy động 3 – 4 tổ chức cùng nhau tham gia công tác điều phối để đảm bảo khách quan và hỗ trợ nhau. Hoạt động chính của nhóm này là thực hiện rà soát chính sách, tổ chức các cuộc đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc, cải tiến hoặc đưa ra những chính sách mới.
Dựa trên những đề xuất, kiến nghị của các nhóm điều phối, đơn vị chủ trì Nhóm đối tác công tư về lúa gạo sẽ nhanh chóng hoàn thành kế hoạch và thiết kế khung chương trình hành động cụ thể, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 là diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 300.000ha và đến năm 2030 đạt 1 triệu ha. Trong đó, đảm bảo các yếu tố canh tác bền vững, đến năm 2025 đạt lượng giống gieo sạ dưới 80 – 100kg/ha; lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới giảm 20%; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.
Đến năm 2030, lượng giống gieo sạ đạt dưới 70kg/ha; lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%, các tiêu chí khác được duy trì tương đương.