| Hotline: 0983.970.780

Những câu hỏi sau cuộc không kích Syria của liên quân Mỹ

Thứ Hai 16/04/2018 , 07:05 (GMT+7)

Lần thứ hai trong vòng hơn một năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump phóng tên lửa nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Syria, đổ thêm dầu vào một trong những chảo lửa xung đột phức tạp nhất khu vực.

09-28-02_1
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về quyết định không kích Syria. Ảnh: Reuters

Các quan chức Mỹ đang đánh giá kết quả nhưng khi khói bụi lắng xuống, những tiếng nói thể hiện nỗi thất vọng đã cất lên.

“Nếu chỉ có vậy, Tổng thống Assad chắc chắn sẽ thở phào nhẹ nhõm”, Randa Slim, nhà phân tích tại Viện Trung Đông, bình luận trên Twitter. Thật vậy, sáng cùng ngày, văn phòng của Tổng thống Assad đăng một đoạn video cho thấy ông vẫn chỉnh tề đi làm trong bộ quần áo vest như chưa có chuyện gì xảy ra.

Tổng thống Trump hơn hai tuần trước còn thông báo về dự định “sớm rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria”. Giờ đây, ông lại phát động một cuộc oanh kích diện rộng nhắm vào hàng loạt mục tiêu ở nước này. Vậy, câu hỏi đầu tiên đặt ra: Chính sách thực sự mà Mỹ muốn theo đuổi tại Syria là gì, sau cuộc không kích?

Câu trả lời còn rất mơ hồ. Khi Tổng thống Trump thông báo về cuộc không kích, ông rõ ràng nhấn mạnh vào mục tiêu trừng phạt chính quyền Syria vì vụ tấn công hóa học ở Douma. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley mới đây lại khẳng định không có bất cứ giải pháp chính trị nào ở Syria nếu Tổng thống Assad vẫn nắm quyền.

Một câu hỏi khác khiến không ít người quan tâm là ngoài phản ứng với hành động sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria, liệu Tổng thống Trump có bất kỳ kế hoạch nào nhằm bảo vệ dân thường Syria trong cuộc nội chiến dai dẳng suốt 7 năm qua của họ hay không?

Gần nửa triệu dân thường Syria đã phải bỏ mạng vì chiến tranh nhưng trong số này, những người thiệt mạng vì vũ khí hóa học chỉ chiếm phần nhỏ. Quãng thời gian còn vận động tranh cử, ông Trump thỉnh thoảng nêu ý tưởng về việc tạo ra những “vùng an toàn” cho cư dân Syria.

09-28-02_2
Bầu trời Damascus được thắp sáng bởi hàng loạt tên lửa đất đối không nhằm chống trả những tên lửa Mỹ nhắm vào các cứ điềm gần thủ đô của Syria. Ảnh: AP

Vậy liệu bước tiếp theo của chính quyền Trump có phải là tạo ra những khu vực như vậy? Nếu đúng, nó sẽ hoạt động ra sao? Những vùng an toàn này chắc chắn yêu cầu cần phải có “khu vực cấm bay” bởi không quân Syria đã nắm được ưu thế trên bầu trời, cho phép họ thả vũ khí hóa học, “bom thùng” hay bất cứ vũ khí nào khác mà họ muốn. Song áp đặt vùng cấm bay là điều vô cùng phức tạp và khó khăn bởi thực tế, vẫn còn lượng lớn phi cơ Nga đang bay lượn trên không phận Syria, giới phân tích nhận định.

Câu hỏi thứ ba khiến nhiều người thắc mắc liên quan đến việc liệu rằng mối quan tâm tới những dân thường bị ảnh hưởng bởi vũ khí hóa học tại Syria có thay đổi được quan điểm của Tổng thống Trump về việc ngăn dòng người tị nạn Syria nhập cư vào Mỹ hay không? Hiện tại, chính quyền Trump vẫn kiên quyết cấm người tị nạn Syria đến Mỹ.

Cuối cùng, liệu cuộc tấn công có tạo ra một bước ngoặt nào trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Mỹ hay không? Và liệu một cuộc chiến tranh Nga - Mỹ có bùng phát trên chiến trường Syria không?

Theo cây bút Alex Ward từ Vox, nguy cơ trên là có nhưng không nhiều bởi Moscow và Washington, dù không tiếc lời chỉ trích lẫn nhau, họ vẫn tìm cách để tránh bị lôi vào một cuộc xung đột nghiêm trọng.

Cuộc không kích lần này của liên quân Mỹ - Anh - Pháp bắt đầu trước bình minh ngày 14/4 đã khiến thủ đô Damascus, Syria, rung chuyển dữ dội.

Giới chức Mỹ thông báo đòn tấn công nhằm đáp trả chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, Đông Ghouta, hôm 7/4, khiến khoảng 70 ngưởi thiệt mạng, cáo buộc mà Syria phủ nhận. Tên lửa nhắm chính xác vào ba cơ sở bị nghi là nơi nghiên cứu và lưu trữ vũ khí hóa học của Tổng thống Assad gần Damascus và tỉnh Homs.

Quân đội Syria thông báo có tổng cộng 110 tên lửa được Mỹ và đồng minh phóng ra - con số mới nhất được BBC công bố là 115 quả - và tại một căn cứ quân sự Syria, lực lượng phòng không đã bắn hạ 12 tên lửa hành trình. Giới chức quốc phòng Nga khẳng định 71 quả tên lửa của liên quân đã bị bắn hạ.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.